Học lễ ở đâu?

Con gái cùng chồng trói mẹ, tra tấn bắt phải đưa tiền, rồi quên tháo dây trói bỏ mặc mẹ già chết dần mòn; đốt sống cô gái giữa phố vì bị từ chối lời tỏ tình; con trai hành hạ mẹ đến chết mặc sự can ngăn của vợ; con rủ bạn dàn cảnh tống tiền mẹ ruột…

Phải nói đó là những thảm cảnh thời đại mà những ai có chút lương tri đọc qua cũng nhói lòng và đặt câu hỏi vì đâu cho đến nỗi này? Vì một xã hội quá thực dụng, quá coi trọng tiền bạc, vật chất đến mức có câu nói cửa miệng “Tiền là tiên, là phật…”. Hầu hết phim ảnh chuyên ca ngợi sự thành công tiền bạc, tìm cách đạt được địa vị bằng mọi giá. Những hình ảnh kích động bạo lực tràn ngập trên các kênh truyền hình, Internet…, trong khi các bậc cha mẹ cắm đầu cắm cổ lo cơm áo gạo tiền không còn thì giờ quan tâm dạy dỗ con cái, đã vô tình “khoán” chúng cho truyền hình, Internet độc hại!!!

Thế còn ở nhà trường? Từ hồi đổi mới, tại hầu hết các trường trung, tiểu học trên cả nước đều có tấm bảng to đùng “Tiên học lễ - Hậu học văn” đặt ở cổng. Nhưng đó chỉ là hình thức. Cũng như chuyện dạy lễ nghĩa, đạo đức cùng những bài giáo dục công dân hầu như nặng phần hình thức, chiếu lệ. Bởi mỗi tuần chỉ có một tiết giáo dục công dân nhưng bị lồng ghép đủ thứ “hầm bà lằng” vào đó: Nào là giáo dục an toàn giao thông, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường, ma túy, mại dâm, giáo dục pháp lý, giáo dục quốc phòng, kỹ năng sống và cả triết học… Thử hỏi lồng ghép như vậy thì giáo viên dạy môn giáo dục công dân có là thánh cũng không truyền dạy được cho các em những bài học lễ nghĩa, đạo đức cho có đầu có đũa chứ chưa nói học trò có nghe và tiếp thu không, bởi nhiều học sinh không hứng thú gì khi học môn phụ không thi này. Trong khi đó, chương trình học lại quá nặng nề, nhiều môn học thừa mà như lời GS Văn Như Cương bảo là có những kiến thức trong sách giáo khoa học chẳng để làm gì. Đã có nhiều nghiên cứu, hội thảo cùng nhiều bài viết của các nhà giáo và những người tâm huyết với giáo dục về sự quá tải của chương trình giáo dục trung, tiểu học hiện nay - đúng ra vừa thừa vừa thiếu. Điều gây bất ngờ nhất là vừa qua một học sinh lớp 12 cũng đã “đăng đàn” lên mạng phê phán sự quá tải và những bất cập của chương trình giáo dục hiện nay! Ở đây chúng tôi không đặt vấn đề đồng tình hay không với nội dung bài nói chuyện của em, chỉ thắc mắc không hiểu những vị có trách nhiệm biên soạn chương trình và đặc biệt lãnh đạo Bộ GD&ĐT nghĩ gì và cảm thấy thế nào khi một em học sinh 18 tuổi “lên lớp” cho ngành. Có lẽ mọi người sẽ rất vui khi có một người rất trẻ tuổi góp ý tâm huyết về một vấn đề lớn của xã hội, dù chưa xét tới chuyện đúng sai hay dở, tuy nhiên đáng buồn là cái cách mà em nói chuyện với người nghe hầu hết là những bậc trưởng thượng - khi em đứng thọc tay túi quần nói như nói với bạn bè cùng trang lứa! Dĩ nhiên đây là một bài soạn sẵn và chắc chắn là có sự góp ý của người lớn nhưng rất tiếc người lớn đứng sau lưng em đã không hướng dẫn em ứng xử cho phải cách. Đó cũng là sự thiếu sót - có thể nói là bỏ trắng - của giáo dục công dân. Thiết nghĩ đã đến lúc trả môn Giáo Dục Công Dân (viết hoa) - cũng có thể gọi là môn Đạo Đức - về đúng vị trí của nó là dạy các em HỌC LÀM NGƯỜI và rèn luyện KỸ NĂNG SỐNG, để còn có chút hy vọng về tương lai sẽ bớt đi những chuyện đau lòng, chướng tai gai mắt từ giới trẻ.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm