Những đứa trẻ… ghét người lớn

Bà Lê Thị Thanh Nhã, chuyên gia nghiên cứu gia đình, tư vấn viên của một website trực tuyến, chia sẻ về câu chuyện của một cô bé tuổi 15 bất trị. Thường bà chỉ tư vấn qua điện thoại nhưng vì cô bé quá bất hợp tác nên mẹ của em đề nghị được chở em đến gặp bà trực tiếp mỗi ngày.

Mẹ em cho biết bất cứ lời nói nào của cha mẹ em cũng cãi lại. Cha em nổi giận thì em nói: “Sẽ đối đầu một mất một còn”. Có lúc em bỏ nhà đi. Sợ con gái vuột khỏi tay mình, người mẹ đưa em đến chuyên gia tư vấn.

Khi cha mẹ làm gương xấu

Ngày đầu tiên, em ngồi đúng năm giờ đồng hồ im lặng không nói chuyện, mặc chuyên gia hỏi han. Khi mẹ tới đón, em buông một câu với bà: “Tôi không tin tưởng mấy người”. Biết em có người cha rất độc đoán, hà khắc, ngày kế tiếp bà gợi ý em kể về mối quan hệ với cha, em tức giận bỏ về.

Sau vài ngày kiên nhẫn, em dần tin tưởng và chịu mở lời. Những lời đầu tiên của em là: Người lớn chỉ biết rao giảng đạo đức trong khi bản thân mình thì độc ác, áp đặt vợ con. Người lớn bắt trẻ con phải quan tâm người khác, ăn nói phải lễ phép trong khi mở miệng ra là chửi mắng, muốn đi đâu thì đi qua đêm cũng chẳng nói. Cô bé chốt lại: “Người lớn kiểu gì mà kỳ cục vậy?”. Khi được hỏi người lớn đó là ai, cô bé bật khóc nói: “Ổng chứ ai”. Cô bé tránh dùng từ “cha”.

Chuyên gia Thanh Nhã đã phân tích cho cô bé rằng ông đã được nuôi dạy trong môi trường gia trưởng y như vậy trước đó nên không dễ thay đổi được ông. Con có thể hiểu và thông cảm cho cha nhiều hơn một chút, tìm những dịp thích hợp để trò chuyện, góp ý với ông, tránh đối đầu. Bà cũng tư vấn cho người cha cần nhận ra cái sai của mình để thay đổi. Cô bé đã tĩnh tâm lại, dịu tính hơn.

Cô giáo Ngô Thị Thu Ngọc (Trường THPT Đông Thạnh, Long An) chia sẻ về một cô bé tổ trưởng dữ tính và quá nguyên tắc, bạn bè của em méc cô để xin đổi tổ trưởng khác. Gặp để trò chuyện, cô bé nói với cô chủ nhiệm: “Em không thích kiểu nói một rồi thành hai của người lớn. Tính em nguyên tắc vậy đó, chứ không mai mốt mấy bạn lại y chang vậy. Em nói với cô vậy chứ em cũng không tin cô đâu”. Cô Ngọc sững sờ vì tính cách đặc biệt đó. Rồi dần dần tìm hiểu, cô biết em rất ghét và giận cha mẹ. Mẹ em bỏ đi theo người khác, cha em lấy vợ mới, mẹ kế và cha hay dằn hắt em. Em xin tiền đóng tiền học thì cha em kêu không có tiền nhưng ông lại có tiền nhậu nhẹt. Em lặng lẽ tự đi chặt lá dừa mướn, tự xin làm công để có tiền đi học. Em nung nấu quyết tâm học xong phổ thông sẽ… bỏ nhà đi. Em bày tỏ với cô giáo: “Không tin tưởng được gì ở người lớn”.

Và thầy cô không công tâm…

Cô Nguyễn Thị Hằng (Trường THPT Đoàn Kết, Đồng Nai) cho biết cháu của cô là học sinh lớp 10 của một trường khác huyện. Một hôm em gặp cô bức xúc kể việc một số giáo viên trong trường cư xử rất vô lý. Những học sinh không đi học thêm luôn bị cô tìm lỗi phạt hoặc trừ điểm làm bài. Nhiều bạn học của em dù không muốn đi học nhưng cuối cùng cũng phải đi học cho yên chuyện. Em nhận xét: “Trước mặt bắt buộc phải gọi thầy cô vậy chứ tụi con ghét mấy ông thầy bà cô như vậy lắm”. Cô đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của em để thẳng thắn trao đổi.

Cô Hằng cho biết: “Tôi biết có một số giáo viên thiếu công tâm và gương mẫu làm cho học sinh mất tin tưởng. Sự gương mẫu của cha mẹ, thầy cô giáo là rất quan trọng để giúp các em phát triển nhân cách. Với những em cá tính nhẹ nhàng thì sẽ im lặng chấp nhận nhưng với những em có cá tính mạnh mẽ, mối quan hệ thầy trò sẽ rất trắc trở. Chính vì vậy mà tôi luôn cố gắng cư xử chuẩn mực, công bằng với các em”.

Cô cũng cho biết sau lưng thầy cô, nhiều học trò nghĩ ra những cái tên rất xúc phạm để đặt cho những thầy cô giáo mà mình ghét.

Trong một số đề văn, tôi cho học trò bày tỏ suy nghĩ về sự bất công và cách thức các em vượt qua nó. Nhiều người hay có định kiến trẻ con còn thơ dại, chưa hiểu biết nên chủ quan trong cách ứng xử. Thật ra các em nhận thức rất sâu sắc về sự bất công trong thế giới của người lớn. Các em rất nhạy cảm khi thầy cô giáo chưa gương mẫu, hoặc thiên vị, hoặc dùng cách thức này kia ép học sinh đi học thêm. Thầy cô muốn dạy học trò thành người tốt nhất thiết phải là tấm gương trước đã.

NGUYỄN THỊ HẰNG, giáo viên Trường THPT Đoàn Kết, Đồng Nai

Tôi đã gặp nhiều phụ huynh khiến tôi rất buồn vì họ là gương xấu cho con và còn than phiền với tôi rằng không dạy được con. Nhưng tôi hiểu tính cách tùy tiện, kém ý thức, vô trách nhiệm của họ cũng từ nền tảng giáo dục gia đình mà ra. Tôi luôn góp ý phụ huynh muốn dạy con phải làm gương cho con. Với các em, tôi cũng phân tích cho các em thấy nguyên nhân của những sai lầm từ người lớn để nhắc các em không lặp lại sai lầm đó, vì các em đang ở ngưỡng cửa chuẩn bị trưởng thành và trở thành người lớn.

NGÔ THỊ THU NGỌC, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Đông Thạnh, Long An

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm