'Không dạy ngoài SGK' - 1 văn bản cần được thu hồi

Văn bản “V/v Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo khoa hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018” của Bộ GD&ĐT (do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ngày 3-10) đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ từ các nhà giáo ở trường phổ thông.

Đây là một sự phản ứng đúng đắn và cần thiết, vì văn bản này đã chỉ đạo sai khi nó yêu cầu giáo viên “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa (SGK)”. Trước phản ứng đó, Bộ giải thích rằng sai lầm này chỉ là “diễn đạt gây hiểu nhầm” nhưng thực chất không phải như vậy.

Sai lầm đó xuất phát từ nhận thức lẫn lộn giữa “chương trình học” với “SGK". Chỉ riêng cụm từ “chương trình giáo khoa” trong văn bản cũng đủ minh chứng cho sự lẫn lộn đó.

Suốt nửa thế kỷ qua, sự lẫn lộn này đã dẫn tới quan điểm “toàn quốc dùng chung một bộ SGK duy nhất”, với sự chỉ đạo “SGK là pháp lệnh” để biến giáo viên thành công cụ thuyết minh SGK, biến việc giảng dạy trở thành “đọc-chép SGK”, gây hậu quả nghiêm trọng cho chất lượng giáo dục phổ thông.

Vì thế, khi tiến tới cuộc đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện, Bộ đã từ bỏ quan điểm “SGK là pháp lệnh” và chấp nhận quan điểm mới “một chương trình, nhiều bộ SGK” để mở rộng quyền tự chủ về chuyên môn cho giáo viên.

Nay, với văn bản vừa ban hành, sự lẫn lộn giữa chương trình học với SGK lại kéo Bộ trở về với quan điểm “SGK là pháp lệnh” dẫn đến những hậu quả tai hại cho giáo dục phổ thông hiện hành. Hơn nữa, văn bản này còn cho thấy người soạn thảo nó không hiểu những điều mình viết để hướng dẫn giáo viên thực hiện.

Văn bản yêu cầu giáo viên “Đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập-nghiên cứu khoa học kỹ thuật” mà không biết rằng phương pháp “dạy học theo dự án” chỉ có thể thực hiện với những dữ liệu và thông tin “ngoài SGK”!

Xin hỏi Bộ: Khi đã cấm dạy “những nội dung ngoài SGK” thì làm cách nào để giáo viên có thể “dạy học theo dự án” để rồi “đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập”? Đúng ra nếu không lẫn lộn chương trình học với SGK, Bộ phải viết rằng “không dạy những nội dung ngoài chương trình quy định” (và Bộ phải phát hành bộ chương trình đó - đang lưu trữ ở Nhà xuất bản Giáo dục - cho giáo viên thực hiện).

Nói chung, văn bản của Bộ ký ngày 3-10 chứa đựng những ý tưởng và quan điểm mù mờ, sai lạc, thậm chí phản khoa học. Bởi thế nó cần được thu hồi để tránh cho ngành giáo dục phổ thông phải chịu thêm những sự rối loạn do nó tạo ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm