Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Ấn tượng tình nghĩa thầy trò

Thầy NGUYỄN VĂN THANH, giáo viên khiếm thị Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM:

20 năm mắc nợ

“Ta đã nợ ai, bao năm rồi mà chưa trả nổi/… Nợ quê hương một chùm khế ngọt/ Nợ cuộc đời, một lần đắng cay/ Nợ cơn mưa, một lần ướt áo/ Nợ trời quê, một cánh diều bay/ Ta nợ lời ru, mẹ ầu ơ bên cánh võng năm nào/ Nợ bạn bè, lần hẹn hò cuối phố/ Nợ trường xưa, nét chữ ban đầu/ Cả một đời trả mãi… chắc chi xong”. Những lời nhạc này theo tôi suốt 20 năm nay, là món quà tôi tặng thầy cô của mình ở mái trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM).

Hồi đó tôi đi học trễ lắm, 21 tuổi mới tốt nghiệp lớp 9. Không có gì để tặng thầy cô, tôi cảm thấy mắc nợ nhiều lắm. Tình cờ nghe các bạn đọc bài thơ Mắc nợ của nhà thơ Nguyễn Vân Thiên trên báo Mực Tím, bài thơ đúng tâm trạng của mình khi đó. Tôi mượn ý thơ, viết thêm rồi phổ nhạc. Sửa đi sửa lại ròng rã mấy tháng liền, đến ngày 20-11-1991, tôi đã hát bài này chúc mừng các thầy cô.

Bây giờ, sau 13 năm đi dạy tại chính ngôi trường đã cưu mang mình, tôi trân quý những gì mình đã nhận được. Cũng như tôi, các em học sinh ở ngôi trường này chỉ cảm nhận được thế giới qua âm thanh. Vậy nhưng đến ngày 20-11, tôi vẫn được các em tặng quà. Trong bóng tối, các em đã hì hụi lấy giấy tập để xếp hàng trăm con hạc, bỏ vào một thùng to tặng tôi với lời chúc “Mỗi một con hạc là sự may mắn tụi em muốn thầy có” nhưng các em nào biết con hạc ra sao! Rồi các em làm thơ, mua thiệp về viết chữ nổi với nhiều lời chúc “Chúc thầy mỗi ngày có một niềm vui”, “Mong ngày nào cũng là ngày 20-11 của thầy”, “Mong thầy gắn với tụi em mãi mãi”… Những tâm hồn trong trẻo ấy đã khiến tôi không cầm được nước mắt… Tôi như mắc thêm nợ mới.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Ấn tượng tình nghĩa thầy trò ảnh 1

Các cô giáo Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM trong niềm vui được các học sinh chúc mừng nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: HTD

Nhà văn, nhà giáo LƯU THỊ LƯƠNG, Trường THPT Nguyễn An Ninh, quận 10, TP.HCM:

Học trò chăm ngoan, món quà tôi quý nhất

Khi tôi còn dạy ở Tân Uyên (Bình Dương), không chỉ ngày 20-11 mà cả ngày thường, thỉnh thoảng học trò hay xách cây trái đến tặng tôi. Tôi rất gần gũi với học trò của mình, các em thường nói hết mọi chuyện với tôi như bạn bè mà không giữ khoảng cách. Có em mời tôi tới nhà ăn cá tra nhà nuôi. Khi bắt cá, em hồn nhiên: “Mấy con cá này trước khi bắt lên đều được cho ăn cám cả tuần rồi”. Một học trò khác, nhà có lò đường, dẫn tôi về nhà, đòi quăng củ khoai mì vào lò đường rồi lấy ra cho cô ăn thử mặc dù người lớn không cho, sợ hư đường.

Khi chuyển về TP.HCM dạy học, tôi bị mất xe đạp. Cả lớp tôi chủ nhiệm đem đến tặng cho tôi chiếc xe đạp. Tôi bắt các em đem về. Hàng xóm nhà tôi trách. Nhưng tôi không thể nhận món quà có giá trị quá lớn, chúng là học trò, làm gì có tiền.

Nếu hỏi tôi thích tặng quà gì nhất trong ngày 20-11 thì tôi thích tặng hoa nhất. Nhưng sau này tôi cũng không thích nhận hoa nữa. Vì hoa trong ngày này rất đắt tiền. Thực ra thầy cô cũng không cần học trò tặng quà, chỉ cần học trò thật chăm ngoan.

Thầy DƯƠNG NGỌC SƠN, Trường THCS Lý Tự Trọng, Sa Thầy, Kon Tum:

Gùi bắp của bốn cậu học trò

Cách đây nhiều năm, tôi chủ nhiệm lớp 6 tại một trường vùng sâu của huyện. Học trò hầu hết là người dân tộc thiểu số. Các em rất hồn nhiên, quý thầy cô nhưng khái niệm ngày Nhà giáo Việt Nam là khá mới mẻ. Nên đến ngày 20-11, tôi tự nhủ nó cũng giống mọi ngày bình thường khác, tôi không chờ đợi, hy vọng một lời chúc mừng nào của học trò mình.

Ngày 20-11 có bốn em học trò nhỏ ở làng Kà Đừ (cách nhà tôi 4 km) đi bộ đến nhà tôi. Đứa nào mặt cũng đỏ gay, tóc bết mồ hôi. Một em đeo cái gùi đựng đầy bắp tươi. “Cho nhà thầy bắp dẻo nấu ăn” - đứa đại diện nói. Trút gùi bắp xuống nền nhà lăn lóc xong cả bốn đứa định quay lưng ù chạy. Tôi gọi với theo, dẫn vào nhà hỏi chuyện: “A Khuy, em gùi bắp đi bộ có mệt lắm không?”. “Không, em đi rẫy cõng củi còn nặng hơn. Nhưng không phải một mình em cõng bắp, cả bốn đứa thay phiên cõng vì đứa nào cũng thương thầy hết”. Đứa nhỏ nhất rụt rè: “Mỏi lắm! Sao nhà thầy ở xa quá vậy?”. Một đứa khác đề nghị: “Thầy chuyển vô làng mình ở đi! Để bữa sau tụi mình cho thầy bắp, tụi mình khỏi đi xa”.

Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời cầm phấn của tôi.

Thầy NGUYỄN VŨ THỤ NHÂN, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM:

Cuốn sổ thiệp độc đáo

Cách đây hai năm, món quà tôi nhận được từ một lớp sinh viên năm thứ hai là một cuốn sổ thiệp. Lớp có bao nhiêu sinh viên thì quyển sổ có bấy nhiêu trang, mỗi em trang trí một trang trong cuốn sổ như tấm thiệp chúc mừng và ghi vào đó những cảm nhận, tình cảm của mình với thầy. Có vài trang dán những bức ảnh các em lén chụp tôi giảng bài lúc nào tôi không hay. Có em nhắc khéo: “Khi thầy giảng bài trên lớp, nhìn mặt thầy rất ngầu, tụi em học rất căng thẳng. Nhưng khi gặp thầy ngoài giờ học để hỏi bài thì thấy rất thân thiện, vui vẻ. Ước gì trên lớp học thầy cũng vui vẻ như vậy thì tụi em đỡ căng thẳng lắm”. Đứa khác thì viết: “Khi tụi em sửa bài trên bảng, thấy cười mỉm mỉm là tụi em run lắm, không biết mình làm bài đúng hay sai mà ông thầy đứng cười cười”… Tôi đọc cuốn sổ, cười một mình cả buổi. Đó không chỉ là món quà, nó còn là những lời góp ý. Qua đó, tôi sửa đổi một số thói quen của mình để việc dạy học tốt hơn. Trong giờ dạy, tôi cố gắng lấy những ví dụ thiết thực hay những ví dụ hài hước để giảm bớt không khí căng thẳng trong lớp.

TRÀ GIANG - QUỐC DŨNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm