Tăng gấp học phí, sinh viên sẽ sốc nặng

Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012 đã được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình UBTVQH chiều qua (13-5). Theo Bộ trưởng Nhân: “Trong điều kiện kinh phí giới hạn, muốn tăng chất lượng giáo dục thì phải giảm số người học và ngược lại”. Đề án này nhằm thay đổi căn bản cơ chế tài chính giáo dục mang nặng tính kế hoạch hóa tập trung, bao cấp trong hàng chục năm qua.

Giữ mức cũ thì khó làm giáo dục

“Chế độ học phí xây dựng từ 11 năm trước chưa thay đổi trong khi từ năm 2000 đến 2008, mức giá tiêu dùng bình quân tăng 1,62 lần. Như vậy, mức học phí hiện nay chỉ có giá trị thực tế bằng 62% so với năm 2000. Nghĩa là học phí giáo dục đại học thu 180.000 đồng/tháng thì chỉ còn 111.600 đồng/tháng” - Bộ trưởng Nhân phân tích. Theo ông Nhân, nếu cứ giữ mức học phí như vậy thì rất khó làm giáo dục.

Trong đề án, Chính phủ đề xuất mức học phí đối với đào tạo nghề nghiệp từ bậc sơ cấp đến bậc trung cấp chuyên nghiệp, CĐ và ĐH được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa nhà nước và người học, đảm bảo bù đắp chi phí tiền lương, từng bước đảm bảo chi thường xuyên tối thiểu của các nhóm ngành. Theo đó, mức học phí của khối đào tạo sẽ dao động 250-800 ngàn đồng/tháng tùy thuộc vào ngành nghề đào tạo. Đối với sinh viên hệ không chính quy, mức thu tối đa là 150% quy định trên. Có nghĩa là một sinh viên hệ đào tạo không chính quy ngành y dược có thể phải đóng mức học phí tới 1,2 triệu đồng/tháng. Đề án cũng quy định hàng năm, cơ sở đào tạo công lập tự xác định mức học phí của mỗi ngành học cho từng năm học của khóa học và thông báo công khai cho người học biết trước khi tuyển sinh năm học mới.

Cú sốc cho xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân:Chế độ học phí xây dựng từ 11 năm trước chưa thay đổi. Nếu cứ giữ mức học phí như vậy thì rất khó làm giáo dục".

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Đặng Vũ Minh: “Tôi tán thành phải tăng học phí nhưng không nên tăng sốc quá vì nó ảnh hưởng đến hàng vạn sinh viên”.

Thẩm tra đề án trên, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhận định: Khoảng cách giữa mức học phí hiện hành với khung học phí dự kiến là quá lớn, (mức tối đa tăng 3,5-4,5 lần). Đề án dự kiến đến 2012 học phí của khối đào tạo đảm bảo gần 45% tổng chi thường xuyên là khá cao so với mặt bằng thu nhập, vì vậy sẽ khó khả thi. Ủy ban này đồng tình việc tăng học phí để bù chi, nâng cao chất lượng giáo dục nhưng đề xuất chỉ tăng 30%-40% mỗi năm.

Đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Đặng Vũ Minh cùng cho rằng mức học phí đại học như vậy là quá sốc. “Tôi tán thành phải tăng học phí, mức 180.000 là không hợp lý và quá lâu rồi, không tăng thì không có cách gì làm đại học. Nhưng không nên tăng sốc quá vì nó ảnh hưởng đến hàng vạn sinh viên” - ông Minh đề nghị.

UBTVQH cũng không chấp nhận quy định mức học phí trung cấp nghề “ngang ngửa” với học phí ĐH. Quy định như vậy là quá cao và không hợp lý, không kích thích giáo dục, đào tạo nghề vì nó vượt quá khả năng đóng góp của học viên (chủ yếu là con em nông dân nghèo).

Giàu đóng nhiều, nghèo nộp ít

Bộ trưởng Nhân giải thích rằng phương án kinh tế của đề án này nhằm thu được nhiều hơn đóng góp của xã hội nhưng người dân sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. “Mức học phí cụ thể do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định sao cho phù hợp với điều kiện thu nhập của từng địa bàn. Trên một tỉnh, thành có thể có nhiều mức học phí khác nhau tùy thuộc vào các vùng thu nhập. Người nghèo thì được giảm, nghèo nữa thì miễn và hỗ trợ thêm tiền học” - ông Nhân cho biết.

Chính phủ đề nghị mức học phí và các chi phí học tập hợp lý khác của hộ gia đình cho con em đi học mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Chẳng hạn như một gia đình có thu nhập dưới 400.000 đồng thuộc khu vực miền núi thì học sinh sẽ được miễn học phí và nhận hỗ trợ 50.000 đồng/tháng. Chỉ những gia đình có thu nhập dưới 800.000 đồng mới phải nộp 17.000 đồng học phí và thu nhập trên 800.000 đồng phải nộp 35.000 đồng học phí.

Cơ quan thẩm tra nhận xét: Trong khi mức sống của nhân dân ta còn thấp, xã hội còn quen với cơ chế bao cấp trong giáo dục thì việc tăng học phí của các cấp học có thể chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội. “6% là mức chi trả khá cao trong nhóm các nước mới phát triển (2%-10%), đối với nước ta nếu lấy mức 6% là quá cao vì thực tế thu nhập của các hộ dân hiện nay còn thấp, đa số học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn rất nghèo và khó khăn” - bản thẩm tra nhấn mạnh.

Phụ huynh được giám sát chi tiêu của trường

Một trong những điểm mới nữa đáng chú ý của đề án là quy định các cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai công bố mục tiêu, năng lực, nguồn nhân lực; công khai chi tiêu hàng năm; gửi báo cáo hoạt động, trong đó có phần tài chính tới cơ quan cấp trên trực tiếp. Cơ quan có trách nhiệm của nhà nước và đại diện phụ huynh có quyền và trách nhiệm giám sát sử dụng kinh phí của cơ sở giáo dục đào tạo...

Vẫn theo đề án, nhà nước trực tiếp cấp học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí khi học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ và ĐH để người học đóng học phí cho các cơ sở đào tạo. Con em gia đình nghèo, gia đình chính sách được cho vay đi học, mức cho vay được tăng tương ứng khi mức học phí đào tạo tăng thêm.

Cạnh đó, đề án cũng đưa ra phương án thay đổi chính sách học phí đối với sinh viên sư phạm hiện nay bằng chính sách tín dụng sinh viên. Theo đó, khi ra trường, nếu đi dạy học ít nhất năm năm (đối với ĐH, CĐ) và ba năm (đối với trung cấp chuyên nghiệp) thì nhà nước sẽ xóa nợ phần chi trả cho học phí.

Đánh giá cao đề án của Chính phủ được chuẩn bị công phu, cụ thể. Nhưng trước nhiều quy định mới mẻ, mang tính “cách mạng”, nhiều ý kiến UBTVQH đề nghị thay đổi lộ trình thực hiện, ít nhất áp dụng giai đoạn 2010-2015, lý do là để xã hội chuẩn bị tâm lý và để vượt qua cơn suy thoái kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị cho áp dụng ngay mức thu học phí để bù vào phần giá trị thực tế bị mất trong tám năm qua (mức 290.000 thay vì 180.000 đồng/tháng) ngay từ năm học tới. “Nếu chưa áp dụng ngay mức học phí mới thì đề nghị cho thực hiện ngay 7/8 nội dung còn lại của đề án, vì nó cấp bách rồi” - ông Nhân tha thiết.

Đề án sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp này và Quốc hội sẽ dành thời gian thích đáng để thảo luận và quyết định.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm