Thầy giáo trẻ sáng tạo giáo trình điện tử địa lý

Sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Huế tốt nghiệp ra trường, về công tác tại chính ngôi trường mình đã học thời phổ thông, với chuyên ngành môn tin học, thầy được giao phụ trách dạy môn tin học và phòng máy tính của Trường THCS Thủy Dương, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế). Thầy giáo trẻ Phùng Hữu Kim Quân (34 tuổi) đã tìm tòi và cho ra đời giáo án điện tử môn địa lý để giúp thầy cô giảng dạy chất lượng hơn.

Với môn chuyên ngành mình học trên giảng đường đại học và cộng vào đó là đam mê máy tính ham học hỏi từ nhỏ. Chiếc máy tính là "vật bất ly thân" đối với thầy, lên mạng để tìm hiểu thông tin về môn địa lý của các chuyên gia, các tài liệu của các nhà nghiên cứu, tìm thiết kế các phần mềm để sử dụng tốt nhất cho công trình khoa học của mình…

"Các môn học khác thì mình thấy đã có nhiều người làm giáo án điện tử rồi, còn riêng môn địa lý thì chưa có. Cũng xuất phát từ thực tế những gì đang tồn tại là dụng cụ dạy và học chỉ là mấy tấm bản đồ cũ kỹ không rõ ràng rách rưới dạy từ thế hệ của mình đến thế hệ con mình vẫn còn dùng. Cùng lắm có một vài mô hình quả địa cầu để dạy cho môn địa lý nên mới lấy ý tưởng từ đây…" - thầy Quân chia sẻ.

Thầy giáo trẻ sáng tạo giáo trình điện tử địa lý ảnh 1

Thầy giáo Quân và thầy giáo Mau đang nghiên cứu tài liệu để soạn giáo án cho các khối 7, 8, 9.

Thời gian rảnh là lại ôm lấy máy, nhiều lúc không có thời gian vào các sinh hoạt gia đình, Anh kể: "Nhiều bữa ăn vợ dọn cơm ra rồi, nhưng đang chờ chực đến giờ các bộ phim khoa học trình chiếu nên không vào ăn cơm được, bị vợ giận... Kinh phí máy móc thiết bị các thứ đều phải tích cóp tiền lương và có khi phải lấy cả tiền của vợ để mua máy về phục vụ công việc của mình…".

Tìm các chương trình giảng dạy hay để sưu tập về thành cuốn giáo trình hoàn chỉnh, có chất lượng cao trong giảng dạy là cả một quá trình và nỗ lực hết mình. Với những hình ảnh có màu sắc dễ nhìn, những bộ phim ngắn về thiên hà, các hành tinh hệ mặt trời, những đoạn nhạc nói về mùa trong năm, các hình ảnh động về vòng xoay quỹ đạo… được thiết kế đẹp mắt và rất thú vị thu hút học sinh chăm chú hơn trong giờ giảng dạy.

Thầy giáo Trần Mau - giáo viên địa lý có thâm niên dạy đã hơn 35 năm nay là người đã sát cánh bên thầy Quân để soạn ra giáo án điên tử môn địa lý trong suốt thời gian qua. Thầy Mau đã tư vấn cho thầy Quân những kiến thức về chuyên môn để hoàn thiện giáo trình một cách chính xác và hợp lý nhất. 

Thầy vui vẻ nói: "Tui chỉ giúp thầy Quân những kiến thức về mặt chuyên môn, còn nữa là thầy Quân tự tìm tòi lấy đó. Đưa vào giảng dạy có hiệu quả lắm anh à, tụi học trò nó thích thú với giờ địa lý hơn trước nhiều, và cũng nắm được kiến thức địa lý khá vững chắc so với trước dạy bằng sách giáo khoa nhiều". 

Bộ giáo trình điện tử môn địa lý dành cho lớp 6 của thầy Quân với hơn 600 hình ảnh bổ sung tương ứng với nội dung bài học, trên 70 phim và file động trực quan, 27 bài giảng điện tử và một số kiến thức bổ sung… thầy cho biết: "Mình cũng không biết gì về địa lý nhiều nên phải đọc sách, nghiên cứu nhiều để hiểu hết những kiến thức cơ bản. Rồi tiếp tục đọc tài liệu tham khảo thêm trên mạng để tìm kiến thức nâng cao sau đó mới có thể biết cần tìm những tài liệu gì giúp hoàn thành giáo trình được". 

Thấy giáo Trần Hào - Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Dương cho biết: "Mô hình giáo án điện tử của thầy Quân được áp dụng rộng rãi cả trường để giảng dạy cho học sinh lớp 6 rất có hiệu quả. Sắp tới, trường sẽ lên đề án để xin Sở GD&ĐT tỉnh hỗ trợ kinh phí cho thầy Quân tiếp tục hoàn thiện các giáo án các khối 7, 8, 9 để đảm bảo cho mục tiêu đổi mới phương pháp dạy và học của Bộ đề ra".

Với tất cả những đam mê nghề nghiệp, với những tấm lòng vì lớp trò nhỏ, thầy giáo trẻ đã làm nên một công trình khoa học với tất cả công sức và tâm huyết, để giúp các em nắm vững kiến thức hơn. Trước khi chào thầy giáo ra về, thầy xúc động nói: "Mình sẽ tiếp tục cố gắng để hoàn thành giáo án cho cả các khối để đảm bảo cho các em được học địa lý bằng giáo án điện tử".

Người thầy trẻ tuổi, với những cống hiến, hy sinh vì lớp trò nhỏ thật đáng được biểu dương.
 

 
Theo Ngô Toàn (CAND)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm