Nhiều bài trong SGK Vật lý không thể đính chính

Niên học 2007-2008 bắt đầu sớm 2 tuần do giãn biên chế năm học từ 35 lên 37 tuần, nhưng thực tế nhiều trường đã dạy học từ tháng 7. Trong 16 tỉnh đã đi qua, tôi đã xem vô số các vở ghi và cách ghi vào SGK của HS và thấy rằng, không thầy cô giáo nào dạy như nhau về một vấn đề!

Lỗi không thể đính chính

TS. Nguyễn Văn Khải.
TS. Nguyễn Văn Khải.

Ngày 3/9/2005, tôi đã nói trên công luận là phải viết lại SGK Vật lý và chẳng ai ưa tôi nói như vậy.

Tháng 1/2008, những giáo viên giỏi về Vật lý toàn quốc đã được mời góp ý cho SGK Vật lý lớp 12. Tháng 4, sách nộp lưu chiểu và đến giờ vẫn là quyển sách chưa được góp ý!

Điều này hoàn toàn giống với năm 2001, sau gần 1 năm thí điểm cũng đã nhận được hàng ngàn góp ý nhưng cho đến nay vẫn là cuốn sách ấy. Mà cuốn sách ấy ngay hôm đầu tiên đưa ra để tập huấn, giảng dạy thí điểm cho 110 trường cũng đã bị phản đối. Phản đối này không phải sai về số từ ngữ, viết hoa, hình vẽ... mà sai nội dung chương trình, nội dung khoa học, phương pháp giảng dạy và cách thể hiện.

Hiện giờ, theo như cách nói chính thống thì chỉ chỉnh sửa những chỗ chưa chuẩn, chưa hợp lý hoặc chưa thật chính xác và lấy ví dụ trong sách Vật lý là đổi chữ "sao hỏa" thành "hỏa tinh" nhưng nói như thế là đã bỏ quên mất bao nhiêu bài góp ý lỗi sai về khoa học, về sư phạm mà những lỗi đó không thể đính chính được, chỉ có bỏ đi viết lại thì mới chính xác.

Nhiều người bảo đã viết là phải sai, tôi phản đối ý kiến đó; đặc biệt người ta lại bảo phải sửa từ từ, tôi lại càng phản đối vì như thế có nghĩa là người ta sẽ đính chính thêm. Nhưng cái chính là ai đính chính, vẫn là những người biên soạn cũ (?) Bởi vì đã có biết bao Hội đồng thẩm định, có những sách như lớp 6, đã qua 6 năm giảng mà đến giờ còn bảo đính chính chưa hoàn hảo, cần phải bổ sung nhiều năm...

Ví dụ sai từ bài đầu

Trên báo VietNamNet ngày 9/9 có đưa ý kiến của Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học nói, phần đầu không sai mấy, mà chỉ sai ít ở phần sau, có ý bao biện cho sự không kịp in sách hoặc in tờ rời chỉnh sửa.

Nhưng tôi muốn chỉ ra đây, ngay bài đầu tiên của lớp 7 và lớp 9 sách Vật lý đã thấy sai cơ bản. Gặp 1 phụ huynh đèo con đi học về, khi đưa cho tôi xem vở, cháu có nói, ở lớp làm thí nghiệm bằng 2 pin con thỏ to, hiệu điện thế (U) đo được ở 2 đầu dây điện trở là 2V và 4V. Tôi chưa kịp nói thì phụ huynh đã la lên: mỗi pin chỉ có 1,5 V thì lấy đâu ra 4V được(?)

* Trung bình mỗi cuốn sách giáo khoa có 2 lỗi phải chỉnh sửa

* Lỗi trong sách giáo khoa sẽ được in trong 3 cuốn đính chính

* Chuyện đính chính Sách giáo khoa: Phải quy trách nhiệm rõ ràng

Cũng trường hợp này, ở một quyển vở khác tôi lại thấy học sinh ghi đến cả 9V. Hỏi ra thì cháu trả lời, cô giáo làm thí nghiệm với 4 pin. Đừng đổ tội cho giáo viên mà lỗi bắt đầu từ SGK. Theo hình vẽ 1.1 trong SGK Vật lý lớp 9, có nguồn điện không đổi 1 chiều, 2 cực được nối với 2 đầu điện trở thì rõ ràng, dù đóng khóa "k" bao nhiêu lần thì ở 2 đầu điện trở này chỉ có 1 hiệu điện thế và dòng điện đi qua đó có cường độ không đổi.

Thực tế do có điện trở trong của pin và có sự tỏa nhiệt nên kết quả đo U mỗi lần ở 2 đầu điện trở có giảm đi một chút, cũng như cường độ dòng điện (I) sẽ giảm đi một chút chứ không thể mỗi lần đo U có thể khác nhau rất xa, thậm chí gấp 2 lần như vậy và lớn hơn cả suất điện động của nguồn điện.

Nếu tôi dạy HS lớp 9 và lớp 11 đối với bài thí nghiệm này thì tôi sẽ chọn sơ đồ thí nghiệm giống như trên toàn thế giới đang dùng và cùng giống như SGK của Việt Nam trước năm 2001, tức là phải thêm 1 biến trở vào mạch điện. Lúc đó, khi thay đổi điện trở của biến trở, điện trở mạch ngoài thay đổi, cường độ dòng điện đi qua mạch ngoài thay đổi và U ở 2 đầu điện trở thay đổi.

Mạch điện ở hình 1.1 (SGK Vật lý lớp 9 của Việt Nam) và trong SGK Vật lý lớp 8 của Nga.

Mạch điện ở hình 1.1 (SGK Vật lý lớp 9 của Việt Nam) và trong SGK Vật lý lớp 8 của Nga.

Cũng 2 cách thể hiện khác nhau ở 2 SGK của Việt Nam và Nga.

Cũng 2 cách thể hiện khác nhau ở 2 SGK của Việt Nam và Nga.

Do có điện trở trong và do sai số của dụng cụ đo, các kết quả đo được không bao giờ nằm thẳng hàng, nhưng sách viết sai, đồ thí nghiệm sai thì khó có kết quả thật. Ngay cả kết quả ghi trong hình 1.2 cũng không thể có trong thực tế vì không bao giờ có 4 pin có suất điện động đều bằng 1,5V vì có sai số trong sản xuất. Giả sử một pin có suất điện động = 1,5V thì U mạch ngoài sẽ nhỏ hơn 1,5V, thêm 1 pin nữa thì không thể có kết quả U mạch ngoài là 3V, nếu thêm 1 pin nữa cũng càng không thể là 4,5V và thêm nữa cũng không thể là 6V.

Ai cũng có thể thử với 1 pin không bao giờ có 2V ở U mạch ngoài, với 2 pin và điện trở không đổi thì càng không bao giờ có U mạch ngoài có giá trị là 2V và lần đo sau là 2,5V (bảng 2, trang 5).

Bảng 2, trang 5 SGK Vật lý lớp 9. Trang trước của tờ cuối với cách pha màu của hình vẽ khác với lý thuyết. Ảnh: BA
Bảng 2, trang 5 SGK Vật lý lớp 9. Trang trước của tờ cuối với cách pha màu của hình vẽ khác với lý thuyết. Ảnh: BA

bao giờ có nếu chỉ có 1 điện trở không đổi và bài đó phải viết lại, không thể đính chính.

Đấy chỉ là 1 trong những bài phải bỏ đi viết lại mà không thể đính chính. Như tôi đã nói ở trên, cũng trong SGK Vật lý lớp 9, trang trước của bìa sách và trang trước của tờ cuối có chụp ảnh 3 hình tròn có màu hồng + tím + xanh lá cây trộn với nhau thành màu trắng, nhưng trong khi đó ở trang 143, dòng 10 từ dưới lên của SGK lại dạy màu trắng được tạo bởi màu đỏ + xanh lá cây + xanh da trời, và tất cả các sách trên thế giới đều ghi như vậy. Tôi đang thắc mắc là vì sao trong mấy năm học không ai thấy điều đó(?)

Ví dụ ban đêm trong giờ học

Bài thứ nhất trong SGK Vật lý lớp 7, nhận biết ánh sáng. Chúng ta phải nhớ rằng, thầy cô giáo đang dạy trên lớp vào ban ngày, cửa sổ cái đóng cái mở, đèn bật hoặc không nhưng họ lại bảo làm thí nghiệm: 1. Ban đêm đứng trong phòng có cửa gỗ đóng kín không bật đèn mở mắt; 2. Ban đêm đứng trong phòng đóng kín cửa, mở mắt bật đèn; 3. Ban ngày đứng ngoài trời mở mắt; 4. Ban ngày đứng ngoài trời mở mắt, lấy tay che kín mắt. 2 hành động sau ngồi trong lớp cũng được, còn 2 hành động trước có cần phải làm không? Chẳng nhẽ HS 12 tuổi chưa lần nào thức đêm và nhớ rằng đây là đang ở lớp học?

Hơn nữa, trong câu kết luận của bài: Mắt ta nhận biết được ánh sáng khi có... truyền vào mắt ta (HS phải điền vào chỗ chấm là từ: ánh sáng). Bây giờ, người đang ngủ, kẻ trộm cậy cửa sổ ánh đèn ngoài phố chiếu vào máy báo trộm. Không cần mở mắt người trong nhà cũng biết có ánh sáng chiếu vào nhà. Cho nên, để nhận biết ánh sáng ta còn có thể dùng máy móc. Ví dụ như trên trong SGK là không đầy đủ nên không chính xác.

Một ví dụ khác: Dây tóc bóng đèn tự nó... ánh sáng gọi là nguồn sáng. Vậy cả thế giới phải điền từ gì vào đây(?). Còn con cháu chúng ta từ 5/9/2002 đến nay đều phải ghi rằng "phát ra". Thật tuyệt vời nếu dây tóc bóng đèn tự nó phát ra ánh sáng, như vậy thì nhân loại sẽ đỡ tốn được bao nhiêu tiền (!)

Việt Nam đã mất rất nhiều tiền để biên soạn SGK mà thực tế thì những kiến thức phổ thông, nhất là về khoa học tự nhiên thì trên cả thế giới là như nhau. Rất nhiều hội đồng đã tham gia thẩm định các SGK, rất nhiều tổ chức đã tham gia góp ý kiến phải viết lại SGK. Còn tôi đề nghị, những người biên soạn SGK và cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm trước dân vì đã 6 năm rồi, biết bao nhiêu HS phải học kiến thức sai và SGK phải được biên soạn lại càng sớm càng tốt.

Bảo Anh - VietNamnet (ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm