Không có việc biên soạn sách giáo khoa cho hai miền Nam, Bắc

Trước đó, một số tờ báo đã thông tin, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dự định năm 2016 sẽ hoàn tất điều kiện biên soạn 2 bộ sách giáo khoa cho hai miền Nam - Bắc. 

Theo đó, cấu trúc sách giáo khoa sẽ hỗ trợ phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, hình ảnh hóa nội dung, tăng cường các tình huống thực tiễn đổi mới cấu trúc, đổi mới phương pháp dạy học; Đồng thời xây dựng hệ thống sản phẩm sách giáo khoa, đồ dùng và thiết bị dạy học đồng bộ với sách giáo khoa mới như sách tham khảo, băng đĩa, đồ dùng, thiết bị, sách điện tử....

Thông tin trên đã khiến nhiều tác giả chủ biên tập sách giáo khoa, giáo viên và phụ huynh băn khoăn và hoài nghi về độ chính xác. Bởi làm như vậy sẽ như “phân biệt vùng miền” đào tạo học sinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Vĩnh Hiển khẳng định không có chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn 2 bộ sách giáo khoa riêng cho hai miền Nam, Bắc.

Theo ông Hiển, ngày 28/11/2014, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó thống nhất chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.

Quốc hội thống nhất sẽ có một số sách cho mỗi môn học. Sách giáo khoa sẽ cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung, phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng. Nhà nước sẽ xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

"Chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa hoàn toàn không phải nhằm mỗi miền có một bộ riêng rẽ", ông Hiển nói với Vnexpress. 

Theo chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục sẽ chỉ đưa ra tiêu chí cụ thể về sách giáo khoa và chịu trách nhiệm thẩm định, nếu đủ điều kiện mới cho phép bộ sách hoặc cuốn sách đó được lưu hành trên thị trường. Còn việc lựa chọn sách nào để sử dụng phụ thuộc vào tổ bộ môn, giáo viên sao cho phù hợp với học sinh.

Chiều 15-2, TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang chuẩn bị điều kiện về nhân lực, tài lực để có thể biên soạn được những bộ sách giáo khoa trong điều kiện xã hội hóa. 

“Việc chuẩn bị này được Nhà xuất bản Việt Nam tiến hành ở các cơ sở khác nhau của mình như  miền Bắc, miền Nam, và có thể ở miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chỉ là các địa điểm tổ chức bản thảo bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam,” ông Tùng khẳng định với Vietnam plus. 

Cũng theo ông Tùng, phải tới khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình chi tiết các môn học được thông qua thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới tiến hành biên soạn các bộ sách giáo khoa phù hợp với chương trình này. 

Hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vẫn đang là dự thảo, chưa được ban hành chính thức. Sau khi có chương trình tổng thể chính thức mới biên soạn chương trình chi tiết các môn học.

Như vậy, có thể khẳng định sẽ không thể có chương trình chi tiết ngay trong năm 2016, đồng nghĩa với việc không thể có sách giáo khoa mới ngay năm nay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm