Phúc trình của Thượng viện Mỹ: ĐH vì-lợi-nhuận thất bại

Trong chuyên mục Câu hỏi thường kỳ của The Economist - tờ tuần san kinh tế của Anh - hồi tháng 7-2013 có một bài viết gây nhiều chú ý: Tại sao người Mỹ ngờ vực các trường đại học (ĐH) vì-lợi-nhuận?

Phúc trình gây sóng của Thượng viện Mỹ

Nguồn dẫn chứng quan trọng cho bài báo nêu trên là bản phúc trình năm 2012 của Ủy ban Y tế - Giáo dục - Lao động - Hưu trí Thượng viện Mỹ (HELP), kết quả cuộc điều tra công phu kéo dài hai năm do Thượng nghị sĩ phe dân chủ đa số Tom Harkin chủ trì.

Bản phúc trình cảnh báo: 32 tỉ USD công quỹ liên bang đã chảy vào túi các công ty vận hành ĐH tư vì-lợi-nhuận trong niên khóa 2009-2010 (tương đương 79% doanh thu), thông qua chương trình hỗ trợ sinh viên của Bộ Giáo dục Mỹ. Nếu tính đủ mọi khoản, trong tổng doanh thu năm 2009 của 15 công ty giáo dục vì-lợi-nhuận được niêm yết trên thị trường chứng khoán phần có nguồn gốc từ ngân sách chiếm đến 87% nghĩa là nguồn đầu tư của ngân sách cho sinh viên nên đã gián tiếp chảy vào túi các cổ đông.

Phân bổ sinh viên theo văn bằng. Nguồn: New York Fed (2013).

Học phí cao-chi tiêu nhiều-chia lời lớn và đầu tư thấp

ĐH vì-lợi-nhuận thuộc sở hữu tư và do các doanh nghiệp vận hành. Và như trong các lĩnh vực khác, mục đích tối hậu của doanh nghiệp, được pháp luật công nhận là phải kinh doanh có lời để đem lợi nhuận về cho cổ đông.

Tại Mỹ, cơ sở giáo dục vì-lợi-nhuận đóng vai trò quan trọng trong phân khúc tạm gọi là hấp-thụ-nhu-cầu (demand absorbing) gồm những người đi học tại chức, hàm thụ, bán thời gian hoặc đơn giản là không có khả năng theo đuổi các trường công lập và phi lợi nhuận. Theo số liệu năm 2013 của Fed New York (Cục Dự trữ liên bang New York), khối trường vì-lợi-nhuận thu hút 85% tổng số sinh viên theo học các chương trình dạy nghề có thời gian đào tạo dưới hai năm nhưng chỉ chiếm 11,6% tổng số ghi danh hệ hai năm và 9,5% tổng số sinh viên theo đuổi văn bằng cử nhân.

Trên lý thuyết, trường vì-lợi-nhuận vẫn phải được trang bị tốt thậm chí tốt hơn trường công lập để đáp ứng nhu cầu của khối sinh viên phi-truyền-thống vì họ là người trực tiếp chi trả mức học phí cao. Tuy nhiên, thực tế thì họ ưu tiên chi tiêu cho quảng cáo, tiếp thị và tuyển sinh (4,2 tỉ USD, tức 22,7% doanh thu), chia lợi nhuận (3,6 tỉ USD trước thuế, tức 19,4% doanh thu) và chỉ dành một phần khiêm tốn cho việc giảng dạy (3,2 tỉ USD, tức 17,2% doanh thu). Năm 2010, khối trường vì-lợi-nhuận sử dụng 35.202 nhân viên tuyển sinh so với 3.512 nhân viên định hướng nghề nghiệp và 12.452 người trong bộ phận hỗ trợ sinh viên. Tỉ lệ giảng viên thỉnh giảng lên tới 80%.

Hậu quả là hơn phân nửa lượng sinh viên ghi danh vào các cơ sở vì-lợi-nhuận bỏ học sau khoảng thời gian bình quân bốn tháng vì không được tư vấn đúng mức. Riêng hệ hai năm (Associate Degree), 63% sinh viên không được nhận bằng.

Mặt khác, mức học phí ngất ngưởng buộc sinh viên phải vay những khoản khá lớn để đủ điều kiện theo học. Tỉ lệ sinh viên phải mượn nợ ở khối trường vì-lợi-nhuận là 96%. Con số tương ứng chỉ là 13% đối với CĐ cộng đồng, 48% cho hệ cử nhân bốn năm ở ĐH công và 57% với ĐH tư phi-lợi-nhuận.

Sinh viên ghi danh trường vì-lợi-nhuận xuất thân từ gia đình có lợi tức thấp hơn. Nguồn: New York Fed, Cellini và Darolia (2013). Đồ họa: KP

Đồ họa: KP

Gánh nợ khó trả

Mỗi năm có hàng trăm ngàn sinh viên thôi học, rời trường với số tiền góp cao phải trả mỗi tháng nhưng lại không kiếm nổi mức tăng thu nhập tương xứng dựa vào kiến thức và kỹ năng vừa được đào tạo. Đa số sinh viên ở các trường vì-lợi-nhuận phải gánh trên vai khoản nợ có thể theo họ suốt đời, khó lòng và đôi khi vô phương trả dứt. Dù chỉ chiếm 13% tổng số ghi danh trên toàn nước Mỹ nhưng sinh viên khối trường này lại chiếm tới 47% số vụ vỡ nợ vay học phí.

Bản phúc trình Harkin kết luận: “Quốc hội Mỹ đã thất bại trong việc cân bằng giữa đòi hỏi lợi nhuận của giới đầu tư với yêu cầu của người đóng thuế về chất lượng đào tạo, chất lượng hỗ trợ sinh viên và chất lượng đầu ra. Luật liên bang hiện hành chưa khuyến khích được các trường vì-lợi-nhuận nhắm tới hai mục tiêu đồng thời: Thành công tài chính cho trường và thành đạt cho sinh viên”.

Xét qua kinh nghiệm Mỹ để thấy nếu không cân nhắc kỹ khung pháp lý thích hợp, lập luận ủng hộ mô hình vì-lợi-nhuận bằng mọi giá có thể vô tình tạo ra một thứ “thùng rác ĐH”. Cơ chế bảo đảm trường vì-lợi-nhuận mang lại lợi ích cho cộng đồng cũng cần thiết không kém cái cơ chế nhằm giúp hình thành trường phi lợi nhuận đúng nghĩa.

NGUYỄN TRƯỜNG HOAN (Pháp)

(*) http://www.help.senate.gov/imo/media/for_profit_report/ExecutiveSummary.pdf

http://www.help.senate.gov/hearings/hearing/?id=cdd6e130-5056-9502-5dd2-e4d005721cb2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm