Mang theo ĐTDĐ tắt nguồn vẫn bị đình chỉ thi THPT

Kỳ thi THPT quốc gia đang cận kề, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, nguyên là chuyên viên tư vấn tuyển sinh Văn phòng 2 của Bộ GD&ĐT, đã đưa ra những lời khuyên dành cho các sĩ tử trước “giờ G”.

Những vật dụng được phép mang vào phòng thi

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (do NXB Giáo dục VN ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Các loại máy tính được phép mang vào phòng thi: Về nguyên tắc, các loại máy tính được mang vào phòng thi là các loại máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ để lưu trữ dữ liệu. Cụ thể, các loại máy tính được mang vào phòng thi gồm: Casio FX 570 MS, FX 570 ES, FX 570 ES Plus và FX 570 VN Plus, FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus; VinaCal 500MS, 570 MS…

Thí sinh tuyệt đối không được mang theo ĐTDĐ, nếu có mang theo điện thoại phải nhớ gửi lại ở ngoài phòng thi. Thí sinh cần ghi nhớ nếu mang ĐTDĐ vào phòng thi, dù không sử dụng hoặc để ở chế độ tắt nguồn thì vẫn bị coi là vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi. Bộ GD&ĐT cũng đã có yêu cầu các hội đồng coi thi phải có nơi để thí sinh gửi ĐTDĐ trước khi vào phòng thi.

Thí sinh có thể mang theo chai nước nhỏ để có thể uống khi khát trong quá trình làm bài thi, khăn tay để lau mồ hôi nếu hay bị ra mồ hôi. Về trang phục, Bộ GD&ĐT không đưa ra quy định bắt buộc nhưng khi đi thi thí sinh cần ăn mặc lịch sự, gọn gàng, nghiêm túc.

Thí sinh không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi.

Thí sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM đang ôn thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: N.QUYÊN

Lưu ý khi đăng ký dự thi và làm bài thi tổ hợp

Đây là năm thứ hai, Bộ GD&ĐT tổ chức các bài thi tổ hợp ở kỳ thi THPT quốc gia. Từ kết quả này, các trường đại học, cao đẳng có thể chọn lựa thí sinh vào trường. Cho nên thí sinh cần lưu ý khi đăng ký dự thi và khi làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH).

Theo Bộ GD&ĐT, bài thi tổ hợp gồm các môn thành phần. Bài KHTN gồm vật lý, hóa học, sinh học. Bài KHXH gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân (đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT), tổ hợp các môn lịch sử, địa lý (đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT). Khi đăng ký dự thi, thí sinh cần đăng ký bài thi tự chọn KHTN hay KHXH dùng để xét tốt nghiệp THPT. Quy chế cho phép các thí sinh thi cả hai bài tự chọn, bài nào có kết quả cao hơn sẽ được lấy để xét công nhận tốt nghiệp.

Trong mỗi buổi thi bài thi tổ hợp, thí sinh sẽ làm bài thi theo từng môn thành phần với thứ tự xác định. Bài thi KHTN theo trình tự các môn thành phần: Vật lý, hóa học, sinh học. Bài thi KHXH theo trình tự các môn thành phần: Lịch sử, địa lý, giáo dục công dân (đối với thí sinh THPT); lịch sử, địa lý (đối với thí sinh học chương trình GDTX). Thí sinh làm các môn thành phần của một bài thi tổ hợp KHTN/KHXH trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm.

Khi dự thi môn thành phần đầu tiên, thí sinh cần lưu ý ghi đủ thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm, đặc biệt là các thông tin về số báo danh, mã đề thi. Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi. Do đó, thí sinh cần kiểm tra mã đề thi trước khi làm bài.

Thí sinh đã đăng ký dự thi bài tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó. Việc không dự thi sẽ được coi là bỏ bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp, vì vậy thí sinh sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp. Như vậy, nếu thí sinh đăng ký cả hai bài thi KHTN và KHXH thì buộc phải làm hết tất cả môn thành phần trong cả hai bài thi (sáu môn).

Tạo sự thoải mái, tự tin để tránh vi phạm quy chế

Tâm lý thí sinh trước khi vào phòng thi rất quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bài thi. Thí sinh cần cố gắng tạo cho mình tâm lý thoải mái, tự tin, bình tĩnh. Về việc ôn tập, trước ngày thi chỉ nên rà soát một loạt hệ thống kiến thức, tránh tập trung ôn luyện cho đến tận khi đến trước cửa phòng thi sẽ tạo tâm lý căng thẳng, mất bình tĩnh.

Vấn đề chủ động trong việc đi lại cũng rất quan trọng, thí sinh nên đến điểm thi không quá muộn, không quá sớm. Không ít thí sinh phải bỏ thi vì đến muộn quá giờ làm bài.

Những mốc thời gian đáng nhớ

Ngày 10-7: Hoàn tất chấm thi THPT quốc gia 2018. Ngày 11-7: Công bố kết quả thi THPT quốc gia 2018. Ngày 11 đến 20-7: Nhận phúc khảo bài thi. Trước ngày 18-7: Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành sư phạm. Trước ngày 20-7: In và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh. Từ ngày 19 đến 26-7: Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến. Ngày 6-8: Các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Trước 17 giờ ngày 12-8: Thí sinh xác nhận nhập học đợt 1. Từ ngày 22-8: Các trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm