Sáng tạo chỗ ở độc đáo

Thời khó khăn về nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp tại châu Âu đã nảy ra những ý tưởng lạ lẫm để thiết kế những nơi ở phù hợp với túi tiền và sinh hoạt của sinh viên. Song song đó, đôi khi chính sinh viên cũng rất sáng tạo, với một chút máu phiêu lưu đã tự thiết kế cho riêng mình những không gian sinh hoạt như ý.

Ở trong… container

Ý tưởng độc đáo này xuất xứ từ Hà Lan, về sau du nhập qua Pháp. Đó là những khối nhà được thiết kế từ những chiếc container xếp chồng lên nhau. Tuy mang tiếng là container nhưng không gian nội thất vô cùng tiện nghi. Mỗi một container có diện tích ở là 27 m². ĐH Le Havre của Pháp đã thiết kế những khối nhà - container với quy mô từ ba đến năm tầng, biết rằng TP cảng phía tây nước Pháp này hiện có khoảng 7.000 sinh viên và quỹ nhà ở xã hội đang thiếu thốn. Một nữ sinh viên tại Le Havre cho biết: “Sống trong một container ư, tại sao không? Nếu cách âm và cách nhiệt tốt, cùng với một không gian tiện nghi tối thiểu, thế là được rồi!”.

Ở trong… sân vườn

Đây rồi, một nhà trọ rẻ tiền cho sinh viên: Một căn nhà gỗ một phòng, diện tích 18 m² được lắp đặt trong vòng 48 giờ ngay trong sân vườn của một lão gia tốt bụng nào đó ư? Quá tuyệt vời! Và đó chính là sáng kiến của Công ty Greenkub tại Montpellier, miền Nam nước Pháp. Tổng Giám đốc Alexandre Gioffredy giải thích rằng do hiện nay sinh viên khó tìm được nơi ở tại các TP lớn và dựa trên giải pháp chia sẻ trong cộng đồng, công ty ông đã giới thiệu đến nhiều gia đình vốn có sẵn khoảng sân rộng hoặc vườn cây quanh nhà một mô hình nhà gỗ tiền chế nhỏ gọn với giá 38.900 euro nhưng được trang bị đầy đủ hệ thống vệ sinh, bếp, hệ thống sưởi và điện. Khi tự sắm cho mình căn nhà trọ rẻ tiền này, các gia đình sẽ có thêm thu nhập nhờ cho sinh viên hoặc khách du lịch thuê ngắn hoặc dài hạn.

Do kích thước nhỏ gọn nên chiếu theo luật về xây dựng đô thị tại Pháp, chủ nhà hoàn toàn không cần phải xin giấy phép xây dựng và chính Công ty Greenkub sẽ lo đầy đủ thủ tục lắp đặt cho chủ nhà. Hiện nay, giải pháp nói trên chỉ mới được triển khai tại chín TP của Pháp là Bordeaux, Clermont-Ferrand, Grenoble, Lyon, Marseille, Montpellier, Nantes, Nice và Toulouse. Tuy nhiên, theo lời Tổng Giám đốc Alexandre Gioffredy: “Thủ đô Paris cũng là một thị trường đầy tiềm năng, chúng tôi sẽ đến đó khi có đơn đặt hàng”, dự định là vào năm 2015.

Ở trong… chuồng

Đó là những chiếc chuồng gỗ diện tích 10 m² tại khu học xá của ĐH Lund, Thụy Điển do văn phòng kiến trúc sư Tengbom thiết kế. Đội ngũ kiến trúc sư Thụy Điển đã nghĩ đến các mô hình nhà gỗ nhỏ gọn nhưng hoàn toàn hiện đại về thiết kế và trang trí nội thất, sử dụng các vật liệu hoàn toàn thân thiện với môi trường và đạt yêu cầu về phát triển bền vững. Gỗ xây nhà được khai thác ngay tại các khu rừng của Thụy Điển để tránh việc phải chuyên chở từ xa đến. Tuy bề ngoài trông giống như chuồng nhưng bên trong những tiện nghi sống tối thiểu cho một cá nhân sinh hoạt được bảo đảm tốt: bếp, bàn ghế xếp, kệ, phòng ngủ trên tầng lửng, thậm chí có cả một chiếc võng. Nói chung, tất cả không gian trong căn nhà được tận dụng tối đa và được bố trí rất hài hòa. Các cửa sổ được khoét dáng cong tròn trên những bức tường gỗ sẽ tạo không gian nhẹ nhàng, các vật dụng có gam màu xanh lá tạo không gian gần gũi với thiên nhiên. Đây được xem là một giải pháp mang tính đột phá trong một đất nước mà phòng ở cho sinh viên phải rộng tối thiểu 25 m². Các khu làng sinh viên với những ngôi “nhà-chuồng” như vậy sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2014.

Những “cơ ngơi” sáng tạo dành cho sinh viên luôn nhỏ và gọn nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ tiện nghi tối thiểu cho mọi sinh hoạt thường ngày.

Ở trên… xe buýt

Một sinh viên Mỹ theo học ngành kiến trúc -  anh Hank đã thành công trong việc chuyển đổi công năng của một chiếc xe buýt học đường (school bus) cũ kỹ thành một cơ ngơi sang trọng, diện tích 18 m², để có thể vừa ăn, ngủ trên đó mà vừa được thỏa chí tang bồng chu du khắp nước Mỹ. Chàng trai trẻ đã bỏ ra 3.000 USD mua lại một chiếc xe buýt học đường cũ kỹ và háo hức cải tạo lại ngay chiếc buýt này khi trong đầu chẳng nghĩ đến kết quả (hay hậu quả!) gì cả! Và rồi, sau 15 tuần lễ làm việc, Hank đã có thể “hô biến” chiếc buýt học đường già nua kia thành một nơi ở riêng cho chính mình.

Sau khi nghe Hank trình bày đề án này trong kỳ thi vấn đáp tốt nghiệp, ban giám khảo đã đưa ra nhiều nhận xét tích cực, động viên Hank rất nhiều về ý tưởng này, giúp anh càng thêm sôi sục niềm đam mê. Chàng trai trẻ liền “gọt giũa” lại chiếc xe buýt một lần nữa, làm cho nó trở thành một căn nhà tiện nghi hơn và cuối cùng mang ra... chạy thử! Biết rằng từ nhỏ đến giờ, Hank chưa bao giờ đi đâu khỏi quê hương Minnesota của mình thì nay anh quyết định “đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Cùng với một người bạn là nhiếp ảnh gia, Hank đã bỏ ra một tháng liền để rong ruổi trên căn nhà di động của mình suốt 5.000 dặm khắp nước Mỹ, anh đã đến Công viên Quốc gia Yellow Stone sau khi tạt ngang qua Seattle và Portland. Anh đã kể về chuyến đi của mình trên blog “Hank Bought A Bus”, đồng thời đã mở diễn đàn để mọi người có thể tranh luận xung quanh khái niệm về cuộc sống du mục trên “ngôi nhà biết đi” của anh. Chủ yếu Hank muốn chia sẻ kinh nghiệm rằng chúng ta vẫn có thể sống tốt trong một cơ ngơi chỉ vỏn vẹn có 18 m².

TƯỜNG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm