Những đứa trẻ khát thèm con chữ

Những ánh lửa bên dòng Mo Phí

Con đường đất đá ngót nửa trăm cây số đèo dốc từ huyện lỵ Mường Nhé (Điện Biên) vào đến xã Sín Thầu đã vắt kiệt sức của những kẻ cố công tìm đến mảnh đất ngã ba biên giới. Trời tối thui chúng tôi mới đến bờ bên này của dòng Mo Phí, dòng suối chảy quanh Tả Kố Khừ, bản trung tâm của Sín Thầu. Nó như một chiếc cổng chào những lữ khách đến đây, và nó cũng chính là ranh giới chia cắt toàn bộ xã trong mùa nước lớn.

Giờ tự học ở trường nội trú xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên

Giờ tự học ở trường nội trú xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên

Theo cái chỉ tay của anh xe ôm dẫn đường, bên kia dòng Mo Phí, bản Tả Kố Khừ hiện lên mờ mờ, ảo ảo lẩn sau cái trắng của sương núi, trong một đêm tối trời. Nhưng từ cái dòng nước đang róc rách kia vẫn ánh lên những tia sáng lấp loáng, phản chiếu ra từ một ngôi nhà nào gần đó, chắc chắn không phải ánh điện, vì nơi này điện lưới quốc gia chưa "vươn tới".

Lần mò lội qua suối, chạy theo cái ánh sáng kì lạ kia, chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng giống như kiểu ngày xưa các cụ ta đi học bình dân học vụ. Hai phòng học cũ kỹ, bàn ghế tuềnh toàng, hơn chục em nhỏ ở mỗi lớp đang chăm chú vào sách vở của mình. Chúng đang học bằng những ngọn đèn dầu tự chế, lấy vỏ lon nước ngọt đựng dầu, một miếng nhôm nhỏ cuốn quanh sợi dây dù làm bấc. Thế là có đèn học!

Câu chuyện về những em học sinh nội trú xa nhà được bác Pờ Dần Sinh, Bí thư Đảng uỷ xã Sín Thầu kể lại trong niềm vui xen lẫn sự cảm thông. Mấy năm trước, để vận động được bố mẹ các em cho con mình đến trung tâm xã học nội trú, bác cùng với các thầy cô cắm bản đã tốn không biết bao nhiêu công sức. Vậy mà cũng chỉ lèo tèo hơn chục em ở bản xa xuống (các bản này đều có lớp học, nhưng học xong lớp ấy, muốn học tiếp lên cao hơn thì phải xuống Tả Kố Khừ), còn lại là các em nhà ở mấy bản quanh đây.

Phần vì đường xa, các em còn nhỏ, lại thêm nỗi cuộc sống còn khó khăn, các em đi học là gia đình mất đi một nhân công lao động.

Tất cả các em đều ở trong các lều tranh, vách nứa dựng tạm bợ cạnh trường, trông không khác mấy những quán hàng nước ọp ẹp ở những vùng nông thôn nghèo dưới xuôi. Mỗi cái lều quây cót ấy thường có một cái mâm đan bằng mây nhem nhuốc nhọ nồi, hai cái nồi, vài cái bát sứt mẻ và một cái giường cho 3-4 em ngủ chung.

Các em vẫn nấu cơm ăn chung với nhau, ngày hai bữa trưa và tối. Gạo phải cõng từ nhà xuống, nước thì đi lấy ở những khe suối, rau rừng bạt ngàn, đôi khi mâm cơm của các em được điểm thêm vài miếng thịt khô cải thiện.

Ban ngày đi học, chiều về nấu cơm ăn, rồi đến 7 giờ tối, thầy đánh trống là các em tự giác mang sách vở lên lớp ngồi tự học, không cần đến sự giám sát của thầy cô. Không một lời trò chuyện nhỏ to, tất cả đều chăm chú vào bài học của mình, bên chiếc đèn dầu leo lét. Đến nỗi, tôi đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, hơn 10 phút sau mới bị phát hiện.

Trò chuyện cùng các em, lại thêm một lần nữa tôi phải khâm phục ý chí của những đứa trẻ người Hà Nhì nơi ngã ba biên giới này. Để tới được khu nội trú, các em đã phải vượt bao đèo dốc, có những em còn phải băng rừng mà đi cho nhanh. Sừng Lèm Hừ, lớp 6, người bản Sen Thượng, phải đi bộ hơn hai chục cây từ sáng tới tối mới đến nơi. Còn Chu Sè Hừ, lớp 9, người bản Tả Ló San, bản xa xôi nhất của xã Sín Thầu (cách Tả Kố Khừ 2 ngày đi bộ vượt rừng). Em phải men theo con đường tuần tra của các anh bộ đội biên phòng đồn 317 để đến trường.

Khi đi trên vai các em là gạo, là rau củ quả khô mang đi dự trữ, vì vài tuần, thậm chí cả tháng các em mới về nhà một lần. Cứ nghĩ đến cái cảnh Chu Sè Hừ lớp 9 rồi mà người bé tẻo teo ấy phải vác trên lưng 15kg gạo từ Tả Ló San xuống Tả Kố Khừ...

Những đứa trẻ đứng ngoài khung cửa sổ

Hôm đầu tiên đến bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu), hình ảnh những đứa trẻ người Mông còi cọc, đen đúa, đứng ngoài khung cửa sổ nhòm vào lớp học lỏm, làm cho lòng tôi se sắt lại. Càng thương lại càng giận, càng căm ghét ả phù dung đã cướp đi của chúng miếng cơm, nay lại lấy nốt của chúng cái quyền được đến lớp như bao đứa trẻ khác.

Theo mẹ lên nương (ảnh chụp ở bản Chu Va 12, Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) (Ảnh: Khánh Kiên)

Theo mẹ lên nương (ảnh chụp ở bản Chu Va 12, Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) (Ảnh: Khánh Kiên)

Ấy là hôm tôi ngồi sau xe của Vàng A Hồ, trưởng công an xã Sơn Bình đến nhà mấy đối tượng nghiện thuốc phiện lâu năm trong xã. Chiếc xe Win lướt nhanh qua lớp học của bản, một gian nhà cấp 4 tồi tàn với hai phòng học. Một cảnh tượng đáng thương đến tội nghiệp vụt qua trước mắt tôi chỉ trong khoảnh khắc. Hai đứa trẻ (sau này hỏi thì được biết một đứa 8 tuổi, một đứa 6 tuổi) đứng ngoài hiên nhà, bên khung cửa sổ cũ nát có vài lỗ hổng. Đứa lớn cầm tay đứa bé, đứa bé cố kiễng chân cho cao bằng đứa lớn để nhòm vào trong lớp.

Giữa cái mênh mông của núi rừng Tây Bắc, có hai đứa trẻ ham học đang cố công tìm cho biết mặt chữ, bằng cái cách mà ta vẫn thấy sử sách viết về mấy ông Trạng Nguyên nhà nghèo.

Với chúng, hình như học lỏm là một cái tội. Chúng tôi vừa quay xe lại thì chúng vụt chạy ra sau nhà. Những đôi mắt trong veo, nhìn chúng tôi sợ sệt. Phải dỗ dành mãi, hai đứa trẻ mới "khai" rằng chúng đang nhòm trộm bài giảng của thầy, rằng bố mẹ chúng đang nằm vật ở nhà với cái bàn đèn, không có tiền cho chúng đến lớp.

Lý giải cho câu trả lời chua xót của chúng, Vàng A Hồ chỉ lắc đầu ngao ngán. Sơn Bình là xã miền núi nghèo nhất của huyện Tam Đường, mới được tách ra từ xã Bình Lư. Xã nghèo, lực lượng công an lại mỏng, nên chuyện tuần tra, bắt giữ các vụ buôn bán ma tuý rất khó khăn.

Vàng A Hồ cho tôi một cái "thống kê chưa đầy đủ" về tình trạng nghiện hút trong xã. Xã có 500 hộ chia làm 7 bản thì có đến hơn 100 người bị liệt vào danh sách nghiện. Có những gia đình cả nhà đều nghiện. Có những gia đình hai vợ chồng nghiện đến hơn 20 năm nay. Và để có tiền ngày ngày làm bạn với ả phù dung, họ bỏ mặc những đứa con của mình đói lay đói lắt. Thậm chí, bố mẹ để lại cho bao nhiêu đất, họ đem bán sạch. Mà ở vùng núi này, một héc-ta nương lúa bán vài trăm nghìn là đã gọi là được giá rồi.

Chúng tôi đến nhà Hàng A Súa, bản Chu Va 12. Vợ chồng anh đã nghiện hơn 20 năm nay. Căn nhà tối om. Thấy có người đến, hai vợ chồng lục tục bò trên giường xuống. Không có một vât dụng gì gọi là đáng giá trong ngôi nhà ẩm thấp ấy cả. Súa có cả thảy 8 đứa con thì 7 đứa nghiện, duy chỉ có thằng út là chưa "dính". Và như bao kẻ nghiện khác, ruộng nương họ đều đã bán sạch, đói thì ra rừng kiếm rau, kiếm củ về ăn. Thằng út đang học đến lớp 4 thì bị buộc thôi học vì không có tiền.

Ở nơi đây những em may mắn hơn chỉ có bố mắc nghiện thì phải theo mẹ lên nương từ nhỏ để "có cái cho vào miệng". Và lẽ dĩ nhiên, không mấy em được đi học. Có những em đang học cũng buộc phải nghỉ vì không có tiền.

Trong hai cái phòng học cũ nát ở Chu Va 12 cũng chỉ có hơn 20 học sinh, lớn nhỏ đủ mọi lứa tuổi. Không biết trong hơn 20 em kia, có bao nhiêu em nữa sẽ phải bỏ dở việc học của mình chỉ vì bố mẹ chúng lỡ kết bạn với nàng tiên nâu, với cái chết trắng!?

Theo Tiến Nguyên ( VTC News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm