TPHCM bình chọn trường “sao” để làm gì?

Ông Huỳnh Công Minh
Ông Huỳnh Công Minh

-Thưa ông, xuất phát từ đâu Sở GD-ĐT TPHCM đưa ra ý tưởng bình chọn trường “sao”?

- Ông Huỳnh Công Minh: Xuất phát từ yêu cầu của phụ huynh quá bức xúc trong nhiều năm qua, họ muốn đánh giá các trường để chọn lựa gửi con em. Đối tượng đánh giá là những trường THPT không phân biệt công, tư, quốc tế hay trong nước, đánh giá theo quận. Đối tượng bỏ phiếu bình chọn là phụ huynh, học sinh ở trường THCS.

- Nếu đối tượng bỏ phiếu bình chọn trường “sao” là phụ huynh, học sinh, vậy có gì thay đổi khi tuyển sinh lớp 10, chính đối tượng này vẫn đổ xô vào những trường THPT tốp trên?

- Thay đổi chứ. Lúc đó phụ huynh chưa tính gì đến việc cho con em mình học trường nào, bởi khi họ đăng ký cho con em vào lớp 10 thì cái nhìn hẹp lại liền; còn bây giờ đang là sân chơi để bình luận về ngôi trường. Tôi nghĩ việc bình chọn sẽ rất khách quan. Thử đặt hai câu hỏi, anh ngưỡng mộ trường nào và anh chọn cho con học trường nào; hai câu trả lời chắc cũng có cự ly, có thể giống nhau nhưng không phải là tất cả.

- Vậy mục đích của việc bình chọn trường “sao”?

- Thứ nhất, để tôn vinh những trường tốt, việc này có giá trị kích thích các trường phấn đấu vươn lên để được tôn vinh. Thứ hai, cung cấp thông tin để phụ huynh biết nhằm chọn lựa trường phù hợp cho con em. Thứ ba, đánh giá một cách khách quan ở khía cạnh xã hội, vì thực tế có trường đạt chuẩn quốc gia, trường tiên tiến, xuất sắc nhưng phụ huynh không biết, không tin tưởng để gửi con em. Hiện nay giá trị xã hội và giá trị bên trong nhà trường chưa gặp nhau. Việc tổ chức bình chọn trường “sao” là cơ hội giải quyết sự thống nhất chuẩn giá trị.

- Việc bình chọn này có thể sẽ khiến phụ huynh chạy trường nhiều hơn. Ông có tính đến tình huống này?

- Chạy trường theo quận thì tốt hơn nhiều so với chạy vào trung tâm TP. Nếu không tổ chức bình chọn, phụ huynh chỉ thấy các trường Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền, trong khi có những trường khác rất tốt nhưng ít ai biết. Tổ chức bình chọn là để nới rộng những trường này ra, việc phụ huynh chọn trường tốt cho con em học là chính đáng.

- Điểm chuẩn tuyển sinh đã thể hiện rõ trường nào là trường “sao”. Sở tổ chức bình chọn phải chăng là một việc làm chạy theo phong trào, “bệnh” thành tích, tốn công, mất sức vô ích?

- Điểm chuẩn tuyển sinh này thực ra chưa khách quan. Hiện nay, nhiều phụ huynh chỉ biết đến những trường như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai... nên dồn vào đăng ký, tạo sức ép khiến điểm chuẩn càng cao. Giáo viên các trường Nguyễn Trãi (quận 4), Bùi Thị Xuân (quận 1) so với Trường Nguyễn Thị Minh Khai đâu thua kém gì.

- Mặt khác, việc bình chọn trường “sao” nghĩa là tạo ra những thứ bậc, trong khi yêu cầu của ngành GD-ĐT là cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa các trường để hạn chế chạy trường. Ông có thấy mâu thuẫn không?

- Khi đã gắn sao cho trường thì phải bảo đảm chất lượng của trường. Nếu gắn mà không đạt chất lượng thì sao không có ý nghĩa gì và việc làm của mình cũng không còn chất lượng. Việc bình chọn trường “sao” hoàn toàn dựa theo ý kiến đánh giá của xã hội, nó không thể thay thế hệ thống đánh giá chất lượng nào. Công việc hiện nay là chọn cho được những trường vào tốp sao. Nếu được xã hội ủng hộ, sắp tới phát triển lên và lúc đó có thứ bậc 1, 2, 3, 4, 5 sao.

- Những trường không được đánh giá có sao sẽ thế nào mỗi khi mùa tuyển sinh đến?

- Thực ra, đó cũng là chuyện bình thường vì trước đây học sinh dồn vào các trường Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai... thì những trường khác vẫn có học sinh. Với việc bình chọn trường “sao”, học sinh chọn những trường “sao” trong quận. Và một khi các trường trong quận có chất lượng thì học sinh sẽ học ở trường thuộc quận mình đang cư trú. Điều này cũng góp phần giải quyết ách tắc giao thông hiện nay.

Ông Trương Song Đức, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

Không công bằng

Trong quản lý trường học phải có sự đánh giá về chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất chưa đồng đều; đầu vào học sinh của các trường chênh lệch rất cao; đội ngũ giáo viên, truyền thống của các trường cũng khác nhau. Những trường nhận học sinh đầu vào rất giỏi thì việc có những học sinh giỏi ra trường là chuyện thường. Song, cũng có những trường nhận học sinh học lực yếu vào phải nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu suất đào tạo, đây là điều đáng mừng. Điều này sẽ dẫn đến việc rất khó đánh giá các trường, thậm chí đánh giá sẽ không công bằng.

PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TPHCM:

Ý tốt, phương pháp không tốt

Theo tôi, chuyện đánh giá các trường cao, thấp là rất cần thiết. Trường học là công nghệ giáo dục, phải đánh giá xem nơi này đạt bao nhiêu chuẩn, nơi kia thiếu chuẩn nào... Tuy nhiên, dư luận chỉ nên dùng trong các trò chơi, tham khảo ý kiến... Số đông có khi đúng, khi sai, đây chỉ là kênh tham khảo để hiểu suy nghĩ của họ. Tâm lý quần chúng không phải là hệ thống tiêu chuẩn mà chỉ là nhận xét cảm tính. Việc đánh giá các trường tuyệt đối không thể dùng kiểu bình chọn dựa theo tâm lý quần chúng. Ý của ngành giáo dục TP là tốt nhưng phương pháp không tốt.

Ông Chu Xuân Thành, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM:

Tạo sự phân biệt lớn

Cần xác định, khi đặt ra việc làm này thì mục tiêu để phục vụ việc gì? Khi sở đặt ra cái gọi là bình chọn trường “sao” thì giáo viên, học sinh ở trường được gắn sao sẽ được xếp loại gì? Sao hết à? Tôi cho rằng lãnh đạo ngành cần tập trung xây dựng trường chưa tốt cho tốt hơn, đồng thời phát huy những trường đã tốt, chứ không phải là việc gắn sao. Nếu sở tổ chức bình chọn trường “sao”, gắn sao cho các trường, hệ quả là sẽ tạo ra sự phân biệt lớn. Điều này không tốt về mặt xã hội.

Bạn đọc Hoàng Dung, ngụ quận 10 - TPHCM:

Giống lăng xê ca sĩ, diễn viên quá!

Tôi thấy rất sốc khi nghe xuất hiện trong môi trường giáo dục chữ “sao” - vốn chỉ có ở các ngành giải trí cần lăng xê ca sĩ, diễn viên. Sự phân hóa vốn đã nhiều, nào trường lớn, trường bé, trường ca ba, nào trường chuyên, lớp chọn... nay lại thêm cái chuẩn sao, thấy... sao sao đó! Tôi cho rằng, “sáng kiến” này của Sở GD-ĐT TP là không cần thiết, khi mà chất lượng học sinh ngày càng đi xuống, cả về mặt kiến thức lẫn đạo đức. Sao không chọn trường đạt chuẩn về đạo đức, lối sống, nề nếp, môi trường sư phạm cho hay hơn?

HUY LÂN (Theo NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm