Ngoại ngữ nên là môn tự chọn

Hội nghị quán triệt nghị quyết trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế Phạm Văn Hùng, cho rằng: "Nên đưa môn ngoại ngữ là môn tự chọn, không nên là môn khuyến khích cộng điểm như các môn khác. “Nhiều năm nay ngoại ngữ là môn bắt buộc, bây giờ môn ngoại ngữ lại trở thành môn khuyến khích thì không nên. Chúng ta nên giữ nó đi ngang hơn là để nó trùng xuống, hơn nữa chúng ta đang thực hiện đề án phổ cập ngoại ngữ đến năm 2020”.

Theo ông Hùng thì nếu chưa đổi mới thi môn ngoại ngữ theo hướng toàn diện tất cả các kỹ năng thì cũng nên để ngoại ngữ là môn tự chọn, sau đó dần dần sẽ đổi mới, bởi nếu không thi sẽ kéo theo việc học ngoại ngữ ở các cấp học khác.

Đồng tình quan điểm trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho rằng nếu ngoại ngữ là môn khuyến khích thì rất thiệt thòi cho những em thi khối A và khối D. “Nếu xác định thi tự chọn mà không được chọn môn ngoại ngữ thì những em học giỏi ngoại ngữ sẽ rất thiệt thòi”- vị này nói.

Về vấn đề 20% được miễn thi tốt nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng việc xét 20% không hề đơn giản mà hết sức phức tạp. Đồng thời miễn giảm 20% cũng không giảm được bao nhiêu. Nhiều ý kiến đề xuất nếu Bộ vẫn giữ quan điểm miễn thi 20% thì Bộ nên có một khung cứng, lường trước tất cả các tình huống, các yếu tố, đầy đủ và chi tiết như một chuẩn chung để các trường căn cứ vào đó để xét đối tượng miễn thi.

Cũng có ý kiến cho rằng Bộ không nên quy định mức miễn thi cứng là 20% mà có sự khác nhau giữa các vùng miền, do chất lượng giáo dục khác nhau giữa các vùng miền.

Bộ GD&DDT cho biết đã áp dụng phương pháp đánh giá PISA để đánh giá chất lượng giáo dục các tỉnh, thành phố tới đây Bộ sẽ công bố kết quả và sẽ tiến hành đánh giá định kỳ. Bộ sẽ dựa trên kết quả PISA, sẽ có sự phân biệt tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho các địa phương.

Về việc giảm số môn thi để học sinh tự chọn dẫn đến học sinh học lệnh, Bộ cho rằng việc xét và công nhận tốt nghiệp có sử dụng quá trình trong học tập, muốn có hồ sơ dự ĐH tốt học sinh không thể học lệch. Đề thi cũng thay đổi theo hướng câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết, tránh tình trạng đoán mò, giải quyết máy móc vấn đề.

Về tự chủ tuyển sinh trong tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, Bộ GD&ĐT cho biết đến ngày 10-2 đã có 50 trường ĐH-CĐ (trong đó có 10 trường khối văn hóa nghệ thuật thực hiện từ năm  2012) gửi đề án tuyển sinh về Bộ, trong đó có 25 đề án đáp ứng được các quy định đưa ra trong dự thảo.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm