Học sinh thích thú với đề thi môn sử

Cụ thể câu IV (2 điểm) của đề thi yêu cầu: "Trong đường lối đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương "thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc". Phát biểu cảm nghĩ của anh/chị về đường lối trên của Đảng. Theo anh/chị, thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay phải làm gì để phát huy truyền thống dân tộc?". 

Tại hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ngay khi kết thúc 2/3 thời gian, phần lớn học sinh (HS) đã rời phòng thi với tâm trạng vui vẻ.

Thí sinh thi môn sử tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH 

Nhiều em cho biết đề môn Lịch sử năm nay dễ và khá hay. Em Quốc Tài cho rằng đề không nặng kiến thức và đòi hỏi HS liên hệ cả thực tế. Đề có đề cập đến chiến dịch Điện Biên Phủ và yêu cầu HS nhận định về chiến lược của ta trong chiến dịch này. Đề còn có câu về đại đoàn kết dân tộc và liên hệ đến giới trẻ hiện nay phải làm gì để duy trì truyền thống đoàn kết dân tộc. Theo Quốc Tài, em làm được khoảng 7 điểm vì đề không nặng lý thuyết và khá dễ. Hầu như bạn nào cũng làm trong hai tiếng là xong.

Em Nguyễn Hải Lý cho biết với đề này em không học bài cũng có thể làm được. Theo em, các bạn dễ lấy điểm ở những câu liên hệ thực tế khi nêu quan điểm của bản thân. Tuy điểm những câu này không nhiều nhưng cho thấy môn sử không nặng nề như học ở lớp.

Lý cho biết em làm được hết. Nếu thầy cô chấm mở thì em có thể đạt 8 điểm. Tuy nhiên theo Lý, tuy đề dễ nhưng khó có nhiều điểm cao vì đòi hỏi HS phải biết liên hệ thực tế và lập luận sao cho đúng ý yêu cầu.

Tuy nhiên, em Nguyễn Đăng Khoa, tại điểm thi này lại cho rằng đề năm nay ko hay bằng năm ngoái. Những gì thầy cô và HS dự đoán trong quá trình ôn đều trật. Đề không thời sự và không nêu được tình hình nổi bật năm nay. Theo em, đề này chỉ gói gọn trong chương trình đã học, ngay cả về đoàn kết dân tộc thì HS cũng đều được ôn. HS ôn và học kỹ bài là làm được. 

Em Phạm Thùy Trang cũng cho rằng đề năm nay dễ, em "trúng tủ" phần chiến dịch Điện Biên Phủ và cách mạng khoa học kỹ thuật nên em làm bài khá tốt. Riêng về những câu liên hệ thực tế, đề ra khá đơn giản và cũng ít điểm nên em thấy không hay lắm. "Em không bất ngờ về đề thi này vì tụi em đã được ôn hết rồi" - em Thùy Trang nói. 

Phạm Thùy Anh, học sinh Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội), thi tại điểm thi Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội, tự tin mình được 6 điểm môn sử. Ảnh: PHI HÙNG

Thí sinh Lương Văn Vương, dự thi tại điểm thi Trường ĐH Thủy lợi cho biết đề thi năm nay ở mức bình thường, gồm bốn câu hỏi, trong đó có một câu xã hội, một câu thế giới và hai câu Việt Nam. Phần thế giới rơi vào phần cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ trước thế kỷ XX. Tuy nhiên tổng thể bài thi Vương chỉ làm được một nửa do không ôn kỹ nội dung chương trình. Vương cho hay để làm được đề thi này, đòi hỏi thí sinh phải chăm ôn tập bởi trong đề cần có nhiều mốc thời gian, ngoài ra cần phải có sự logic chặt chẽ. Vương tự tin mình được 6-7 điểm.

Còn thí sinh Nguyễn Tuấn Thành, HS Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội), cho hay đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái, Thành làm hết được phần lịch sử Việt Nam, phần thế giới do không ôn kỹ nên Thành chỉ làm được một số ý. Theo Thành, đề thi năm nay mở, không có câu hỏi đánh đố HS, chỉ cần học chăm chỉ thì có thể kiếm điểm khá. Năm nay Thành sẽ xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thành tự tin mình được từ 7 điểm trở lên.

Thí sinh khá vui vẻ khi rời phòng thi. Ảnh: HUY TRƯỜNG 

Trong khi đó, theo các thí sinh ở địa điểm thi trường ĐH Quảng Nam, đề thi năm nay nằm trong chương trình kiến thức phổ thông, câu hỏi thứ tư về vấn đề “đại đoàn kết dân tộc” khá hay.

Nhiều em tâm sự, đề sử năm nay nằm trong chương trình học nên nếu ôn kĩ thì dễ dàng lấy điểm cao. Trong bốn câu hỏi của đề thi sử sáng nay, một số thí sinh cho rằng câu khó nhất là câu số 2, đề yêu cầu học sinh phải có suy nghĩ, tổng hợp để nêu hai khuynh hướng cứu nước trong phong trào dân tộc trong những năm 20 của thế kỷ XX.

“Theo em câu này khá khó nếu không nắm vững kiến thức, vì câu này vừa phải học kĩ và phải biết tổng hợp thì mới làm được. Khó lấy điểm tuyệt đối ở câu này. Còn về câu hỏi mở số 4, em chỉ suy nghĩ rồi viết vào chứ không biết giáo viên chấm như thế nào. Em đoán mình làm bài cũng tạm được, trên điểm trung bình” – Em Nguyễn Thị Tường Vy (học sinh trường THPT Phan Bội Châu) nói.

Trong khi đó, một số thí sinh sau khi rời phòng thi cho biết, đề thi năm nay khá dễ, không có nhiều đánh đố, và quan trọng là bài thi năm nay theo hướng mở nên, có nhiều số liệu về mốc thời gian nên giảm bớt áp lực về việc học thuộc lòng cho người đi thi. “Em hoàn thành bài thi khá tốt, em rất vui vì đề thi sử năm nay không quá dài và quá nhiều sự kiện để phải nhớ nhiều mốc thời gian. Riêng câu hỏi về “đại đoàn kết dân tộc” là em thấy dễ nhất, với câu này thì hầu như ai cũng làm được, vì ai cũng có thể thể hiện lòng yêu nước của mình để đưa vào bài thi. Đề thi khá dễ nên em hoàn thành bài thi khá nhanh” – Đoàn Ngọc Sơn (tại Cụm thi ĐH Quảng Nam) khá hài lòng với bài thi tốt của mình.

Trong khi đó, nhiều thí sinh tại cụm thi này cho hay, nhiều thí sinh khi bóc đề thi môn sử thì có thể nhanh chóng làm được những câu nằm trong chương trình học. “Em nghĩ đề năm nay cũng khá dễ, không “nhọc nhằn” lắm với những thí sinh tự do như bọn em, đề năm nay yêu cầu phải vừa học trong sách vở vừa phải tổng hợp nhiều mới hoàn thành bài thi tốt, em có thể chắc chắn mình trên điểm trung bình. Nhiều năm trước, trong đề thi ra phần số liệu và mốc thời gian quá nhiều nên phải học bài nhiều, năm nay hướng ra mở nên đỡ vất vả hơn” – một thí sinh rời phòng thi sớm cho biết.

Thí sinh thi tại điểm thi trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ảnh: Phạm Anh

Thí sinh thi tại điểm thi trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ảnh: Phạm Anh

Thí sinh thi tại điểm thi trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ảnh: Phạm Anh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm