Những bài luận và sự hình thành nhân cách

Thí sinh tốt nghiệp có thể tiếp tục thi tuyển vào đại học hoặc chỉ lấy kết quả tốt nghiệp rồi học một nghề hay ra đời sớm để chuẩn bị bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời.

Về nguyên tắc, đây là giai đoạn bắt đầu trưởng thành, có thể tự lo và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay những thí sinh dù đã vượt qua kỳ thi THPT - tức các cô cậu tú tài, nói theo cách trước 1975 - quá thiếu vốn kiến thức về xã hội, từ cách ứng xử, thượng tôn pháp luật, tôn trọng người khác - nhất là những người lớn tuổi..., tức cái vốn văn hóa căn bản, tối thiểu. Nhưng cũng không nên chỉ trách các em mà phải trách chính những người có trách nhiệm với giáo dục, trong suốt một thời gian dài chỉ biết chạy theo thành tích, thiếu một chiến lược phát triển, thiếu sự quan tâm đầu tư đúng mức vào các môn khoa học xã hội cơ bản như lịch sử, văn học, công dân giáo dục... - những môn học giúp hình thành nhân cách các em. Chờ xem đề thi các môn khoa học xã hội năm nay sẽ có đột phá mới lạ gì không hay là chỉ nói suông.

Những bài luận và sự hình thành nhân cách ảnh 1
Hình minh họa

Vừa qua trên các trang mạng giáo dục xôn xao bàn tán, trích dẫn các đề thi tú tài của Pháp năm nay có những vấn đề khá hóc búa so với trình độ của những thí sinh THPT - trong đó có một đề mà tôi rất tâm đắc: “Văn hóa có làm nên con người?”. Đó là vấn đề khá thú vị. Theo tôi, văn hóa không làm nên nhưng giúp hình thành nhân cách một con người - một Con Người viết hoa. Những đề thi có tính nghị luận như thế rất cần thiết để những trí thức trẻ tương lai động não, chứ không chỉ lo học thuộc lòng những bài văn mẫu kiểu học vẹt. Gần đây lác đác cũng có một số trường hợp các thầy cô giáo tự ra những đề văn nghị luận từ những sự kiện có tính thời sự nhưng chỉ ở trong môi trường hẹp là tại trường lớp mà các thầy cô phụ trách, rồi được một số đồng nghiệp hay học trò thích thú đưa lên các trang mạng. Đó là những hình thức dạy học rất hay giúp học sinh tập làm những bài tự luận, có những cái nhìn chân thực về xã hội mà các em đang sống, tạo được sự tự tin để hình thành nếp nghĩ, cách sống, rất cần được nhân rộng.

Tôi chợt nhớ một đề văn nghị luận trong một kỳ thi tú tài ở miền Nam cuối những năm 1960. Đề thi đề nghị thí sinh bình luận câu “Đồng tiền là một đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ xấu”. Không hiểu sao câu phương ngôn ấy đã theo tôi mãi, đến bây giờ nó luôn nhắc nhở tôi đừng quá lệ thuộc đồng tiền. Phải làm chủ nó, đừng để nó làm chủ mình. Những đề thi nghị luận hay luôn là những bài học quý giá góp phần hình thành nhân cách con người trong hiện tại và tương lai.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm