Họp phụ huynh, đọc thư con và khóc...

Không khí gia đình đầm ấm là mong muốn lớn nhất của con trẻ. Có lẽ vì vậy mà mong muốn bao trùm nhất trong các bức thư các em viết ra là mong ba mẹ đừng giận nhau...

Tại sao thương em nhiều hơn thương con?

Trong lá thư của một em trai tên Q. học lớp 3 là vô vàn những thắc mắc chất chứa bấy lâu trong lòng em: “Con hỏi bố mẹ là vì sao bố mẹ thương em nhiều hơn thương con? Vì sao bố mẹ không quan tâm đến con nữa? Và con muốn hỏi một câu cuối cùng là vì sao bố mẹ lại gọi tên con như thế?...”. Mẹ em viết trả lời: “Em con còn nhỏ, phải được chăm sóc nhiều hơn, ngày con còn nhỏ cũng được chăm sóc như thế. Lúc nào bố mẹ cũng yêu thương con nhiều lắm nhưng bây giờ gia đình ta bận rộn hơn nhiều”...

Có rất nhiều em cũng cùng một thắc mắc như Q. rằng em có cảm giác bị ba mẹ cho ra rìa kể từ khi trong nhà có thêm em bé. Cảm giác này đã đeo đẳng các em, nếu không được giải tỏa, các em có thể trở thành đứa trẻ tự ti, cứng đầu, khó bảo. Sau khi đọc thư, một người mẹ đã kịp thời giải tỏa cho con như thế này: “Từ khi ba mẹ có em, ba mẹ bận rộn nhiều hơn, không có thời gian tâm sự với con nhiều. Con thông cảm cho ba mẹ nha... Tình thương của ba mẹ dành cho con không hề vơi đi chút nào. Mỗi lần con đi thi là mẹ lại hỏi ba: “Không biết thằng Ph. làm bài có được không anh? Không biết Ph. có kiểm tra lại bài kỹ không? Mong sao nó làm bài được”. Có hôm ba thức khuya nhưng khi nhìn lên đồng hồ gần đến giờ đưa con đi học, ba giật mình không dám ngủ thêm vì sợ trễ giờ của con. Các con là điểm tựa của ba mẹ đó con biết không?”.

Họp phụ huynh, đọc thư con và khóc... ảnh 1

Một buổi sinh hoạt tập thể của các em Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: TM

Con có vạn lỗi sai...

Bên cạnh những dòng thắc mắc, trách cứ ba mẹ, những dòng thư trẻ con còn nắn nót dành lời cảm ơn cho ba mẹ. “Vì muốn con học giỏi mà ngày nào mẹ cũng vất vả đưa đón con đi học. Mỗi khi nhìn mẹ ngủ yên giấc, con thật yên tâm vì những lúc mẹ ngủ ngon như thế thì những nhọc nhằn của mẹ sẽ tan biến”… “Con thấy dạo này ba gầy đi nhiều quá vì ba phải thức khuya làm việc. Con biết ba mẹ làm lụng vất vả để nuôi con ăn học. Nhưng ba mẹ ơi, ba mẹ hãy giữ gìn sức khỏe để còn sống lâu với con nữa chứ”

Hiệu quả nhất của lần viết thư này có lẽ thuộc về trường hợp của bé Q. Em viết thư nói lên mong muốn được ở gần và được cha mẹ đưa đi học hằng ngày như bao bạn khác. Sau khi họp phụ huynh, ba mẹ em đã mất hai đêm suy nghĩ và cuối cùng quyết định thu gọn bớt quy mô công ty, bớt đi giao dịch ở nước ngoài để dành thời gian lo cho con.

Em T., một học sinh lớp 3 viết: “Những năm qua, con luôn đạt học sinh giỏi một phần do ba đã ôn bài cho con... Buổi tối quây quần bên mâm cơm, ba hay kể chuyện hài, ai cũng cười vui vẻ cả. Còn mẹ, mẹ đã làm cho con những món ngon trước ngày thi… Lúc con làm những điều không lễ phép với ba mẹ, con cũng muốn nói lời xin lỗi lắm nhưng con ngại. Buổi tối, nằm trên giường con tự dằn vặt, tự trách mình, con muốn bị phạt lắm. Ba mẹ có la con cỡ nào con cũng là con của ba mẹ, ba mẹ có đánh con thế nào đi nữa thì con cũng là con của ba mẹ…”.

Không những cảm ơn ba mẹ, các em còn dành sự quan tâm đến những trẻ em bất hạnh. Em L. viết thư kể cho mẹ về suy nghĩ của mình qua chuyến đi thăm các trẻ mồ côi ở Long Thành do nhà trường tổ chức. “Trông các em thật đáng thương trong bộ đồ đã phai màu. Chắc cả cuộc đời các em không bao giờ được mặc những bộ quần áo mới mà ba mẹ mua cho mình. Con thật hạnh phúc khi có cha mẹ chăm lo... Con đã lớn lên nhiều rồi mẹ ạ. Con còn nhớ năm học lớp 1, con có nhiều sai lầm, gầm gừ, giận dữ với bạn như một con báo. Con còn xả rác… Cả vạn lỗi sai mà con không nhớ hết được”.

Bất ngờ trước sự trưởng thành của đứa con tuổi chỉ sắp lên mười, không ít phụ huynh đã viết thư hồi âm với suy nghĩ tương tự như người mẹ trong bức thư này: “Con gái yêu của ba mẹ! Đọc thư con, mẹ thật sự cảm động vì lòng hiếu thảo, biết ơn của con và bất ngờ vì con gái bé bỏng đã có những suy nghĩ chín chắn như vậy. Ba mẹ rất vui vì con đã biết quan tâm đến người khác. Mẹ muốn nói với con rằng ba mẹ yêu con rất nhiều và con là niềm hạnh phúc của ba mẹ”.

Những bức thư để trong hộc bàn

Trước kỳ họp phụ huynh cuối học kỳ I vừa qua, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM) đã cho học sinh viết thư nói lên những tâm tư của mình với ba mẹ.

Những lá thư được gấp cẩn thận trong phong bì đặt trong hộc bàn của từng em. Ngày hôm sau, giáo viên khéo léo sắp các phụ huynh ngồi ngay chỗ các em ngồi. Họp xong, giáo viên dành khoảng 30 phút để các phụ huynh tự khám phá tâm sự của con.

“Con xin mẹ và bà nội đừng cãi nhau”. “Điều mong ước lớn nhất của con là ba mẹ đừng cãi nhau nữa, con muốn nhà mình luôn có nhiều tiếng cười”. “Con cầu xin ba đừng đánh mẹ, ba đừng bán nhà. Con không muốn gia đình mình bị chia cắt”… Buổi họp phụ huynh hôm đó lạ lắm, không ai thắc mắc gì với giáo viên, không khí cuối buổi họp lặng im đầy xúc động, nhiều phụ huynh ngồi viết thư hồi âm, đặt ngay ngắn lại trong hộc bàn cho con. Nhiều người đã bật khóc…

Các ông bố bà mẹ không ngờ những đứa con bé bỏng đang tuổi thích ăn kẹo ngọt và xem phim hoạt hình của mình lại có suy nghĩ “già” đến thế.

THANH MẬN

Bồi dưỡng tình yêu thương cho trẻ

Đây là chuyện riêng của gia đình các em, chúng tôi làm vậy để qua đó các thầy cô hiểu hơn về suy nghĩ, hoàn cảnh gia đình của từng em. Từ đó các thầy cô mới đi vào tâm hồn các bé để giáo dục, bù đắp những gì các bé còn thiếu thốn. Đó cũng là cách bồi dưỡng tình cảm cho các em. Một khi các em đã có tình cảm yêu thương thì khó làm điều xấu lắm.

Cuối năm học này, chúng tôi sẽ cho các em viết thư với chủ đề Ước mơ mùa hè để các em viết lên những mong muốn có một mùa hè như thế nào. Nhiều khi cha mẹ cứ nghĩ hè cho con học đàn, học bơi là tốt nhưng có thể các em lại thích về quê chẳng hạn.

MAI THỊ NGỌC LAN, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng

Chúng tôi sẽ khuyến khích các trường cùng làm

Ở bậc tiểu học, việc dạy chữ là để dạy người chứ không phải dạy kiến thức, bởi học kiến thức thì các em còn nhiều cơ hội nhưng học làm người thì phải ngay khi còn nhỏ. Giáo viên muốn dạy được các em thì phải hiểu các em đang nghĩ gì. Hôm họp phụ huynh ở Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, tôi thấy nhiều phụ huynh khóc.

Việc khơi gợi cho trẻ nói ra những điều các em nghĩ như vậy là thành công, hình thức viết thư như thế là cách để giáo viên tìm hiểu học sinh tốt nhất. Khi hiểu được từng học sinh đang nghĩ gì nghĩa là giáo viên có thể đọc được tâm hồn của từng em để từ đó có cách giáo dục cho phù hợp. Chúng tôi sẽ khuyến khích các trường làm theo mô hình này.

Ông LÊ NGỌC ĐIỆP, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm