Trẻ em tham gia… làm luật

Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Quyền tham gia của trẻ em là một quyền hoàn toàn mới trong Hiến pháp 2013.

Quyền tham gia ở đây được hiểu là trẻ em có quyền góp ý cho các vấn đề (kể cả chính sách) về trẻ em. Bởi người lớn không thể chủ quan hiểu hết được những suy nghĩ, nhu cầu của trẻ em. Quyền tham gia của trẻ em được thể hiện ở các lĩnh vực: Trong gia đình, nhà trường, cộng đồng, tham gia góp ý phản biện chính sách…

Sân chơi ra đời từ nhu cầu của trẻ em

“Hiện chúng cháu đang rất thiếu sân chơi, mỗi kỳ nghỉ hè đến chúng cháu không biết chơi ở đâu. Nhiều bạn đã phải tự vui chơi tại những nơi nguy hiểm như bờ sông, lòng đường hay tìm trò chơi tại các quán Internet”. “Một số khu dân cư không có sân chơi cho trẻ em. Vậy trẻ em có thể chơi ở đâu?”… Sau những thắc mắc của các em tại các diễn đàn “lắng nghe trẻ em nói” tại TP.HCM, nhiều sân chơi miễn phí được TP cho ra đời đáp ứng nhu cầu trẻ em trong những năm qua. Đó chỉ là một ví dụ điển hình về quyền tham gia của trẻ em, cụ thể ở đây là tham gia góp ý phản biện chính sách.

Trong gia đình, lâu nay cha mẹ vẫn còn áp dụng tập quán dạy con theo kiểu tự cho mình có toàn quyền quyết định để áp đặt mọi chuyện mà không lắng nghe con. Nhiều gia đình áp dụng kiểu phạt (bạo hành) trước rồi mới cho con nói, thậm chí con không bao giờ được giãi bày. Chính điều này đã gây ra nhiều ức chế cho con trẻ, có em bỏ đi bụi.

Thủ tướng đã quyết định  phê duyệt chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em. Ảnh: Đinh Điển

Từ hướng mở đường của Hiến pháp 2013, dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đang được lấy ý kiến bổ sung, sửa đổi đã dành riêng một chương (chương V) để quy định về “sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em”. Dự thảo luật này nhấn mạnh thực hiện đầy đủ bốn quyền của trẻ em đã được quy định trong Công ước quốc tế. Đó là quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia, trong đó quyền tham gia là một quyền mới.

Ngày 3-8-2015, Thủ tướng đã quyết định phê duyệt chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em (giai đoạn 2016-2020), trong đó có yêu cầu “Các cơ quan nhà nước khi xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em; nhà trường, cộng đồng, xã hội khi xây dựng và thực hiện quyết định, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em phải tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của trẻ em bằng các hình thức phù hợp”.

Bảo vệ trẻ em tốt hơn

Trước đây, hệ thống pháp luật của ta chưa đề cập đến quyền tham gia của trẻ em, trong khi đây mới là quyền giúp các em chủ động thực hiện với tư cách là công dân nhỏ tuổi của đất nước. Nay thì trẻ em có quyền phát biểu ý kiến, bày tỏ nhu cầu và các vấn đề liên quan đến tương lai của mình.

Theo cách thức truyền thống, các quyền và lợi ích của trẻ em thường được quyết định bởi người lớn. Sự công nhận quyền trẻ em trong Hiến pháp sẽ là cơ sở để tăng cường nỗ lực hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý và chính sách quốc gia, trong đó quyền của trẻ em được xem xét và thể hiện ngay từ khâu lập pháp.

Khi tham gia lên tiếng về vấn đề của mình, trẻ em sẽ chủ động dung nạp thêm nhiều thông tin, đồng thời người lớn cũng sẽ có thông tin nhiều hơn để bảo vệ các em tốt hơn.

Khung pháp luật cho quyền tham gia của trẻ em đã có và đang được cụ thể hóa. Để những quy định mang tính khả thi khi áp dụng vào thực tế cần một điều quan trọng: Sự tham gia của trẻ em chỉ thật sự có hiệu quả khi trẻ em hoàn toàn tự nguyện, việc tham gia phải nhằm phục vụ lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Những quyết sách có tiếng nói trẻ em

+ 100% pháp luật, chính sách về trẻ em ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em;

+ 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường được tham vấn ý kiến trẻ em;

+ 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em;

+ 100% các tỉnh, TP trực thuộc trung ương triển khai thực hiện ít nhất hai mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

(Trích Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 3-8-2015 phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020)

Đã đến lúc phải thay đổi quan niệm của các bậc cha mẹ, các thầy cô và cả các nhà hoạch định chính sách, không phải tôi cho trẻ em mà phải là tôi làm việc vì trẻ em, tôi làm việc với trẻ em và coi trẻ em là một đối tác của mình. Vì phải hiểu trẻ em, lắng nghe trẻ em nói, phải biết được nhu cầu của trẻ em mới có thể chăm sóc trẻ em, mới có thể đáp ứng được những mong muốn của trẻ em.

NGUYỄN THỊ LAN MINH, chuyên viên cao cấp Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm