Phụ huynh lại kéo đến trường phản đối chương trình VNEN

Phụ huynh kéo nhau đến trường phản đối chương trình VNEN

Hầu hết các phụ huynh đều bày tỏ lo lắng và kiến nghị nhà trường dừng chương trình mô hình trường học mới VNEN với các lý do như thế ngồi học không phù hợp ảnh hưởng cột sống, vai và thị lực. Học sinh tiếp thu chương trình học mới chậm, kết quả yếu. Bài vở ở lớp ít, học sinh ở lứa tuổi tiểu học không thể tự học hay tự thảo luận.

Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, chương trình VNEN chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản chứ không đem lại những kiến thức nâng cao như chương trình học truyền thống khiến phụ huynh lo ngại về học lực của con em mình sau khi học hết tiểu học. Học trường THCS theo chương trình truyền thống thì các em bị đuối, tiếp thu kém hơn bạn bè đồng lứa.

Được biết năm học 2016-2017 Trường Tiểu học Nguyễn Trãi có 825 học sinh với 22 lớp, đây là năm thứ năm trường triển khai dạy học theo mô hình trường học mới VNEN và một trong hai trường của TP Vinh chọn làm thí điểm. Thời gian qua có phụ huynh bảy học sinh chuyển trường vì cho rằng chương trình VNEN không phù hợp với con em mình.

Cuối buổi sáng 28-8, tại buổi tổ chức đối thoại, giải đáp các thắc mắc của phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, và ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học của Sở, đều nhấn mạnh quan điểm của Sở là đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nhưng trong quá trình đổi mới phải phù hợp vùng miền, trường này, trường kia chứ không áp đặt.

Tài liệu học truyền thống hay tài liệu mới đều do Bộ GD&ĐT biên soạn, cung cấp chuẩn kiến thức cho học sinh. Tài liệu truyền thống được soạn ra để giáo viên giảng cho học trò, còn tài liệu mới VNEN là giáo viên hướng dẫn cho học trò học sau đó giáo viên kết luận, đánh giá. Đây là băn khoăn lớn nhất của phụ huynh, do vậy nhà trường phải căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp” - ông Trần Thế Sơn nói.

Chậm nhất đến ngày mai (29-8), Trường Tiểu học Nguyễn Trãi sẽ tổng hợp ý kiến phụ huynh chọn mô hình dạy học phù hợp đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sớm ổn định việc dạy học. 

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An, từ năm học 2012-2013 đến 2015-2016, chương trình thí điểm trường học mới VNEN đã được triển khai ở 73 trường tiểu học trong toàn tỉnh (chiếm tỉ lệ 14,1%) với 1.047 lớp và 27.030 học sinh tham gia (trong đó, học sinh vùng dân tộc miền núi chiếm 70%).

Từ năm học 2015-2016, chương trình trường học mới tiếp tục triển khai thí điểm cho 26 trường THCS. 

                                                                                Theo Doãn Hòa/TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm