Phải học để đổi đời!

Hôm qua (2-7), 300 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất từ Quảng Ngãi đến Cà Mau được hỗ trợ về TP.HCM thi ĐH, giúp các em nuôi ước mơ giảng đường ĐH. “Ước muốn duy nhất của em hiện giờ là đậu ĐH rồi vừa học vừa làm. Ra trường kiếm được việc làm, có thu nhập để báo hiếu cho ba mẹ. Em phải ráng thi để ba mẹ không thất vọng về em” - em Nguyễn Văn Sơn, quê Bình Thuận tâm sự.

Nhiều lần định bỏ học…

Sơn cho biết ở quê, cả nhà chỉ sống nhờ vào ba sào thanh long nhưng rất bấp bênh. Năm được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. “Lúc trước ba em còn khỏe thì nhà cũng đủ sống. Nhưng kể từ khi ba bệnh, nhà em sa sút hẳn. Ba em vừa phải mổ vì bị thoái hóa khớp háng hiện đang nằm ở BV Chấn thương Chỉnh hình. Tiền thuốc men chạy chữa cũng gần 70 triệu đồng. Nhà không có tiền, mẹ em phải vay mượn, có nhiều người thấy nhà em nghèo, sợ không trả nổi nên không cho mượn. Phải khó khăn lắm nhà mới mượn đủ tiền để đưa ba lên Sài Gòn chữa bệnh. Em chỉ muốn nghỉ ở nhà đi làm hồ để có tiền phụ mẹ. Nhưng ba mẹ luôn động viên, khuyên em phải cố gắng học hành thì sau này mới có nhiều tiền để phụ giúp ba mẹ” - Sơn nói.

Phải học để đổi đời! ảnh 1

Thí sinh chương trình “Thắp sáng ước mơ” nhận quà và sự động viên từ ban tổ chức.

Hoàn cảnh của Dương Ngọc Lập đến từ huyện Thoại Sơn (An Giang) cũng éo le không kém. Mẹ bị bệnh thận, ba làm ruộng thuê, rảnh rỗi thì chạy xe ôm kiếm thêm tiền lo thuốc cho mẹ. Từ khi biết Lập đỗ tốt nghiệp THPT, ba Lập đã lên chiến lược “mỗi ngày bỏ ống heo 40.000-50.000 đồng” để làm lộ phí cho em. Chương trình “Thắp sáng ước mơ” không có hỗ trợ cho phụ huynh đi kèm nên ba Lập đành chạy xe máy, hai cha con đèo nhau từ Thoại Sơn lên TP.HCM trước một ngày rồi ông trở về quê. Lập được chương trình hướng dẫn chỗ ăn ở miễn phí tại TP cho đỡ tốn tiền.

Ý thức được hoàn cảnh của mình, Lập nói: “Nếu thi đậu, em tự lo cho bản thân được. Em đi xin việc làm thêm để kiếm tiền trang trải việc học cho mình”.

Học để đổi đời

Cái nghèo có muôn hình vạn trạng nhưng ước mơ thoát khỏi cái nghèo của những học sinh nghèo hiếu học mang hoài bão đổi đời, dường như giống nhau: “Phải học để đổi đời!”. Và các em cũng biết tính toán, lựa chọn những ngành học phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Nguyễn Phú Nhân, thí sinh đến từ miền biển Bình Sơn, Quảng Ngãi, đam mê ngành xây dựng và tự lượng sức học của mình nên đăng ký ngành này ở ĐH Mở vì điểm chuẩn ngành này hằng năm chỉ hơn điểm sàn 1-2 điểm. Tương tự, đợt 2 Nhân thi vào ĐH Nông Lâm và đợt 3 sẽ là CĐ Xây dựng 2.

Tương tự, em Nguyễn Thị Phấn, quê Quảng Ngãi cũng cho biết mơ ước của em là được làm nhà thiết kế thời trang nhưng vì điều kiện gia đình không cho phép nên em thi ngành sư phạm mầm non của ĐH Sài Gòn. “Năm ngoái, mẹ em bị bệnh gai cột sống, phải nằm một chỗ, không làm gì được. Lúc đó em cũng muốn nghỉ học đi làm nhưng lại nghĩ nếu nghỉ học thì công sức cha mẹ lo cho ăn học 12 năm trời bây giờ đổ sông đổ biển, không học thì biết tới bao giờ mình mới thoát nghèo. Em không dám thi nhiều trường vì sợ tốn kém. Nếu đậu, học xong ra trường làm vài năm, có tiền em sẽ học thiết kế, theo đuổi niềm đam mê của mình” - Phấn nuôi ước mơ lớn của mình như vậy…

Sẽ ưu tiên học bổng cho thí sinh đậu ĐH, CĐ

300 thí sinh nghèo đến từ 15 tỉnh, thành được tuyển chọn từ chương trình "Thắp sáng ước mơ". Nếu các em trúng tuyển ĐH, trung tâm sẽ ưu tiên gói học bổng mà trung tâm vận động được dành cho các em ngay từ năm nhất ĐH. Ngoài ra, trung tâm cũng ưu tiên cho các em về công việc làm thêm, phù hợp với thời gian học tập để tạo nguồn thu nhập ổn định để các em yên tâm học tập suốt bốn, năm năm ĐH.

Ông LÊ XUÂN DŨNG,
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP.HCM

THANH SANG - QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm