Phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em: Cần sự thay đổi từ nhận thức

Tại Hội thảo lấy ý kiến của các ban ngành góp ý xây dựng Chương trình phối hợp phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em tại cộng đồng diễn ra sáng nay (11/9) do Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội) phối hợp với UNICEF tổ chức, cho thấy, bên cạnh tai nạn giao thông, tình trạng trẻ em bị chết đuối đang xảy ra hàng ngày và có xu hướng gia tăng. Điều đáng quan tâm là tình trạng chết đuối ở trẻ em vẫn chưa được cảnh báo thích đáng và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong 2 năm 2005-2006, số trẻ em và vị thành niên bị tử vong do đuối nước chiếm hơn 51% tổng số người tử vong do tai nạn thương tích. Cụ thể, năm 2005 là 3.564 trường hợp; năm 2006 là 3.685 trường hợp. Tính trung bình khoảng 10 trường hợp/ngày. Số trẻ em bị chết đuối tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa lũ lụt. Nhưng nhờ có những can thiệp tích cực của chính quyền địa phương, tình hình trẻ em chết đuối tại các địa phương này đã giảm đáng kể.

Trong khi đó, tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt vào các kỳ nghỉ hè, tình hình trẻ em chết đuối lại gia tăng. Năm 2005, trung bình mỗi tỉnh có từ 7-25 em bị chết đuối, trong đó các địa phương có số trẻ em chết đuối nhiều nhất cả nước như Thanh Hoá, Nghệ An, Đồng Tháp, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Nội và Nam Định.

Độ tuổi của trẻ em bị chết đuối có tỷ lệ cao nhất tập trung ở nhóm trẻ từ 0-4 tuổi (36%); tiếp đến là nhóm từ 10-14 tuổi và từ 5-9 tuổi (24%), cuối cùng là nhóm từ 15-19 tuổi (16%).

Theo phân tích của Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc trẻ em bị chết đuối là do nhận thức chung về vấn đề này còn hạn chế, dẫn đến công tác tuyên truyền, thảo luận để tìm cách giải quyết toàn diện chưa được thực hiện rộng rãi. Nhiều bậc cha mẹ, do mải mưu sinh hoặc chỉ quan tâm đến việc con cái học hành ra sao chứ không để ý tới việc con mình có biết bơi hay không, thậm chí họ còn sợ con em mình bị đuối nước khi biết bơi. Quan niệm này hoàn toàn ngược lại với bằng chứng trên toàn cầu cho thấy tỷ lệ đuối nước sẽ giảm khi trẻ biết bơi. Còn với trẻ em, nguy cơ tai nạn đuối nước cao trong khi thiếu kỹ năng bơi nhưng lại thích chơi đùa ở gần hay ở trong sông, hồ, ao…

Ngoài ra, môi trường sống không an toàn, nhiều ngôi nhà gần sông ngòi, ao hồ nhưng không có rào chắn; đa phần giếng khơi, bể nước không có nắp đậy… hay việc thực hiện luật pháp và quy định về an toàn đường thuỷ chưa nghiêm ngặt: người lái đò, thuyền không có bằng lái, chất lượng của phương tiện giao thông đường thuỷ không đảm bảo… cũng là những vấn đề chủ yếu dẫn tới rất nhiều vụ tai nạn giao thông đường thuỷ nghiêm trọng làm mất đi cuộc sống của hàng trăm trẻ em.

Chương trình phối hợp phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2008-2010 đặt ra mục tiêu giảm thiểu tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị chết đuối ở Việt Nam, cụ thể đến năm 2010 giảm được 2/3 số trẻ em bị chết do đuối nước so với năm 2006; Tăng cường sự tiếp cận của người dân với các thông tin về an toàn trong gia đình, trường học, khi đi đường và ở cộng đồng. Phấn đấu tới năm 2010, nhận thức và hành vi của mọi người dân về phòng chống tai nạn chết đuổi ở trẻ em từng bước chuyển biến…

Tuy nhiên, mục tiêu sẽ vẫn chỉ là mục tiêu nếu như nhận thức của các cấp, ngành cũng như người dân chưa thay đổi để có được sự phối hợp chặt chẽ, đem lại sự an toàn cho trẻ em - như đánh giá của Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Phùng Ngọc Hùng./.

Theo Thanh Hà ( VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm