TUYỂN SINH ĐH, CĐ 2011

Hồ sơ sai sót: Không phải chỗ nào cũng được sửa

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hằng năm, sai sót phổ biến nhất trong hồ sơ đăng ký dự thi là họ tên, ngày tháng năm sinh, nhầm lẫn về đối tượng ưu tiên, khu vực giữa nơi học và tốt nghiệp THPT, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú… Đặc biệt, sai sót về khối thi, mã ngành dự thi chiếm tỉ lệ cũng không nhỏ.

Có được đổi ngành, sửa khối thi?

Trước kỳ thi, những điều chỉnh về thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính đều được tất cả các trường thực hiện khá dễ dàng. Còn các thay đổi về đối tượng tuyển sinh và khu vực ưu tiên cần có sự kiểm tra hồ sơ gốc, khi đến điều chỉnh, thí sinh phải mang đầy đủ giấy tờ có liên quan. “Riêng việc chuyển đổi ngành, khối dự thi phải tùy thuộc thẩm quyền giải quyết của hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng tuyển sinh từng trường. Nếu có nguyện vọng, thí sinh phải báo cáo với hiệu trưởng, hội đồng tuyển sinh trường đăng ký dự thi. Trường hợp này, thí sinh phải có lý do chính đáng nhưng rất hạn chế” - ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết: “Từ nay đến ngày 7-5, trường cho phép thí sinh đổi ngành, khối thi. Sau ngày này, thí sinh không được thay đổi vì lúc này trường đã nhận được dữ liệu hồ sơ của tất cả các sở GD&ĐT trong cả nước gửi về. Khi đó đã có dữ liệu chính thức của từng ngành, thí sinh xin đổi sẽ loạn cả lên”. Còn Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói: “Chỉ trường hợp nơi thu nhận hồ sơ là Sở GD&ĐT nhập sai ngành, khối thi so với phiếu số 2 thì được điều chỉnh, còn lại không cho thí sinh thay đổi ngành, khối thi với bất cứ lý do gì”.

Khi điều chỉnh hồ sơ, thí sinh phải mang theo phiếu số 2 và xuất trình được những giấy tờ có liên quan, hợp lệ. Chẳng hạn liên quan đến họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi tốt nghiệp THPT... cần có chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, giấy chứng nhận hoặc bằng tốt nghiệp THPT... Nếu để chỉnh sửa các thông tin về tiêu chuẩn hưởng ưu tiên đối tượng (con thương binh, bệnh binh, liệt sĩ…) cần có các giấy tờ xác nhận liên quan của các cơ quan có thẩm quyền.

Hồ sơ sai sót: Không phải chỗ nào cũng được sửa ảnh 1

Thí sinh chỉnh sửa hồ sơ trong ngày đầu làm thủ tục dự thi ĐH, CĐ năm 2010 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: QUỐC DŨNG

“Hiện nay có một số trường THPT giữ lại phiếu số 2, thí sinh phải liên hệ với trường để xin lại. Vì nếu không sẽ bị quên và giả sử hồ sơ có sai sót, khi đến điều chỉnh ở trường ĐH mà không có phiếu số 2 thì trường không chấp nhận” - ông Dũng khuyên. Còn ông Hạ thì cho hay trường hợp mất phiếu số 2 thì hồ sơ gốc là minh chứng cuối cùng. Khi đi chỉnh sửa hồ sơ, thí sinh nên mang theo hai tấm ảnh dự phòng (giống với ảnh đã nộp kèm hồ sơ) để nếu cần bổ sung thì không mất thời gian đi lại nhiều.

Được chỉnh sửa đến trước ngày thi

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nói: “Khi nhận giấy báo dự thi, nếu phát hiện có sai sót thì thí sinh cần liên lạc ngay với hội đồng tuyển sinh của trường tổ chức thi để được điều chỉnh”. Mặt khác, thí sinh cũng không quá lo lắng vì vẫn có cơ hội điều chỉnh những sai sót trong hồ sơ trong ngày làm thủ tục dự thi. Thí sinh cần có mặt trong ngày đầu tiên của mỗi đợt thi (ngày 3-7 đối với khối A, V, ngày 8-7 đối với các khối B, C, D và năng khiếu, ngày 14-7 đối với các trường CĐ có tổ chức thi) để thông báo với hội đồng tuyển sinh của trường làm thủ tục chỉnh sửa những sai sót, thông tin chưa chính xác, bổ sung các giấy tờ còn thiếu.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: “Thí sinh cũng lưu ý, ngày đầu làm thủ tục dự thi chỉ để điều chỉnh những sai sót trong giấy báo dự thi, bổ sung những gì còn thiếu chứ không phải để đổi mã ngành dự thi vì số báo danh và phòng thi đã được các trường bố trí hoàn tất”.

Khai man hồ sơ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Nếu thí sinh có hành vi giả mạo hồ sơ để hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực hoặc theo đối tượng trong tuyển sinh sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, chỉnh sửa kịp thời hồ sơ có sai sót là cực kỳ cần thiết bởi sau kỳ thi tuyển sinh, các trường sẽ tổ chức kiểm tra kết quả thi và hồ sơ của thí sinh trúng tuyển.

Tiến sĩ PHẠM TẤN HẠ, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM

_________________________________________________ 

Từ ngày 30-5 đến 5-6, các sở GD&ĐT sẽ gửi giấy báo dự thi cho thí sinh. Đối với thí sinh nộp hồ sơ tại Sở GD&ĐT, giấy báo dự thi sẽ được các trường ĐH, CĐ chuyển về cho các sở, sau đó sở chuyển về trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên. Thí sinh tự do, vãng lai trực tiếp nhận giấy báo dự thi tại bộ phận tuyển sinh của Sở GD&ĐT nơi thí sinh đã nộp hồ sơ. Thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ sẽ được trường chuyển giấy báo qua đường bưu điện theo địa chỉ thí sinh đã ghi trên bì thư nộp kèm trong hồ sơ. Khi đến nhận giấy báo, thí sinh (hoặc người nhận giùm) cần mang theo phiếu số 2 và phải ký nhận đầy đủ.

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm