Loay hoay hỗ trợ cho trẻ mầm non

Thiếu giáo viên, không đủ điều kiện giữ trẻ 6-18 tháng... là hai trong nhiều bất cập của ngành giáo dục mầm non.

Những khó khăn mà quận Thủ Đức nêu ra tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP.HCM sáng 6-10 về chính sách hỗ trợ mầm non. Đó cũng là những khó khăn chung hiện nay của nhiều quận, huyện khác.

Giữ trẻ 6-18 tháng: Nơi quá tải, nơi vắng hoe

Năm học 2016-2017 là năm TP có kế hoạch nhân rộng giữ trẻ độ tuổi này đến 24 quận, huyện nhưng đến nay thực tế triển khai vẫn còn nhiều vấn đề.

Theo báo cáo của quận Thủ Đức, sau hai năm thực hiện, đến nay toàn quận có 9/12 trường mầm non công lập có nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi. Mỗi trường mở 2-4 lớp, mỗi lớp có hai giáo viên phụ trách.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Thủ Đức, cho biết lúc đầu triển khai còn nhiều khó khăn nhưng nhu cầu phụ huynh gửi ngày một đông do các trường nhận giữ trẻ này đều ở các địa bàn khu chế xuất (KCX) và đông dân cư lao động. Vì khả năng tiếp nhận hạn chế nên quận phải lập danh sách và xem xét tiếp nhận trẻ lần lượt từng tháng.

Đại diện Trường Mầm non Sơn Ca ở phường Hiệp Bình Chánh nêu thực tế, hiện trường có 520 trẻ, chỉ mở một lớp 6-18 tháng tuổi với tám trẻ và một lớp 13-18 tháng tuổi với 14 trẻ nhưng nhu cầu thực tế rất lớn. “Ngày nào trường cũng tiếp khoảng năm phụ huynh đến xin gửi trẻ ở độ tuổi này, chưa kể phải tiếp liên tục qua điện thoại. Vì vậy trường kiến nghị quận nên có kế hoạch nhân rộng lớp độ tuổi này vì người dân rất có nhu cầu” - vị này nói.

Một lớp giữ trẻ 6-18 tháng tuổi tại Trường Mầm non Hương Sen, quận Bình Tân. Ảnh: P.ANH

Tương tự, quận Bình Tân có đến 13/22 trường công lập thực hiện nhận trẻ dưới 18 tháng. Theo đánh giá của quận, nhu cầu của phụ huynh rất lớn nhưng khả năng tiếp nhận của các trường còn hạn chế do thiếu giáo viên, quá tải trường lớp nên việc bố trí phòng ốc cũng khó khăn.

Ngược lại, tại quận 9 và quận 8 thì việc triển khai nhận giữ trẻ này đã thực hiện nhưng số trẻ rất ít. Như quận 9, hiện có bốn trường giữ trẻ 6-12 tháng và năm trường giữ trẻ 13-18 tháng. Trường Mầm non Trường Thạnh đã dành hai phòng rộng rãi nhận trẻ này nhưng hiện chỉ có sáu trẻ với bốn giáo viên chăm sóc.

Thiếu giáo viên lẫn nhân viên

Đây là một trong những khó khăn chung của các trường mầm non, nhất là những trường nhận giữ trẻ ngoài giờ và trẻ 6-18 tháng tuổi. Tại quận Thủ Đức, dù đã qua hai đợt tuyển dụng nhưng đến nay vẫn đang thiếu 56 giáo viên mầm non. Số ứng viên đến tuyển cũng rất ít, kể cả diện KT3. Một số người đã trúng tuyển nhưng không đến nhận nhiệm sở vì có thể đã trúng tuyển nơi khác. Theo bà Nga, hiện quận đang tiếp tục đăng tuyển đợt 3 để làm sao đủ giáo viên cho các trường.

Nói về khó khăn này, cô Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào, cho hay hiện trường có 351 em nhưng còn thiếu hai giáo viên. Hơn nữa, trường lại được giao nhận trẻ ngoài giờ đến 18 giờ 30 mỗi ngày và thứ Bảy hằng tuần nên trường khá vất vả trong việc bố trí luân phiên giáo viên.

“Vì không sắp xếp được đội ngũ nên vừa rồi có đến 30 trẻ phải gửi ở các cơ sở bên ngoài. Đây là thiệt thòi lớn cho phụ huynh mà trường chưa biết phải làm sao” - cô Hằng tâm tư.

Tại quận Bình Tân, năm học này có nhu cầu tuyển thêm 253 giáo viên mầm non nhưng đến nay chỉ nhận được 116 hồ sơ đăng ký. Do đó, quận đã có công văn kiến nghị UBND TP cho phép mở rộng đối tượng tuyển dụng giáo viên mầm non có hộ khẩu tạm trú KT3 và sẽ tiếp tục tuyển đến khi nào đủ mới thôi. Quận 8 cũng cần tuyển thêm 51 giáo viên mầm non nhưng đến nay mới tuyển được 27 người.

Một điều đáng nói hơn, mặc dù Nghị quyết 01/2014 của HĐND TP đã cho phép bổ sung thêm chức danh nhân viên nuôi dưỡng cho các trường mầm non với chỉ tiêu một nhân viên/lớp nhưng đến nay việc phân bổ biên chế chưa đến các trường. Vì thế, các trường buộc phải tự hợp đồng bên ngoài và lấy các nguồn thu khác từ phụ huynh để chi trả.

Chưa nhận trẻ ngoài giờ vì thiếu hướng dẫn

Năm học 2016-2017, TP bắt đầu thực hiện kế hoạch thí điểm nhận giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại KCX-KCN trên địa bàn TP tại ba trường mầm non gồm 30-4 (quận Bình Tân), Hoa Đào tại KCX Linh Trung 1 và Hoàng Yến tại KCX Linh Trung 2 (quận Thủ Đức). Các trường sẽ nhận giữ trẻ đến 17 giờ 30 hằng ngày và thứ Bảy hằng tuần. Như tại quận Thủ Đức, qua khảo sát đăng ký, hai trường Hoa Đào và Hoàng Yến có 155 trẻ đăng ký. Vì công nhân ở đây tan ca đến 18 giờ 30 nên các trường phải lên kế hoạch nhận trẻ đến giờ này. Phòng GD&ĐT đã báo cáo và xin chủ trương của TP để được hướng dẫn thực hiện các khoản thu cũng như chế độ chính sách cho đội ngũ nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Điều này đã ảnh hưởng đến công việc và tâm lý của phụ huynh, thậm chí vừa qua có 30 phụ huynh tại Trường Hoa Đào phải xin rút tên đăng ký giữ trẻ ngoài giờ để ra ngoài gửi con tại các cơ sở tư thục.

Sở GD&ĐT TP cần sớm có hướng dẫn cụ thể về việc giữ trẻ ngoài giờ để các trường có cơ sở thực hiện. Các trường cũng phải chủ động mọi cách để sớm thực hiện. Có như thế phụ huynh mới yên tâm làm việc chứ công việc theo ca kíp không thể chờ lâu được, nếu để phụ huynh gửi con ở các cơ sở bên ngoài càng nguy hiểm hơn.

THI THỊ TUYẾT NHUNG, T
rưởng ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.