TIẾN SĨ KHOA HỌC NGUYỄN KẾ HÀO:

Luyện "gà" hay đào tạo nhân tài ?

Tôi ngạc nhiên vì một đề án có quy mô lớn như vậy lại không dựa trên một nghiên cứu, đánh giá sát sao nào và cũng không chỉ ra được mục tiêu cụ thể nào. Chúng ta đầu tư cho trường chuyên để tạo ra nhân tài cho đất nước hay để luyện “gà” đi tham gia các cuộc thi quốc gia, quốc tế?

Trường chuyên đã làm được gì?

Luyện "gà" hay đào tạo nhân tài ? ảnh 1
Tại sao năm nào học sinh chúng ta cũng đạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế? Có phải học sinh chúng ta giỏi hơn các nước không? Để ý mà xem, hầu như tham gia những cuộc thi ấy đều là học sinh các trường chuyên. Đó là tại vì chúng ta có hẳn một hệ thống trường chuyên để đào tạo người đi thi thố. Cả tỉnh chăm chút cho một trường để các tỉnh thi thố với nhau rồi quốc gia lại đi thi với quốc tế. Ở các nước khác, năm nay vùng này có đại diện đi thi thì năm sau vùng khác chứ không nhất thiết là trường chuyên, lớp chọn.

Mấy chục năm nay chúng ta đã đầu tư vào trường chuyên như thế nào và đem được lợi ích gì cho quốc gia? Tại sao các nhà quản lý giáo dục không có một tổng kết, đánh giá nào về chặng đường vừa qua đã vội đặt bút thảo một đề án mới? Tôi nghĩ nếu chưa có câu trả lời cho những câu hỏi này thì chưa thể xác định mục tiêu tiếp theo. Và rốt cục, mục tiêu lại vẫn là con đường thi cử.

Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá hiệu quả của trường chuyên trong mấy chục năm qua, các nhà quản lý giáo dục nên tìm hiểu xem các huy chương vàng Olympic bây giờ đang ở đâu. Họ đã đóng góp được gì cho xã hội, cho quốc gia? Không phải tôi không đánh giá cao những thành tích thi cử của họ nhưng chỉ có những đóng góp thiết thực dành cho xã hội mới lượng giá được.

Đầu tư vào trường chuyên: Bất công và liều lĩnh

Sẽ là một cơ chế sai lầm nếu chúng ta lấy trường chuyên là nơi đào tạo nhân tài. Mục tiêu chiến lược của quốc gia nào cũng là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, trên nền dân trí và nhân lực ấy mới xuất hiện nhân tài. Như vậy chỉ có bồi dưỡng nhân tài chứ không thể đào tạo nhân tài. Và việc bồi dưỡng ấy nằm ở các lớp năng khiếu chứ không phải trường chuyên.

Luyện "gà" hay đào tạo nhân tài ? ảnh 2

Các học sinh xuất sắc trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế trong một buổi lễ tuyên dương. Ảnh minh họa: HTD

Tôi cho rằng đầu tư vào trường chuyên là một chính sách thể hiện sự bất công và liều lĩnh vì chúng ta chỉ nghĩ đến một phần nhỏ. Thực tế chứng minh những người thành đạt trong xã hội hiện nay đâu phải tập trung ở một vài trường, một vài địa phương có trường chuyên. Nhưng chúng ta đặt cược vào một phần nhỏ ấy, nếu chọn sai người thì có phải là chúng ta mất tất cả không! Nếu bỏ ra 2.300 tỉ đồng mà có được nhân tài thì cũng ít chứ không phải là lớn. Nhưng không có gì chắc chắn rằng những người chúng ta chọn lựa đều là nhân tài, nhất là chỉ qua một cuộc thi.

Một cuộc thi chỉ đánh giá năng lực của một người trong một giai đoạn nhất thời chứ không phải xét cả một quá trình. Muốn xét cả một quá trình để chọn ra nhân tài thì phải có sự đào thải, chọn lọc. Ví dụ anh vào trường chuyên một năm thì sẽ sàng lọc lại. Nhưng sau một năm mới phát hiện anh không giỏi thì làm sao? Đuổi anh đi đâu? Còn nếu không đuổi thì chúng ta chấp nhận những người ngồi nhầm chỗ sao! Rồi những em giỏi ở những trường khác có được tiếp nhận không? Hay những người nhầm chỗ ấy sẽ vẫn ngồi đó và giành mất cơ hội cho những nhân tài thực sự!

Các cuộc thi là điều kiện cần để phát hiện người giỏi nhưng không phải là điều kiện đủ để tìm kiếm nhân tài. Từ những cuộc thi, chúng ta phải có cơ chế bồi dưỡng, bổ sung những cái thiếu để họ có điều kiện phát huy hết khả năng phục vụ cho cộng đồng. Trường chuyên chúng ta hiện chỉ có một mục tiêu là đào tạo để thi, thi có giải rồi thì sau ra sao không ai biết.

Kinh nghiệm từ Liên Xô

Những năm 50 của thế kỷ trước, Liên Xô đã mắc sai lầm khi họ lập ra các trường chuyên, sau đó cử các viện sĩ, nhà khoa học đi tuyển người tài theo những bài đã tính trước. Nhiều năm nhìn lại, họ nhận ra học sinh trường chuyên toàn tập trung ở các trung tâm lớn, những nơi có điều kiện học trước, học sâu hơn. Còn các vùng xa xôi không thể lọt vào được với cái kiểu thi như vậy. Học sinh giỏi nhưng chưa hẳn là nhân tài. Anh giỏi nhờ tác động của nhiều yếu tố như môi trường, điều kiện học tập, phương pháp tổ chức của trường… Nếu những người ở các vùng xa có một điều kiện học tập tương tự thì chắc gì họ đã thua kém!

Đó cũng là sai lầm của hệ thống trường chuyên chúng ta hiện nay. Thời tôi, do chiến tranh nên không được thừa hưởng giáo dục toàn diện, thiếu hụt nhiều mặt. Nhà nghèo đông con thì không thể cho tất cả đi học được, một số đứa phải mù chữ. Kinh tế không cho phép đầu tư tất cả nên mới sinh ra trường chuyên lớp chọn. Phương pháp này có thể chấp nhận ở thời điểm đất nước còn khó khăn nhưng tại sao bây giờ chúng ta đã có kinh phí đầu tư cho giáo dục mà lại quay trở về chuyện con nhà nghèo.

YÊN THẢOghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm