Nhân cách hình thành từ giáo dục của gia đình

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6, nhà dân tộc học, PGS-TS Phan An bàn về vấn đề xây dựng văn hóa gia đình nên bắt đầu từ những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Chúng ta cần đi sâu vào nếp nhà của mỗi gia đình để góp phần xây dựng nhân cách tốt cho từng thành viên trong đó.

Trong bất kỳ xã hội nào, gia đình luôn là một thiết chế xã hội. Khác với phương Tây, gia đình Việt Nam không chỉ có người sống mà còn có cả người đã khuất, chính điều này tạo nên sự khác biệt. Những thành viên trong gia đình làm việc gì cũng hay nghĩ về người đã mất để tự răn mình sống tốt. Đó là một truyền thống đẹp cần phát huy.

Gia đình truyền thống của Việt Nam gồm hai quan hệ: Quan hệ hôn nhân (vợ-chồng) và quan hệ huyết thống (con cái-cha mẹ-anh chị em). Tuy vậy, gia đình Việt Nam thời nay đã thay đổi nhiều. Bên cạnh gia đình truyền thống còn có gia đình không còn quan hệ hôn nhân (chỉ có cha, không có mẹ và ngược lại), không còn quan hệ huyết thống (chỉ có cha hoặc mẹ với con nuôi). Cạnh đó, do áp lực thời gian, cơm áo, số gia đình chỉ sinh một con có xu hướng tăng ở một số TP. Chúng ta thử tưởng tượng một tương lai không xa, khi những đứa trẻ con một sẽ kết hôn với nhau thì con cái của chúng sẽ không có cô, dì, chú, bác gì cả. Đó là điều đáng lo. Nếu không còn quan hệ huyết thống họ hàng thì con người ít ràng buộc trách nhiệm với nhau hơn. Thế nhưng hiện nay chưa có nghiên cứu nào về đề tài này.

Nhân cách hình thành từ giáo dục của gia đình ảnh 1

Số gia đình chỉ sinh một con có xu hướng tăng ở một số thành phố. Ảnh: HTD

Gần đây có những cuộc vận động xây dựng văn hóa còn mang tính phong trào, hình thức; chẳng hạn gia đình văn hóa là không có bạo lực, không sinh con thứ ba, không có con bỏ học… Không có những cái đó chưa hẳn là đã có văn hóa. Vì vậy, chúng ta cần đi sâu vào nếp nhà của mỗi gia đình để góp phần xây dựng nhân cách tốt cho từng thành viên trong đó. Nhân cách của một con người được hình thành đầu tiên và chủ yếu trong môi trường giáo dục của gia đình. Gia đình Việt Nam hiện nay vẫn đang còn phát huy được những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống như hiếu thảo, hòa thuận, kính trên nhường dưới… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, những giá trị đó đang bị phai nhạt đi ít nhiều.

Chương trình học hiện quá nặng nhưng lại ít có tính thực tế nhân văn để khơi dậy trong từng học sinh tình yêu thương các thành viên trong gia đình, trân trọng những giá trị trong gia đình. Trong khi đó, dưới áp lực cơm áo, công việc, nhiều bậc cha mẹ chỉ mong con có sức khỏe tốt, học giỏi. Họ bỏ qua một khâu rất quan trọng khi góp cho xã hội một công dân do mình sinh ra là hình thành nhân cách tốt đẹp cho con.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, việc xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình”. Đã đến lúc văn hóa gia đình phải được xem là nguồn lực phát triển và cần đầu tư thích đáng cho nó.

Nhà dân tộc học, PGS-TS PHAN AN

Giảm cái tôi để tránh tan vỡ

Tỉ lệ ly hôn ở TP.HCM và nước ta nói chung ngày càng tăng. Sau những lần tư vấn, tôi hay tự hỏi tại sao người ta bỏ nhau nhiều đến thế. Có những lý do không đâu vào đâu cũng khiến người ta ly hôn. Người ta thừa cái tôi nhưng lại thiếu đức hy sinh. Tất nhiên không thể hy sinh mãi nhưng khi cần thì vợ hoặc chồng có thể vì nhau trong một quãng thời gian để lèo lái gia đình. Thứ nữa là người ta sống tốc độ, khi đến với nhau họ vẫn chưa hiểu hết về nhau...

Tôi rất mong những người trẻ xem hôn nhân là chuyện hệ trọng trong cuộc đời mình chứ không chỉ là một phép thử. Hãy cố gắng bớt cái tôi của mình, chấp nhận sự khác biệt của nhau, dành nhiều thời gian và tình cảm hơn cho cuộc hôn nhân của mình.

Bà NGUYỄN THỊ THƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Tư vấn gia đình và ly hôn (FDC)

Văn hóa gia đình dắt lối tôi đi

Tôi có may mắn được sinh ra trong một gia đình vững vàng về kinh tế. Tuy nhiên, với hoàn cảnh gia đình như vậy mà không có một nếp nhà vững vàng, không được định hướng tốt, có thể tôi đã sa ngã trước nhiều cám dỗ.

Dù rất bận rộn nhưng gia đình tôi vẫn ăn sáng, ăn trưa cùng nhau tại nhà. Những chuyện phát sinh trong ngày cần trao đổi đều được các thành viên đem ra chia sẻ. Cuối tuần, gia đình tôi thường về khu vườn mộ của gia tộc để thăm mộ, câu cá giải trí. Ba tôi thường đưa con cái về đây để nhắc nhớ mình sống phải biết ơn và giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp từ gia tộc.

Với tôi, ba là một người thầy, người bạn, người đồng nghiệp tốt. Ông không ép buộc con cái mà chỉ định hướng. Mỗi lần tôi hoặc anh em trong nhà làm điều gì sai, ba tôi thường phạt đòn và chỉ ra cái sai cho những người khác cùng thấy. Những bài học đó tích tụ dần để tôi biết được phải trái ở đời. Có những bạn trẻ trong giai đoạn khởi nghiệp hay lúng túng vì họ thần tượng những vĩ nhân như Bill Gates hay một người nào đó ở quá xa trong khi môi trường lịch sử, chính trị khác nhau, nội tại khác nhau và chưa chắc mình đã hiểu hết họ. Còn thần tượng của tôi chính là ba tôi, một người sống hết mình với công việc, biết sống vì người khác; một nhà quản trị giỏi mà tôi còn phải học hỏi rất nhiều. Mẹ tôi cũng có ảnh hưởng nhất định với tôi ở tính tỉ mỉ, cần mẫn, chu đáo trong công việc.

Do ý thức được văn hóa gia đình là yếu tố quan trọng nhất hình thành nhân cách, quyết định cuộc sống của một người nên tôi muốn giữ gìn nếp nhà cho các con mình. Sau mỗi bữa ăn, vợ chồng tôi hay rót nước mời ba mẹ uống… Tôi tin rằng những ứng xử, giáo dục hằng ngày của mình sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tính cách các con sau này.

ĐẶNG HỒNG ANH, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sacomreal

Cha mẹ là tấm gương cho con cái

Tôi không bao giờ lên lớp, giáo điều các con chuyện gì. Tôi cũng không ép các con phải học giỏi, xuất sắc, chỉ yêu cầu con học sao mỗi năm lên một lớp. Tôi quan niệm không thể ép con chuyện gì hết, khi nào tài năng của con đủ độ phát triển thì sẽ phát triển chứ không “ép non” được. Khi các con tôi còn nhỏ, mỗi dịp hè tôi không bắt các con học thêm mà hay đưa các con đi chơi khắp từ Nam ra Bắc. Sau này, các con tôi có muốn làm nghệ thuật thì cũng đã có vốn sống, cảm xúc từ nhỏ chứ không phải mất thời gian tìm kiếm trải nghiệm, mà những cảm xúc từ nhỏ là những cảm xúc rộng, sâu. Tôi cũng không quan trọng việc cho con đi du học nước ngoài. Phải hiểu đất nước mình sâu sắc, càng hiểu từng vùng đất của quê hương thì mới có cảm xúc với đất nước.

Trong giao tiếp ứng xử, tôi chỉ dạy con biết lễ phép, thấy khách đến nhà thì biết thưa biết trình. Được cái tôi cũng có nhiều bạn văn đến nhà chơi nên tụi nhỏ cũng nghe ngóng, học hỏi những điều hay lẽ phải. Trong gia đình tôi, cách giáo dục con cái là cha mẹ hãy làm gương cho con. Mình sống cởi mở, rộng rãi, chân thật thì con mình ngó dòm mà làm theo. Bản thân tôi giáo dục con theo lối nghiêm chỉnh nhưng thoáng, vừa chặt chẽ, vừa rộng rãi với con.

Nhà văn NGUYỄN QUANG SÁNG

THANH MẬN - TRÀ GIANG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm