Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM mở Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ

Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM vừa chính thức thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ (gọi tắt là CNAS).

PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, người đặt bút ký quyết định thành lập CNAS, phát biểu: “Hoa Kỳ là cường quốc số một thế giới, muốn hay không thì quốc gia này đều có sự ảnh hưởng đến tất cả nước còn lại. Cùng với Hoa Kỳ, Canada và Mexico tạo ra khối thương mại tự do khu vực Bắc Mỹ (NAFTA) tuổi đời trên 20 năm, có sức ảnh hưởng sâu rộng. Nghiên cứu về khu vực này cũng chính là nghiên cứu ra đường đi cho Việt Nam trong tương lai”.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, TS Bùi Hải Đăng, Giám đốc CNAS, cho biết nhiệm vụ chính của trung tâm là triển khai nghiên cứu khoa học, cung cấp các dịch vụ khoa học về bắc Mỹ, qua đó thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và các nước khu vực Bắc Mỹ.

Lý giải cụ thể hơn về tính quan trọng và cấp bách đối với việc nghiên cứu Bắc Mỹ trong giai đoạn hiện nay, ông Đăng phân tích quan hệ giữa Việt Nam và các nước Bắc Mỹ, đặc biệt là với Hoa Kỳ ngày càng gần gũi và chặt chẽ. Ví dụ, mọi chuyển biến hay thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội Hoa Kỳ ngay lập tức tác động và ảnh hưởng đến các vùng còn lại trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hiểu đúng và toàn diện về cường quốc số một thế giới này sẽ giúp Việt Nam chủ động trong ứng xử. Ngoài ra, nghiên cứu toàn diện và sâu về các đối tác quan trọng của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia này.

Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM mở Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ ảnh 1
TS Bùi Hải Đăng, Giám đốc CNAS

Bên cạnh Hoa Kỳ, vai trò quốc tế của Canada cũng rất đáng quan tâm. “Việc tìm hiểu và nghiên cứu về các quốc gia phát triển bậc nhất như Hoa Kỳ và Canada chắc chắc sẽ mang lại những bài học quý giá để Việt Nam có thể phát triển thịnh vượng trong tương lại trên cơ sở của ba trụ cột chính mà Việt Nam đang tích cực hướng tới là: Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự” - ông Đăng nhấn mạnh.

Theo đề án thành lập CNAS, trung tâm phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước và khu vực về Bắc Mỹ.

Về kế hoạch trước mắt cũng như trong lâu dài, CNAS sẽ tham gia và chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu các cấp trong lĩnh vực nghiên cứu. Tổ chức hội thảo các cấp để phổ biến, thảo luận các kết quả nghiên cứu; đẩy mạnh nghiên cứu Bắc Mỹ tại Việt Nam. Tập hợp, dịch và giới thiệu các công trình nghiêu cứu chất lượng cao về khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Trên các diễn đàn khoa học, CNAS tập trung mục tiêu đóng góp để xây dựng, phản biện chính sách và các giải pháp vĩ mô trong quan hệ với các quốc gia trong khu vực Bắc Mỹ. Để đạt được các mục tiêu đó, CNAS chú trọng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong nước, điển hình như Viện Nghiên cứu châu Mỹ, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

CNAS cũng chú trọng việc hợp tác với các cơ quan ngoại giao của các nước Bắc Mỹ như đại sứ quán, tổng lãnh sự quán các nước Canada, Hoa Kỳ, Mexico tại Việt Nam và nhắm đến việc triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu với các đối tác nước ngoài như; Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ ĐH Texas A&M (Mỹ); Viên Nghiên cứu Bắc Mỹ thuộc trường King’s College London (Anh); Viện Nghiên cứu Bắc Mỹ John F. Kennedy thuộc ĐH Free Berlin (Đức);... Qua đó thu hút, tập hợp các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu Bắc Mỹ đảm bảo các giá trị khoa học.

Bắc Mỹ là một khu vực quan trọng bậc nhất trên thế giới gồm ba quốc gia lớn là Hoa Kỳ, Canada, Mexico và một vùng lãnh thổ Greenand (của Đan Mạch).

Hiện nay, cả nước chỉ có Viện Nghiên cứu châu Mỹ, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia) là đơn vị nghiên cứu duy nhất thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu về Bắc Mỹ.

Về đào tạo, chỉ có khoa Quốc tế học, Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG Hà Nội có chuyên ngành châu Mỹ học trong chương trình đào tạo cử nhân Quốc tế học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm