HS-SV không được mua BHYT gia đình

“Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung đã chia ra nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT nên phải tuân thủ các quy định của luật này. Theo đó, học sinh, sinh viên (HS-SV) là một nhóm đối tượng riêng, không phải là nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình. Do vậy, HS-SV không thể tham gia theo hộ gia đình như nhiều phụ huynh mong muốn mà phải mua tại trường học” - TS Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), khẳng định với Pháp Luật TP.HCM ngày 9-9.

“Mua theo gia đình không có lợi”

. Phóng viên: Phụ huynh muốn mua BHYT cho con em họ theo hộ gia đình vì nghĩ rằng sẽ được giảm trừ mức đóng nhiều hơn. Vậy ông có thể giải thích rõ hơn vì sao có quy định HS-SV không được mua BHYT theo hộ gia đình trong khi các em cũng là thành viên trong gia đình?

+ TS Lê Văn Khảm: HS-SV khi tham gia BHYT tại trường có quyền lợi rất thiết thực là được tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường. Quỹ để dành chăm sóc sức khỏe HS-SV được trích từ quỹ đóng BHYT. Ngoài ra khi tham gia BHYT theo nhóm đối tượng HS-SV thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30%, nghĩa là tùy từng hoàn cảnh cụ thể, tùy từng địa phương, từng trường hợp có thể có những nơi mà HS-SV được hỗ trợ nhiều hơn 30%. Trong khi đó, quy mô gia đình có năm, sáu người trở lên bây giờ không còn nhiều, hơn nữa những người đã tham gia nhóm khác thì phải tách khỏi hộ gia đình nên số người tham gia theo hộ gia đình còn lại ít hơn nên mức miễn giảm xem vậy cũng không nhiều. Bởi vậy, nếu chỉ nhìn không đầy đủ thì thấy HS-SV tham gia theo hộ gia đình có lợi hơn nhưng nhìn tổng thể thì sẽ không có lợi bao nhiêu.

Các trường có thể thu BHYT linh hoạt theo ba tháng, sáu tháng hoặc theo năm học, khóa học. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Đóng 4,5% là vô lý?

. Tuy nhiên, trong danh sách kê khai mua theo hộ gia đình có liệt kê tất cả thành viên trong hộ. Nếu kê khai HS-SV để mua BHYT có được không vì luật không quy định chế tài hoặc xử phạt điều này?

+ Trong biểu mẫu kê khai có yêu cầu kê khai đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình, kể cả thông tin nghề nghiệp, đã tham gia BHYT chưa. Việc kê khai này nhằm để biết họ tham gia theo nhóm đối tượng nào và cũng xác định rõ mức đóng, số người được giảm trừ. Nên khi kê khai là HS-SV thì đây là nhóm đối tượng phải mua BHYT tại trường.

. Phụ huynh cũng cho rằng trẻ em là đối tượng phụ thuộc, chưa làm ra tiền mà đóng theo mức lương cơ sở của người lớn với tỉ lệ 4,5% là không hợp lý?

+ HS-SV thuộc đối tượng phụ thuộc, việc tham gia BHYT là trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Tất cả quy định trong Luật BHYT sửa đổi đều được bàn thảo rất kỹ, từ tác động đến quỹ BHYT, đời sống xã hội cũng như kinh tế của các gia đình. Nói như vậy nghĩa là khi soạn thảo đã soi chiếu dưới nhiều góc cạnh mới đưa ra quyết định tăng mức đóng của HS-SV từ 3% lên 4,5%. Một trong những lý do để điều chỉnh mức tăng là mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT.

Đồng thời ngân sách Nhà nước cũng hỗ trợ cho các em 30%, nên tác động về mức điều chỉnh này không lớn. Nhưng cơ hội để nhận được dịch vụ tốt hơn rất hiện hữu. Trước đây các trường hợp có tổn thương thể chất và tinh thần do vi phạm pháp luật gây ra, hay tai nạn lao động, tự tử, tự ý gây thương tích… không được quỹ BHYT chi trả thì nay cũng được chi trả. Như vậy các quyền lợi đang mở rộng rất nhiều. Xét trên tổng thể thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, yêu cầu về mặt chất lượng ngày càng lớn, thành ra phải có chi phí bù đắp vào thay đổi này. Nên chúng ta phải điều chỉnh mức đóng, điều chỉnh này nó cũng thể hiện tất cả đối tượng đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, nó tạo sự công bằng.

. Nhiều phụ huynh cho biết họ đã mua bảo hiểm khác cho con em họ nhưng tại sao vẫn bắt họ mua BHYT?

+ BHYT là hình thức bắt buộc. Dù đã tham gia hình thức nào, ở đâu thì vẫn phải tham gia BHYT. Sự khác biệt giữa BHYT với các loại bảo hiểm khác là BHYT mang tính xã hội, chia sẻ cộng đồng. Mức đóng BHYT theo mức xác định sẵn, không phải lớn, còn mức hưởng gần như không hạn chế. Trong khi một số hình thức bảo hiểm khác họ phải tính trên lợi nhuận, mức hưởng dựa trên mức đóng nên có nhiều hạn chế. Không ai muốn mình bị bệnh để được sử dụng thẻ BHYT mà phòng trong trường hợp không may. Tham gia BHYT là điều mang tính nhân văn rất cao, tính xã hội rất lớn.

Có thể đóng theo năm học

Năm học 2015-2016 là năm đầu triển khai theo quy định mới thu phí BHYT HS-SV ở mức cao hơn. Có thể có một số địa phương thu luôn BHYT của 15 tháng (từ tháng 10-2015 đến hết tháng 12-2016), gây khó khăn cho nhiều gia đình có nhiều con đang đi học. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt khó khăn cho nhóm đối tượng HS-SV tham gia BHYT, các trường có thể thu linh hoạt theo ba tháng, sáu tháng hoặc thu theo năm học, khóa học.

Ông NGUYỄN ĐÌNH KHƯƠNG,
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm