Phó vụ trưởng chủ biên nhiều đầu sách tham khảo

Dư luận đặt câu hỏi xoay quanh trách nhiệm của một vị làm quản lý tham gia việc biên soạn sách cho học sinh. Liệu có tiêu cực trong việc ra nội dung thi cử của học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới? Vấn đề đã được nhiều báo chất vấn tại buổi họp báo với Bộ GD&ĐT chiều 8-4:

.Báo Vnexpress: Trên thị trường SGK hiện nay, phần lớn sách tham khảo dành cho học sinh ôn thi tốt nghiệp đều do ông Nguyễn Hải Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, làm chủ biên. Bộ có biết việc này không? Chủ trương của Bộ về việc một cán bộ tham gia làm sách như thế nào?

+ Ông VŨ ĐÌNH CHUẨN, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT: Công văn số 6631 năm 2008 của Bộ GD&ĐT có nói rõ thế nào là sách tham khảo, sách nâng cao. Bộ không có chủ trương giao cho bất kỳ cá nhân nào viết sách tham khảo cả.

. Báo Tuổi Trẻ: Thế nhưng ông Châu đang giữ vị trí quản lý một vụ thuộc Bộ. Việc tham gia chủ biên nhiều sách như vậy có làm ảnh hưởng đến uy tín của Vụ không? Tại sao Bộ không có ý kiến?

+ Đây là do đơn vị in sách đã mời ông Châu làm chủ biên. Họ đã làm đúng theo Luật Xuất bản. Vấn đề này mang tính cá nhân nên Bộ không can thiệp. Ngoài ra, Bộ đã có văn bản hướng dẫn ôn thi cho các em học sinh, tất cả nằm trong chương trình lớp 12. Học sinh, giáo viên cũng có thể chọn sách tham khảo phù hợp với bản thân mình.

Phó vụ trưởng chủ biên nhiều đầu sách tham khảo ảnh 1

Sách tham khảo có kiến thức cơ bản bám sát chương trình chuẩn, không tác động gì đến việc ra đề thi. Ảnh: TH

. Báo Pháp Luật TP.HCM: Thế nào được gọi là sách tham khảo phù hợp với học sinh trong khi trên thị trường hiện nay đang “loạn” sách tham khảo?

+ Đó là sách có kiến thức cơ bản bám sát chương trình chuẩn mà các em đang học, phải phù hợp với nhận thức của các em và không gây quá tải đối với các em. Những chuẩn kiến thức này Bộ đã có hướng dẫn cụ thể từng trường. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường phải chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kiểm định lại chất lượng, trình độ của học sinh để ôn thi cho các em mà không cần bất kỳ loại sách tham khảo nào. Không có yêu cầu nào bảo các em dùng sách tham khảo. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo rằng học sinh đừng nên nghĩ sách này có tác dụng trong kỳ thi sắp tới. Còn theo quy định của Luật Xuất bản, người biên soạn được nơi viết sách lựa chọn làm chủ biên và chất lượng do chính người sử dụng đánh giá.

. Báo Giáo Dục Thời đại: Với tư cách quản lý về chuyên môn, Bộ nói sao khi có một quan chức của Bộ tham gia biên soạn sách tham khảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài thi dành cho học sinh trung học phổ thông? Liệu ông Châu có lạm dụng quyền hạn trong quá trình biên soạn sách không?

+ Tôi xin nhắc lại, nội dung thi đều nằm trong chương trình lớp 12. Cơ quan quản lý chuyên môn là Bộ GD&ĐT nhưng cơ quan làm đề thi là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đào tạo. Và danh sách người tham gia đề thi không có cán bộ làm chủ biên sách giáo khoa. Bộ sẽ tiếp thu mọi ý kiến của báo chí nêu hôm nay.

Vụ Trường ĐH Phan Châu Trinh: Do Bộ thiếu rà soát!

Cũng tại cuộc họp báo, vụ việc của Trường ĐH Phan Châu Trinh không đồng tình với kết luận thanh tra của Bộ cũng được nhiều báo quan tâm. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết chiều 7-4, Bộ đã họp với đoàn thanh tra Trường ĐH Phan Châu Trinh và khẳng định thanh tra đã làm đúng theo quy trình, đúng với đơn thư tố cáo nêu là trường không họp hội đồng quản trị theo đúng quy định; tự ý tổ chức thi tuyển theo đề thi riêng mà không được sự đồng ý của Bộ trong khi Bộ chỉ cho trường thực hiện theo phương thức xét tuyển. Khi đoàn thanh tra đến làm việc, trường không đưa ra chứng cứ với thanh tra.

Còn lý do tại sao sự việc diễn ra từ năm 2007 nhưng đến năm 2009 Thanh tra Bộ mới biết, Thứ trưởng Nghĩa thừa nhận Bộ đã thiếu sự rà soát các trường mới thành lập nên không nắm được các hoạt động. Chỉ đến khi có đơn tố cáo những sai phạm của trường thực hiện xét tuyển chứ không thi tuyển thì Bộ mới biết.

Thứ trưởng Nghĩa cũng cho hay sắp tới, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xem xét lại khiếu nại của Trường ĐH Phan Châu Trinh. Riêng đối với sinh viên đã được tuyển vào trường từ năm 2007, Bộ yêu cầu nhà trường đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy chế tuyển sinh nhưng mục đích vẫn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em.

TỐ NHƯ lược ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm