Sẽ có thế hệ sống ảo nhiều, thật ít ?

Sẽ có thế hệ sống ảo nhiều, thật ít ? ảnh 1
chuyên gia tự trả lời, lứa tuổi học sinh THPT và sinh viên ở trên mạng internet trung bình từ 5-10 giờ/ngày. Phụ huynh sẽ không tin, bởi con họ dứt khoát không phải tín đồ của games online, sẽ không làm tín đồ của các sát thủ độc hành mạng ảo. Vậy thanh thiếu niên làm gì trên mạng ảo mỗi ngày từng đó thời gian?

Xin thưa, việc ở trên mạng một phần tư hay một phần hai thời gian mỗi ngày không phải là việc xấu, mà đó chỉ là sống theo xu thế thời đại. Năm 2014 đánh dấu sự chuyển động tư duy của tất cả các thương hiệu điện thoại lớn nhỏ ưu tiên phân khúc smartphone rẻ đã tăng nhanh chóng số người trẻ kết nối với thế giới ảo mọi nơi, mọi lúc.

Đã hình thành một cuộc sống thật sự trên mạng ảo, từ việc chọn một khóa học thêm online vô cùng hữu ích, đến mua sắm sách vở, đồ chơi, liên lạc miễn phí, trao đổi thông tin với bạn bè qua Facebook.

Nhiều bậc phụ huynh lạc quan với việc con cái tổ chức học nhóm, nhưng ai ngồi nhà nấy, bài vở làm xong thì chuyển qua Facebook cho cả nhóm cùng xem, chat qua chat lại bình luận, việc tự học ở nhà đỡ nhàm chán, thỉnh thoảng vẫn "tám" với bạn học. Nhưng đời sống trên mạng ảo không dừng lại ở đó.

Hàng trăm nghìn bộ phim, hàng triệu bài hát, những game đang hot đầy lôi cuốn. Nhưng trong tuần có chuyện một người trẻ vốn được phong là "ngôi sao hàng đầu của Vlog" vừa gặp tai nạn lìa đời, người ta đã chứng kiến nguyên một đám tang "live" trên mạng ảo.

Trên các trang cộng đồng Vlog, tin tức , hình ảnh của cái chết được cập nhật từng phút, từ lúc đưa vào bệnh viện, từ đám người tò mò tụ tập trước cửa, đến đài hỏa táng, rồi các ngôi sao của Vlog đến đám tang gồm những ai, khóc ở mức độ nào, người yêu của người chết đưa hình ảnh gì để tưởng niệm, nói gì về người đã ra đi, chết ốm đau tai nạn hay tự tử vì nợ nần, vì bị phụ tình, đều được ghi nhận và truyền lên mạng đầy đủ.

Hàng nghìn lời chia buồn bằng tiếng Việt, tiếng Anh, các ký hiệu đau thương tràn ngập các trang mạng và Facebook. Nhốn nháo ba bốn ngày. Rầm rộ như một nhân vật có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ.

Quan sát những người trẻ vào ra trên mạng để săn tin tức mới về đám ma thế giới Vlog mới giật mình, họ dành bao nhiêu thời gian hóng chuyện thị phi như vậy, khi Vlog chỉ là không gian giải trí của những người tự biên tự diễn các tiết mục hài cải biên gây cười về đời sống.

Nhưng các clip này có hàng chục nghìn lượt khán giả trẻ vào xem, rồi cùng nhau tán tụng phong cho các diễn viên nghiệp dư này là những ngôi sao, rồi nảy sinh phong trào nói và sống như Vlog!

Hết đám ma sẽ có đám cưới, sẽ có các cuộc chia tay đẫm nước mắt, sẽ có những mối tình tự tô vẽ. Tất cả sẽ trở thành những ước lệ xã hội từ mạng ảo rồi biến thành chuyện thật, sống và phấn đấu theo những người nổi tiếng, bất kể sự thật giả luôn đan xen, giá trị ảo lấn át giá trị thật.

Sự giả dối tiêm nhiễm từ việc tô vẽ hình ảnh đẹp cho bản thân đến chạy theo những giá trị mập mờ mà người nổi tiếng tung ra trên mạng. Nhiều người trẻ chỉ rời khỏi chiếc máy tính để chạy đến trường, đến quán cà phê, rồi ở đó lại tiếp tục vùi đầu vào màn hình.

Hãy đến những con đường đi dạo buổi sáng, chỉ thấy người già tập thể dục. Lớp trẻ đi đâu, chúng ngủ vùi vào buổi sáng để bù năng lượng đã mất khi thức thâu đêm để sống ảo.

Nói đến tác hại như thế là thừa,vì ai cũng đã biết rồi, nhưng phụ huynh ít để ý, nhiều người còn thấy yên tâm khi con suốt ngày ngồi nhà với cái laptop, ngoài đường quá nhiều nguy hiểm, từ tai nạn giao thông đến nạn hút chích, xài thuốc lắc, la cà quán bar, vũ trường, chơi với bạn xấu.

Nhiều người lại cố gắng lôi những đứa con mập ú, mắt cận nặng để đưa chúng đến các sân bóng rổ, rồi phải đầu hàng vì bọn trẻ đã mất thói quen vận động từ lâu.

Hãy lắng nghe những lời phản bác của lớp trẻ với phụ huynh khi bàn bạc về các vấn đề, bây giờ giữa hai thế hệ ít tìm được tiếng nói chung, con cái ít lắng nghe lời khuyên của cha mẹ, bởi bất cứ vấn đề gì họ khúc mắc, thường tìm đến lời giải trên mạng, chỉ một câu kêu gọi cả nhà ơi, tôi thắc mắc cái này cái kia, là hàng trăm câu trả lời đáp lại, đùa giỡn bông lơn, chân tình, chứ không có lời la mắng kẻ cả, khó chịu kiểu "trứng khôn hơn vịt" rất cứng nhắc của các vị phụ huynh.

Cuộc sống đang thay đổi từng ngày với tốc độ truy cập nhanh, với mạng Wi-Fi miễn phí khắp các hàng quán, trường học, chỗ vui chơi giải trí. Các vị phụ huynh có nghĩ đến một tương lai ở bên lề mạng internet? Tương lai đó cũng có thể dẫn một thế hệ sống ảo nhiều thật ít.

Theo THIÊN THANH (DNSG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm