Trường nghề tung chiêu hút thí sinh

Bộ GD&ĐT vừa công bố phổ điểm các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Nhiều trường cao đẳng (CĐ), trung cấp nghề cho rằng điểm thi THPT cao, cộng thêm việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (ĐH) sẽ khiến nguồn tuyển cho khối trường nghề bị cạn. Tuy nhiên, những trường đang đào tạo các nghề mà xã hội có nhu cầu cao lại thu hút được người học ngay khi các trường ĐH chưa nhận hồ sơ xét tuyển năm học 2017-2018.

Không phải đóng học phí

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2, cho hay dù băn khoăn nhưng trường không vì thế mà khoanh tay chờ đến lượt các trường ĐH tuyển sinh đủ chỉ tiêu mới đến lượt mình “vét” thí sinh. Năm nay, trường đổi mới phương pháp truyền thông về tuyển sinh, vận dụng ở nhiều kênh như kênh doanh nghiệp (DN), kênh sinh viên học tại trường vào làm tại DN...

Ông Cường khẳng định chìa khóa để thu hút người học của trường nghề chính là chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế. Ngay từ khi tư vấn cho học sinh, phụ huynh điều này đã được đưa ra để người học  quyết định. Riêng trường đào tạo 18 ngành, trong đó có bốn ngành theo tiêu chuẩn Cộng hòa Liên bang Đức, ba ngành tiêu chuẩn Pháp. Đến nay, trường đã có 170/2.000 chỉ tiêu đăng ký vào học tại trường.

Đồng thời việc đào tạo nghề nghiệp của trường luôn gắn với DN để bao tiêu đầu ra và tăng thêm nguồn lực hỗ trợ sinh viên học tập, hứng thú theo đuổi nghề nghiệp.

Đặc biệt, trường hỗ trợ 100% học phí đối với sinh viên vào học và cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm.

Các trường nghề vẫn hút người học do thời gian học ngắn, ra trường có việc làm. Ảnh: P.ĐIỀN

Học có tiền, ra trường có việc làm

Ông Bùi Văn Hưng, phụ trách phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ nghệ 2, xác định cách tiếp cận để thu hút thí sinh học nghề là uy tín và chất lượng đào tạo của nhà trường. Trong đó ưu tiên hàng đầu là đào tạo phải gắn với việc làm, gắn với DN để sinh viên ra trường có việc làm ngay. Nếu người học chưa có việc làm thì tiếp tục bồi dưỡng đến khi có việc làm, không để học sinh tự bơi. “Dù chưa vào cao điểm của mùa tuyển sinh, tuy nhiên trường đã có 600 sinh viên đăng ký nhập học. Ngoài ra có khoảng 2.000 thí sinh đăng ký trực tuyến ghi tên tham gia xét tuyển vào trường trong năm học 2017-2018” - ông Hưng cho hay.

Ông Hưng cho hay để cụ thể mục tiêu nâng cao chất lượng tay nghề và đầu ra cho sinh viên, trường đã giao cho các khoa, ngành cam kết sinh viên học phải có việc làm. Đầu vào trường tuyển hai hệ CĐ, trung cấp, trong đó hệ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THCS. Nếu học viên hệ này có nhu cầu học thêm văn hóa thì nhà trường tiếp tục đào tạo, nếu không thì chỉ đào tạo nghề. Còn hệ CĐ thì xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT.

Sau sáu tháng đào tạo, trường đưa các sinh viên xuống DN thực hành, DN sẽ trả tiền trực tiếp cho sinh viên hoặc DN trả gián tiếp thông qua nhà trường, số tiền này sinh viên có thể trang trải sinh hoạt và học phí. “Nếu học sinh nghiêm túc nghề nghiệp, chịu khó rèn luyện tác phong, kỹ năng thì học phí không còn là gánh nặng. Mỗi modul học tại DN được trả 100.000 đồng và bao ăn” - ông Hưng nói.

Ông Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM, cho biết từ năm nay các trường CĐ chỉ đào tạo 2,5 năm thay vì ba năm như trước. Sinh viên ra trường được cấp bằng cử nhân CĐ hoặc kỹ sư ngành nghề là điểm khác biệt so với trước đây. “Để thí sinh có tâm lý tốt khi học nghề, ngay tuần đầu tiên trường đã đưa thí sinh vào các DN tìm hiểu, nắm thông tin để tạo hứng thú học nghề cho các em. Nhiều năm nay tỉ lệ sinh viên có việc làm khi ra trường đạt 90%” - ông Khiêm nói.

Hút người học từ truyền miệng

Phần lớn thí sinh vào Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn chủ yếu là truyền miệng của người vào học trước giới thiệu cho người sau hoặc do các DN quảng bá. Hầu như thí sinh chọn ngành du lịch đã tìm hiểu đầu ra, biết rằng ngành này có nhu cầu nguồn nhân lực cao.

NGÔ THỊ QUỲNH XUÂN, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm