Học thứ bảy, 'nghỉ' thứ năm

Nhiều học sinh thì tỏ vẻ thích thú với lịch học này, nhưng cũng không ít phụ huynh lại cho rằng lịch học này khiến họ khó sắp xếp thời gian biểu quản lý con.

Học sinh thích thú 

Hai học sinh Đỗ Thị H. và em Lê Thị T. (học sinh trường THCS Hùng Vương, quận Hải Châu) chia sẻ, thay vì thứ năm học chính khóa thì trường dành thứ năm để học phụ đạo hoặc các buổi học ngoại khóa. Học như vậy em thấy đầu óc thoải mái hơn, giãn lịch học ra, không dồn dập kiến thức nên việc tiếp thu bài em thấy cũng dễ hơn. Việc học phụ đạo thì tùy sở thích, năng khiếu để đăng ký nên khi học không bị gò bó, nặng nề.

Còn em Nguyễn Văn T. (học sinh trường THCS Lê Độ) cũng đồng tình cho biết “Tùy từng ngày. Có tuần thứ năm tụi con được nghỉ, cũng có tuần thì thứ năm đi học ngoại khóa. Học như vậy con thấy đầu óc đỡ căng thẳng hơn. Nếu học liên tục từ thứ hai đến thứ sáu với các môn học chính khóa thì con thấy hơi “nặng” nên sẽ dễ bị stess. Mà đến khi nghỉ liên tục hai ngày thứ bảy, chủ nhật thì con cũng “nhớ lớp” và nếu không ôn bài thì dễ quên kiến thức cũ lắm. Thay vì học liên tục trường giãn ra ngày nghỉ giữa tuần con thấy tiếp thu bài dễ hơn”.

Một tiết học tại trường THCS Hùng Vương – quận Hải Châu. Ảnh: Dương Hằng

Phụ huynh khó sắp xếp thời gian

Trong việc thay đổi lịch học này, một số phụ huynh cũng đồng tình vì cho rằng con em họ được giãn ra ngày giữa tuần thì dễ tiếp thu bài hơn. Nhưng cũng có một vài ý kiến lại cho rằng việc này khiến họ khó sắp xếp thời gian biểu để phù hợp với lịch học của con. Phụ huynh Trần Thị H. có con theo học tại trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, khi lên lớp sáu con thay đổi thời khóa biểu thay vì học thứ năm, nghỉ thứ bảy thì con lại học thứ bảy nghỉ thứ năm nên khiến cho gia đình rất khó sắp xếp thời gian đưa đón con. “Nhiều buổi thứ năm con đi học ngoại khóa về sớm hơn các buổi học chính khóa, ba mẹ không bố trí kịp thời gian để đón. Mà nếu để con tự về một mình cũng không yên tâm nên đành để con ở trường chờ....”. Nhiều phụ huynh cũng cho rằng việc thay đổi này khiến cho phụ huynh khó sắp xếp thời gian. “Nhiều buổi thứ năm trong tuần con nghỉ học, ba mẹ vẫn đi làm. Để con ở nhà một mình không yên tâm nên đành đăng ký cho con đi học thể thao “thời vụ” cho con ở trung tâm”, một phụ huynh chia sẻ. 

Trong vấn đề này, cô Trần Thị Thanh Hồng (Phó hiệu trưởng trường THCS Phạm Ngọc Thạch – quận Sơn Trà) cho biết lịch học chính khóa của trường là thứ hai, ba, tư, sáu và bảy. Còn thứ năm dùng để học ngoại khóa hoặc học chuyên môn, họp hành của giáo viên, nhà trường. Theo cô Hồng, lịch học này đã được thực hiện từ lâu chứ không phải mới thay đổi. Phần lớn phụ huynh và học sinh trong trường đều đồng ý với lịch học và hiện tại trường cũng chưa nhận được sự phản ánh nào của phụ huynh, học sinh trong vấn đề này.

Thầy Hồ Ngọc Hưng (Phó hiệu trưởng trường THCS Hùng Vương- quận Hải Châu) thì cho rằng lịch học nhận được sự đồng tình rất cao từ phía học sinh và phụ huynh. Thực tế, trường không nghỉ học ngày thứ năm. Nhưng ngày này sẽ cơ động hơn lịch học chính khóa. Có lúc dành cho học các môn ngoài trời hoặc dùng để học phụ đạo, các môn tự chọn. Việc sắp xếp như vậy theo thầy Hưng nhằm để học sinh tham gia học ngoại khóa, học phụ đạo đạt kết quả cao hơn. 

 

Cái gì tốt hơn thì làm

Việc bố trí thời khóa biểu này không phải là mới. Thay vì học chính khóa liên tục từ thứ hai đến thứ sáu thì ngày thứ năm sẽ dành cho các buổi học ngoại khóa, các tiết học chuyên môn dành cho giáo viên. Nếu không có lịch ngoại khóa hay chuyên môn dành cho giáo viên thì sẽ sắp xếp vài môn học tự chọn cho học sinh... Sự thay đổi này vừa là phù hợp với tâm sinh lý của học sinh vừa phù hợp với cách bố trí lịch học. Nếu thứ hai thực hiện việc chào cờ đầu tuần, thì cuối tuần sinh hoạt lớp, còn giữa tuần là các buổi học ngoại khóa hoặc các tiết học chuyên môn thì sẽ bổ ích hơn. 

Hiện tại thì chúng tôi chưa làm điều tra xã hội học nên không biết rằng việc làm này có nhận được sự đồng thuận hay phản đối gì không. Nhưng lịch học này là truyền thống mấy chục năm của giáo dục Đà Nẵng nhưng chưa hề có ý kiến phản đối. Tất nhiên theo tôi, một chính sách đưa ra rất khó được sự đồng thuận 100%, nhưng cái gì tốt hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn thì thực hiện. Ông Nguyễn Minh Hùng (phó giám đốc sở giáo dục Đà Nẵng)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm