Người thầy 'độc nhất vô nhị' ở bản người Dao Ái Quốc

Người thầy 'độc nhất vô nhị' ở bản người Dao Ái Quốc ảnh 1
Thầy Triệu Đức Thọ dạy tiếng Dao cho học trò người dân tộc

Thầy tâm sự: “Chính vì sự xa xôi, cách trở này mà trẻ em người Dao ít nhiều bị thiệt thòi. Người già không biết chữ nên không thể dạy cho trẻ cái tiếng, cái chữ của dân tộc mình.

May thay ở bản có già làng Triệu Đức Thọ đã mở lớp dạy theo kiểu “truyền khẩu” cho bọn trẻ biết đọc, biết viết chữ của người Dao. Có nhiều thanh niên trong bản thấy hay cũng đến xin học “ké”.

Từ trung tâm huyện Lộc Bình tới Ái Quốc chỉ quãng 50 cây số, nhưng con đường liên xã lổn nhổn đá và xuống cấp nhiều nên để vượt qua được những đồi, núi, khe suối phải mất nửa ngày đi xe máy. Mùa mưa, Ái Quốc như một “ốc đảo” bởi nước nguồn từ trên đỉnh núi đổ xuống như thác, con đường sình lấy bùn đất, không tài nào đi được.

Thầy Triệu Đức Thọ năm nay bước vào tuổi 70 nhưng vẫn tinh anh và khỏe mạnh. Nhà thầy ở thôn Khuổi Bốc, từ trung tâm xã đến được nhà thầy còn phải đi mất hơn 6 km đường rừng.

Vậy mà sớm hôm, chiều tối thầy lặn lội đến các bản Đông Sung, Suối Lào, Ái Quốc I, mỗi nơi cách nhau hơn 3 tiếng đi bộ để vận động, dạy trẻ em học chữ.

Trò chuyện với tôi trong căn nhà trình tường nằm sâu trong những rừng cây xanh mướt, thầy lấy một quyển sách đã cũ tựa như một quyển kinh của thầy mo, thầy tào rồi giới thiệu: Chữ người Dao ngoằn ngoèo y như “chữ Tàu” nhưng dáng dấp phóng khoáng, mạnh mẽ hơn.

Quyển sách này nói lên nhiều điều lắm, kể cả việc xem ngày làm nhà, cúng bái cầu mùa, đạo lý làm người. Nói đoạn, thầy thành kính đi về góc nhà, đốt những thanh gỗ bạch đàn làm không gian bỗng thơm nức rồi lầm rầm “nói chuyện” với tổ tiên.

Ngày còn bé, Triệu Đức Thọ được cha mẹ nhất mực yêu quý vì sáng dạ, thông minh. Có thể nhờ điều này, năm 13 tuổi Thọ đã lọt vào “mắt xanh” của thầy mo cao tay của bản.

Sau 6 tháng học tiếng Dao, Thọ đã qua vòng “sát hạch” của “bề trên” một cách xuất sắc. Ngay lập tức, Thọ được truyền dạy những con chữ, những bài kinh và được “cấp sắc” để làm thầy cúng, thầy mo.

Thế nhưng, Thọ lại dùng những bản sách, trong đó đầy ắp kinh nghiệm của người dân tộc, cùng dân bản Ái Quốc bàn chuyện làm ăn, phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái tốt, cách bảo vệ bản làng, thôn xóm.

Ngoài hai mươi tuổi, chàng trai người Dao này được tín nhiệm cử làm Xã đội trưởng và được kết nạp vào Đảng. Triệu Đức Thọ ở trên cương vị cán bộ xã Ái Quốc mấy chục năm, từ Chủ tịch UBND rồi đến Bí thư Đảng ủy xã. Cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ông được nghỉ hưu.

Bây giờ ngôi nhà ông trở thành lớp học của chính con em người Dao. Cứ đến đêm, ngôi nhà thầy Thọ sáng như ngôi sao sa. Mỗi em từ nhà đến lớp đều cầm trên tay một chiếc đèn dầu để soi đường rừng.

Lớp học có trên 20 em, ít tuổi nhất có trẻ em lên 5, lên 6 ; vừa thì có thanh niên mười tám, đôi mươi. Mọi người đều tự giác ngồi vào chỗ của mình và nhìn lên bảng được ghép bởi ba thanh gỗ. Những con chữ uốn lượn dần dần đi vào trang vở, đi vào trí nhớ của trẻ người Dao.

Dáng người cao lớn của thầy Thọ hắt lên bức tường, vững trãi như quả núi và giọng nói sang sảng thuyết trình về đạo làm người, về cái hay, cái đẹp trong ứng xử.

Và cả những điều không có trong “văn tự người Dao” khuyên bảo đồng bào không du canh, du cư rong ruổi trên những cánh rừng rất khổ cực, rồi những bài học không chặt phá cây rừng, triệt hại dòng nước đầu nguồn.

Câu chuyện tự nhiên thấm vào cả chúng tôi lúc nào không biết thông qua sự phiên dịch của thầy Triệu Thọ, cũng là người dân tộc Dao đang công tác tại trường Tiểu học Ái Quốc. Hai người đều tên Thọ nhưng mỗi thầy lại truyền dạy, nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ theo cách riêng của mình: Một người dạy bằng ngôn ngữ bản địa, còn người kia thì dạy chữ quốc ngữ.

Buổi học kéo dài chừng hơn hai tiếng đồng hồ thì tan. Các trò cắt cử nhau, người lớn kèm cặp đưa em nhỏ về theo từng tuyến đường. Còn đám thanh niên ở gần nhà thì lôi trong túi quần ra trái đào vườn, chai rượu ngâm mật ong thết đãi thầy và khách phương xa.

Chúng tôi đón lấy chén rượu thơm mùi men lá đậm chất hương rừng. Thầy giáo Triệu Đức Thọ giới thiệu hai chàng trai nom tuấn tú, súng sính trong tà áo xanh chàm có những tua đỏ quanh vai: “Đây là Triệu Văn Minh và Triệu Tiến Ngân, hai đứa sáng dạ nhất, học giỏi. Nhiều lúc thầy dạy không “kịp” kiến thức tiếp thu của chúng nó”.

Thầy Thọ chưa dứt lời, trước cửa xuất hiện một người phụ nữ Dao tầm bốn mươi tuổi, trên tay xách một con gà trống thiến béo ngậy. Người phụ nữ này nói một tràng bằng tiếng Dao rồi đem con gà xuống bếp.

Thông qua người phiên dịch, chúng tôi mới hay đó là phụ huynh học sinh đem gà biếu thầy. Thầy Triệu Đức Thọ không lấy tiền nên mọi người đều kính trọng, thỉnh thoảng “trả công” dạy chữ bằng những sản vật gia đình làm ra mong thầy bồi dưỡng sức khỏe, dạy được nhiều người hơn.

Đêm đã khuya mà thầy Triệu Đức Thọ vẫn chưa đi ngủ. Ngọn đèn leo lắt phả xuống trang giấy đang viết. Thầy đang tự luyện chữ và kiến thức. Nghỉ ngơi trong chốc lát, thầy tâm sự với tôi: Xã Ái Quốc có 100% là người dân tộc Dao.

Ngoài việc thiếu thốn trong ăn mặc còn nhiều người, trong đó có trẻ em “đói” cái chữ, cái kiến thức. Trong 54 dân tộc anh em, người Dao là một trong số ít có hệ thống chữ viết.

Thế nhưng chữ của người Dao lại ngày càng mai một, ngày trước chỉ có người khá giả mới được đi học để được cấp sắc làm thầy, khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Nhưng phần nữa, chữ người Dao cũng khó đọc, khó viết. Đã vậy, sách dạy chữ ngày càng hiếm, bị rụng rơi, mất mát gần hết”.

Thầy giáo già Triệu Đức Thọ vươn vai bước ra ngoài hiên, nhìn về những đỉnh núi xa xa thấp thoáng những nếp nhà nói: “Chỉ vài năm tổ chức lớp, đến nay đã có trên 300 học sinh theo học. Nhiều em, ban ngày học chữ quốc ngữ, ban đêm đốt đuốc, cầm đèn tới học chữ Dao. Và như vậy vốn văn hóa dân tộc sẽ được lưu truyền mãi. Tôi sẽ dạy học cho đến khi về với tổ tiên mới thôi !”.

Nói rồi, thầy Triệu Đức Thọ đọc những câu thơ bằng giọng truyền cảm, xúc động: “Học thì lớn lên, người dạy cũng lên được. Con chim chuyền cành, cành cây cứng rắn hẳn!” Âm vang vọng vào vách núi lan tỏa. Tôi như thấy những vì sao sáng tựa như những ánh đèn dầu đi học lóe lên từ Ái Quốc.

Lộc Bình, đầu năm học 2007

Nguyễn Duy Chiến <EM>(Theo TPO)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm