Học để thoát nghèo: Mẹ con cùng đi học

Dè xẻn không đủ chi tiêu

Quê tận vùng đất cảng Hải Phòng, gia đình chị Sếnh gắn với nghề nông, đông anh em nên chị sớm thoát ly vào Sài Gòn. Hơn 10 năm quăng quật nơi đất khách, chị chẳng có chút dành dụm nào để phòng hờ lúc trái gió trở trời. “Lương tháng công nhân ba cọc ba đồng, chỉ cầm cự được dăm ba hôm. Tất thảy thu nhập được chia làm ba phần, hai phần đóng tiền học cho mẹ và con, rồi tiền phòng trọ và tiền ăn, thế nên tháng nào cũng âm lương” - chị Sếnh giãi bày.

Cũng theo đó, bữa cơm của mẹ con chị khi vơi khi đầy là chuyện thường tình. Nhắc đến chi tiêu hằng ngày, chị tính toán: “Bữa ăn sáng của hai mẹ con chủ đạo vẫn là cơm nguội nấu từ đầu hôm dằn bụng trước khi con đến trường, mẹ vào nhà máy. Họa hoằn lắm trúng kỳ nhận lương, mình chắt bóp một ít mua vài bịch sữa tươi để cải thiện sức khỏe cho con. Còn bữa tối cũng chỉ đạm bạc một món rau và quả trứng làm món mặn”.

Học để thoát nghèo: Mẹ con cùng đi học ảnh 1

Mẹ con chị Sếnh lạc quan ngày mai sẽ khá hơn. Ảnh: P.ĐIỀN

Cuộc sống công nhân hối hả và thường xuyên tăng ca khiến chị chẳng có nhiều thời gian để chăm bẵm cho con như bao bà mẹ khác. Cậu bé Công con chị nom già dặn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Hằng ngày, em phải tự mình đến trường và sau giờ học phải về nhà tất tả lo cơm tối để sẻ chia khó khăn của mẹ. Công thổ lộ: “Rời công ty, mẹ cháu phải đi học tận 10 giờ đêm mới về phòng trọ. Thấy mẹ vất vả, cháu phải ráng học và giúp mẹ việc nhà để mẹ khỏi buồn”.

Mẹ con cùng đi học

Giữa bộn bề lo toan, cuộc sống mẹ con chị Sếnh càng thêm chông chênh bội phần với nỗi lo tiền phòng trọ, tiền gạo, mắm muối… Vậy mà chị Sếnh vẫn không tắt đi niềm lạc quan về một ngày mai tươi sáng hơn cho cả hai mẹ con.

Với nhiều công nhân, đi học chính là cơ hội để nay mai cầm chắc cái nghề trong tay. Các công nhân thường lựa chọn những ngành nghề gần gũi với công việc họ đang làm như kỹ thuật, kinh tế... để nay mai học xong còn kiếm được việc làm. Chị Sếnh kể mình mê nghề dược từ hồi còn đi học nhưng vì gia đình khó khăn nên đành gác lại. Hiện tại, con còn nhỏ, chi tiêu chưa nhiều nên đồng lương công nhân của chị còn đủ cầm cự cho mẹ con qua ngày. Nay mai con chị học lên cao, đồng lương công nhân sẽ khó đáp ứng nhu cầu học tập của con.

Với thâm niên hơn 10 năm làm công nhân, chị Sếnh thấm thía một điều là lỡ sẩy chân, công nhân chỉ có nước thất nghiệp, nằm dài ở phòng trọ. Và suy cho cùng, mỗi công nhân cũng chỉ biết một vài công đoạn trong nhà xưởng. Họ phải lắp ghép vào nhau mới thành, còn tách ra thì chỉ mà những mảnh vỡ rời rạc. “Mình lớn tuổi nên cực đã đành, nhưng chẳng lẽ cứ mãi kiếp… công nhân. Mình quyết học lấy cái nghề để nay mai lỡ có thất cơ còn có cái nghề để bấu víu nuôi con ăn học” - chị Sếnh lạc quan nói.

PHONG ĐIỀN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm