Kiểm định chất lượng giáo dục: Cần thời gian nhưng phải quyết tâm

Ngày 30-11, tại hội nghị về công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) đối với các trường ĐH do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TP.HCM, PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Khảo thí và KĐCLGD (Bộ GD&ĐT), cho biết hiện đã có trên 50% trường ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá KĐCLGD. Riêng ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM đang triển khai tự đánh giá một số chương trình theo bộ tiêu chuẩn của AUN (hiệp hội ĐH mang tính tự nguyện phi lợi nhuận của các trường ĐH hàng đầu thuộc các nước khu vực Đông Nam Á), ĐH Đà Nẵng đang có các chương trình phấn đấu đạt chuẩn của ABET - Hoa Kỳ… Bộ khuyến khích các trường ĐH đăng ký kiểm định chất lượng bởi các tổ chức quốc tế, hướng tới việc công nhận lẫn nhau về tín chỉ, chương trình, bằng cấp giữa các trường ĐH Việt Nam và các trường ĐH có uy tín trên thế giới.

KĐCLGD là công việc khá mới mẻ với ngành giáo dục của chúng ta, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Vũ Thị Phương Anh (ảnh), Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), làm rõ thêm về hoạt động này.

. PV: Thưa tiến sĩ, công tác KĐCLGD gồm những công việc gì?

Kiểm định chất lượng giáo dục: Cần thời gian nhưng phải quyết tâm ảnh 1
+ TS Vũ Thị Phương Anh: KĐCLGD nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục. Các trường tự đánh giá mình, sau đó một nhóm chuyên gia độc lập sẽ đánh giá và công nhận chính thức kết quả kiểm định. Đối với Việt Nam, việc công nhận kết quả kiểm định hiện do Bộ GD&ĐT thực hiện. Cụ thể là Cục Khảo thí và KĐCLGD sẽ lập đoàn kiểm định, sau đó đưa kết quả thẩm định cho hội đồng kiểm định quốc gia. Hội đồng sẽ bỏ phiếu quyết định xác nhận trường đó đạt hay không đạt.

. Như vậy, việc đánh giá chất lượng sẽ dựa theo tiêu chuẩn, tiêu chí nào?

+ Cục Khảo thí và KĐCLGD đã ban hành bộ tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá chất lượng các trường ĐH, CĐ gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí, tập trung vào sứ mạng và mục tiêu của trường ĐH; tổ chức và quản lý; chương trình giáo dục; hoạt động đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên; người học (được hướng dẫn đầy đủ về chương trình giáo dục, kiểm tra đánh giá, được đảm bảo chế độ chính sách xã hội, được khám sức khỏe theo quy định y tế học đường, có khả năng tìm việc làm và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp…); nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; hoạt động hợp tác quốc tế; thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác; tài chính và quản lý tài chính.

Kiểm định chất lượng giáo dục: Cần thời gian nhưng phải quyết tâm ảnh 2

Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: QUỐC DŨNG

Có ISO vẫn phải kiểm định

. Thưa tiến sĩ, vì sao Bộ chỉ đánh giá cơ sở đào tạo mà không đánh giá chương trình đào tạo?

- Bộ quan tâm đến cơ sở đào tạo vì đó là tiêu chuẩn tối thiểu (ví dụ không có phòng ốc thì không thể dạy học, không có giảng viên không thể tuyển sinh…). Đánh giá cơ sở đào tạo để bắt buộc cơ sở đào tạo đó phải có mục tiêu làm việc như thế nào, phải có những hoạt động bắt buộc như nghiên cứu khoa học, đào tạo rao sao… Bộ với tư cách là quản lý của ngành thì cần đánh giá cơ sở đào tạo. Còn chương trình đào tạo thì ở các nước khác do hiệp hội các trường ĐH đánh giá, hoặc hội nghề nghiệp đánh giá để đảm bảo sinh viên ra trường có năng lực mà họ cần...

. Thưa tiến sĩ, một số trường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO. Vậy ISO có phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ?

+ ISO không thể thay thế KĐCLGD, nó chỉ giúp cho công tác quản lý của trường tốt mà thôi. Các trường đang thực hiện ISO thì vẫn tiếp tục sử dụng trong công tác quản lý. Còn kiểm định vẫn là kiểm định.

. Vậy KĐCLGD có giống với việc xếp hạng theo tốp trường 100, 200 thế giới?

+ Hai cách này khác nhau. Xếp hạng là do xã hội làm. Còn kiểm định là do nhà nước quản lý thông qua hệ thống kiểm định.

Cần tăng chi phí và nhân lực

. Tiến sĩ có ý kiến gì khi các trường đều than thiếu cán bộ chuyên trách và kinh phí khi làm KĐCLGD?

+ Đối với trường công thì tôi cho rằng nếu nhà nước không thể đưa thêm mức chi thì nên cân nhắc cho thu thêm học phí. Khi thu thêm học phí, phải kiểm soát và phải đảm bảo gia tăng về lợi ích cho người học. Khi đó sẽ là cam kết chất lượng: Tôi bán cho anh hàng đó, nếu bán hàng kém chất lượng thì tôi chết! Về nhân lực thì phải tự đi học, tự quan tâm và tự làm. Chúng ta muốn tự chủ nhưng mọi thứ đổ hết cho nhà quản lý là không được. Khi đã đòi tự chủ thì nhà quản lý đòi hỏi chất lượng thì phải làm được.

. Tiến sĩ đánh giá thế nào về tiến độ kiểm định hiện nay?

+ Tôi cho rằng đó là bước tiến, tất nhiên là chưa hoàn hảo. Nhưng chuyện gì mới thì cũng phải tốn thời gian. Nhưng đừng mong đợi nó phải có một kết quả nhanh chóng như ý muốn, mà phải từ từ. Chúng ta mới triển khai công việc này từ năm 2005, tức mới năm năm trong khi các nước yếu nhất thì cũng hàng chục năm nay, còn ở Mỹ thì đã trăm năm. Đừng nên đòi hỏi trong thời gian ngắn mà chất lượng nâng lên ồ ạt!

Ba chương trình của ĐH Quốc gia TP.HCM được AUN đánh giá đạt chuẩn

Đến nay ba chương trình của ĐH Quốc gia TP.HCM được Mạng ĐH Đông Nam Á (AUN) đánh giá đạt chuẩn gồm ngành điện tử-viễn thông của Trường ĐH Bách khoa, ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên và ngành khoa học-kỹ thuật máy tính của Trường ĐH Quốc tế. Cả ba chương trình mà AUN đánh giá đều đạt trên bốn điểm, ngang với mức trung bình chung của khu vực. Trong đó, được đánh giá cao nhất là chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên đạt xấp xỉ năm điểm.

QUỐC DŨNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm