Ông cai trường xứ Dran

Phải gọi đúng tên thực của ông là Lê Tớn. Chẳng biết sau năm 1975 ông khai báo thế nào mà từ Tớn thành ra Tới. Ừ, thì thôi Tớn hay Tới gì cũng được, ông cũng chẳng cần sửa đổi chi cho thêm mệt bởi ai mà không biết Ông cai trường.

Từ ngày xửa ngày xưa, tức là ngày xứ Dran này có ngôi trường tiểu học đầu tiên với cái tên École de Dran thì ông đã có mặt với chức danh cai trường, đó là năm 1947. 70 năm rồi đó.

Trời cho ông sức khỏe lạ thường. Bạn biết không, mỗi khi nhà trường có lễ lạt hay phát thưởng thường phải làm sân khấu. Sân khấu được kê bằng những chiếc bục gỗ, mỗi chiếc bục như thế tư vuông cạnh 1,6 m, có đóng diềm xung quanh như cái sập gụ thêm chân đế nặng trình trịch, 3-4 thầy giáo khiêng còn cúm rúm vậy mà ông vác cứ nhẹ tơn. Và cũng không mấy ai biết rằng mỗi buổi sáng ông dậy lúc 4 giờ, mặc cho trời rét căm căm ông vẫn quần đùi cánh, thoăn thoắt gánh 300 đôi nước để tưới vườn rau sau nhà. 

ong_cai_truong_QAJG

Những năm cuối đời, trông ông vẫn khỏe, sáng sáng còn đi bộ từ nhà trên đồi cao xuống phố, tán gẫu dăm câu, chơi một ván cờ rồi chậm rãi ra về. 

Nhắc đến Ông cai trường phải nhắc đến chiếc trống. Cuộc đời ông gắn liền với chiếc trống. Trống và ông như cặp đôi hoàn hảo. Thử nhìn đi, chiếc trống được treo ở hành lang cuối trường, cứ đúng 7 giờ là ông có mặt, đứng dạng chân trước chiếc trống, chân phải hơi chếch về phía sau một chút, tay trái giữ tang trống, tay phải ông cầm dùi đánh hồi trống Une Fois (*).

Thoạt đầu, tiếng trống từ tốn khoan thai rồi nhanh dần… nhanh dần… rền vang như giục giã. Để gút hồi trống ông gõ lên tang trống hai tiếng “cắc, cắc“ rồi chốt lại ba tiếng “tùng… tùng... tùng”. Giữa cái không gian tĩnh mịch của làng quê yên ả, tiếng trống lan tỏa khắp vùng, đầu làng cuối xóm đều nghe rõ mồn một, bọn trẻ con cứ nghe tiếng trống ấy thì cắp vở đến trường chẳng cần phải xem đồng hồ đồng hiếc gì cả.

Rồi trong lúc bọn học trò mải mê vui đùa chạy nhảy trong sân trường, ông lặng lẽ điểm hồi trống Deux Fois (**). Trống Deux Fois chỉ có ba tiếng nhưng dõng dạc, dứt khoát, tất cả học sinh vội vã xếp hàng vào lớp.

Khi thầy trò đều yên vị trong lớp học, ông quanh quẩn ở cạnh văn phòng, khi thì đi chuyển/nhận công văn ở bưu điện, lúc lại cõng một học sinh vào nhà thương. Vốn tính tình chân chất mộc mạc, chịu thương chịu khó nên ai cũng quý. Từ lúc còn đi học cho đến sau này, khi trở về giảng dạy ở ngôi trường xưa tôi thấy ông cũng chẳng có gì thay đổi, lúc nào cũng hết lòng với công việc, thậm chí có những việc mà không ai đòi hỏi hay yêu cầu, như cứ tầm trước giờ ra chơi ông lại mang đến tận phòng học cho mỗi giáo viên một ly trà nóng. Trời ạ, vừa giảng bài khô cả họng, chiêu ngay một ngụm nước trà nó mới “đã“ làm sao! Những việc vụn vặt như vậy khiến mình cảm động và ơn ông vô cùng.

Những năm cuối đời, trông ông vẫn khỏe, sáng sáng còn đi bộ từ nhà trên đồi cao xuống phố, tán gẫu dăm câu, chơi một ván cờ rồi chậm rãi ra về. Chừng hơn năm nay thấy vắng, giờ nghe tin ông đã ra đi.

Thì thôi, quy luật của vòng tử sinh là thế. Bài viết này như một nén hương tiễn đưa một người Dran Xưa về miền đất Mẹ. Vĩnh biệt ông Cai Trường

(*) Trống UNE FOIS = Trống lần một, còn gọi là trống đi.
(**) Trống DEUX FOIS = Trống lần hai, còn gọi là trống vào lớp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm