Ngôi trường tự kỷ tuổi lớn

Ngày 20-8 vừa qua, Cơ sở 2 trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí (ấp Bàu Cạp, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM) chính thức đi vào hoạt động, tiếp nhận học viên từ ba đến 18 tuổi (hoặc hơn) vào học. Sự kiện này mở ra cơ hội cho những đứa trẻ lớn tuổi không may mắc bệnh tự kỷ mà lâu nay không có trường nào tiếp nhận.

Những đứa trẻ đã... thành niên

Tại phòng y tế, NKC đang nằm rúc vào góc giường, hai tay bấu chặt vào tấm đệm mặc cho các giáo viên dùng mọi cách thuyết phục em lên lớp học. Vì thân hình cậu bé quá to lớn, không một ai có thể nhấc nổi cậu rời khỏi vị trí.

Đã 16 tuổi nhưng C. chỉ như một đứa trẻ lên sáu. Em được gửi vào trung tâm đã gần hai tháng. Trước đó, cha mẹ C. cho em học tại các trường công lập như bình thường nhưng cứ đến giờ học là C. lại trốn ra ngoài lang thang.

y sĩ Nhàn bảo: “Từ hôm vào tới giờ, cứ đến giờ học là em chạy xuống đây, ở lì đến chiều mới chịu ra, các cô giáo cũng chiều lòng xuống đây trò chuyện với em. Thằng bé tuy cứng đầu nhưng rất dễ thương, hát hò suốt”.

trường hợp của C. do phát hiện quá trễ nên có dấu hiệu bị phân liệt (tâm thần). Trẻ ở dạng này cứ để cho chúng tự do để thoải mái đầu óc trước đã, rồi mới tìm cách điều trị sau. Nếu gò ép chúng có thể khiến bệnh tình thêm nặng.

Phát hiện bé PAT mắc chứng tự kỷ, chị T. chạy đôn chạy đáo khắp Sài Gòn xin cho con vào học ở các trường chuyên biệt công lập nhưng trường nào cũng từ chối vì con chị đã 13 tuổi. Chứng kiến tâm lý con mình ngày càng bất ổn khi đến trường bị các bạn trêu chọc, bị đánh, chị T. đành gửi con mình ra một ngôi trường chuyên biệt ở Hà Nội với chi phí đắt đỏ. Nhưng trong một lần bay ra thăm con, chị T. hãi hùng khi thấy con ăn uống kham khổ.

nhận được tin Trường Khai Trí mở cơ sở 2 nhận trẻ tự kỷ nhiều lứa tuổi, chị T. đón con về cho vào học. Sau gần một năm ở trường, con chị từ chỗ hay cáu gắt nay đã vui vẻ trở lại, còn biết giúp đỡ chị việc nhà nữa.


Giờ ăn của các học viên Trường Khai Trí. Ảnh: HOÀNG LÊ 

Tự kỷ một cách dễ thương

Theo chân cô Hiệu trưởng Võ Thị Thùy lên lầu hai, chúng tôi tiếp cận lớp Kỹ năng sống 1. Đây là lớp nhẹ nhất, các em đang được thầy Lê Ngọc Thanh Tâm dạy môn tiếng Việt 2. Học viên trong lớp này rải đều ở nhiều lứa tuổi, 10 tuổi cũng có, lớn nhất nay đã 15.

“Đây là NK, đứa bé chuyển biến tích cực nhất trong lớp. Lúc mới vào trung tâm bé không ngồi được, tay chân rất yếu, lại rất sợ nước, chỉ toàn tắm nước nóng, phải rất vất vả mới kéo bé xuống được hồ bơi. Thế mà chỉ trong vài tháng bé đã đứng thẳng người được.  không những hết sợ nước, bữa nào không cho xuống hồ bơi là khóc la ỏm tỏi” - thầy Tâm cười bảo. Nói là bé nhưng NK cũng đã 13 tuổi, cao xấp xỉ thầy.

Thầy Tâm cũng như hầu hết các giáo viên ở đây xuất thân từ sinh viên ngành công tác xã hội, đến với nghề bằng cái duyên, gắn bó bằng cái tình sau những giờ tiếp xúc với trẻ.

Chỉ vào cậu bé áo xanh cuối lớp, thầy Tâm nói tiếp: “Đây là LTMĐ, 15 tuổi. Mới vào bữa đầu tiên cậu nhóc ấy đã đánh một nữ giáo viên té xỉu, mình chạy đến can cũng bị đánh luôn. Vậy mà hồi cuối tháng 10, Đ. mua quà đến tặng mừng sinh nhật mình. Mình quá bất ngờ, hóa ra cậu lén vào văn phòng, xé danh bạ giáo viên xem hồ sơ từng người nên biết ngày sinh nhật”.

Vậy mới biết dù có những hành vi rất bột phát nhưng trẻ tự kỷ có những hành vi rất tình cảm, đáng yêu. Nó như sợi dây níu kéo niềm hy vọng để những người dạy trẻ chuyên biệt có thêm động lực gắn bó với nghề.

40% trẻ ở đây có phụ huynh là những người mẹ đơn thân, nuôi con một mình. Trẻ tự kỷ thường có các dấu hiệu dễ nhận biết: Không giao tiếp được (bằng ánh mắt, cử chỉ, lời nói), không có khả năng tự chơi bằng sự tưởng tượng (giả bộ ăn, uống)…Trẻ nặng hơn có thể tự gây thương tích cho bản thân vì mất cảm giác. Nhiều trẻ tự kỷ có nguy cơ ngày càng nặng hơn vì cha mẹ lo đi làm ăn, để con chơi một mình với các dụng cụ kỹ thuật số (như điện thoại, tivi, máy vi tính…). Một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ không được can thiệp sớm dễ dẫn đến mất khả năng ngôn ngữ bằng lời và hành vi có thể gây ảnh hưởng đến xã hội sau này. Khi thấy con em mình có những biểu hiện trên, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến các trung tâm để khám, phát hiện, can thiệp để cải thiện tình hình, giảm bớt khó khăn cho trẻ.

Ngôi trường tự kỷ tuổi lớn ảnh 2
 

Hầu hết điều ước của các trẻ tự kỷ là mong ba mẹ được hạnh phúc. Ảnh: HOÀNG LÊ

 Nhiều trẻ được điều trị khi vượt qua ngưỡng tự kỷ đã bộc lộ nhiều khả năng đặc biệt. Như cậu bé TS (cha là người Ấn Độ, mẹ người Việt) có khả năng chơi đàn rất giỏi, ghi nhớ giai điệu chỉ sau một lần nghe. Hay con trai lớn của ông Huỳnh Tấn Mẫm vẽ rất đẹp, nhiều bức tranh được trưng bày tại các triển lãm cấp thành phố.

VÕ THỊ THÙY, Hiệu trưởng Trung tâm Khai Trí

“Trường Khai Trí dành cho trẻ lớn tuổi ra đời là lối thoát, là bước ngoặt của cuộc đời cháu tôi. Tôi chỉ mong một ngày nào đó cháu tôi đi đứng được như bình thường, tự cầm lấy tiền đi mua một tô phở, một ổ bánh mì, lúc ấy tôi chết cũng mãn nguyện” - đó là ước mơ của ông ngoại cậu bé TL (16 tuổi, có cha là người Úc). TL ở với ông từ thuở nhỏ kể từ khi cha mẹ em chia tay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm