Trường nghề vất vả tuyển sinh

Theo Tổng cục Dạy nghề, quy mô và chất lượng tuyển sinh học nghề ngày càng tăng, trên 75% học viên tốt nghiệp trung cấp nghề, CĐ nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, trong đó nhiều nghề đạt trên 90%. Thế nhưng công tác tuyển sinh tại các trường nghề luôn gặp khó khăn.

Thiếu thông tin, trọng bằng cấp

Khó dai dẳng từ bao lâu nay là nhận thức của phần lớn phụ huynh, học sinh chỉ xem học nghề là bước đường cùng. Ông Ngô Đức Giảng, Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, giải thích: “Do định kiến xã hội còn nặng nề về bằng cấp nên học nghề chưa thu hút được người học”. Còn bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, thì cho rằng nhiều gia đình kinh tế khó khăn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, nên phụ huynh chỉ cho con em mình làm lao động phổ thông mà không mặn mà cho việc học nghề. Một nguyên nhân nữa là do có quá nhiều trường ĐH, CĐ được thành lập và tham gia đào tạo nghề, học phí và thời gian học CĐ nghề tương đương học CĐ, ĐH.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề (Tổng cục Dạy nghề), nhìn nhận: “Tâm lý nặng nề bằng cấp của người dân, xã hội vẫn còn khá phổ biến. Trong khi đó, các thông tin tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về dạy nghề còn yếu, chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh phổ thông, thanh niên hiểu đúng và lựa chọn học nghề. Mặt khác, các trường ĐH, CĐ được mở ra quá nhiều, điểm trúng tuyển thấp, chỉ tiêu tuyển ngày càng tăng đã thu hút phần lớn học sinh vào học ĐH, CĐ”.

Ông Minh cũng cho rằng các trường nghề có chất lượng tập trung ở các khu đô thị, chi phí học tập cao, do đó khó thu hút học sinh vùng sâu vùng xa. Thêm vào đó, quan hệ giữa các trường dạy nghề với các doanh nghiệp thiếu chặt chẽ nên học sinh chưa xác định rõ học xong có việc làm thuận lợi, có mức tiền lương tương xứng với trình độ được đào tạo không.

Trường nghề vất vả tuyển sinh ảnh 1

Học sinh nghề điện-điện tử Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (TP.HCM) trong giờ thực hành. Ảnh: QUỐC DŨNG

Càng tuyển nhiều càng thiếu đậm

Trước mùa tuyển sinh 2011 này, những trường nghề chất lượng đào tạo thuộc hàng tốp vẫn thấp thỏm lo thiếu chỉ tiêu. Ông Hồ Văn Sĩ, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM), cho biết: “Chỉ tiêu trung cấp của trường năm ngoái là 800 nhưng chỉ tuyển được 700 học sinh. Nhiều năm trước trường không bao giờ lo thiếu chỉ tiêu nhưng nay học sinh không mặn mà học nghề”. Ông Hà Kim Vọng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Du lịch Khôi Việt (TP.HCM), cũng cho hay trong vài năm gần đây, số học sinh theo học nghề giảm (như năm 2008 tuyển được 615 học sinh, năm 2009 giảm còn 390 và năm ngoái chỉ tuyển được hơn 250 học sinh) và nhất là nghề hướng dẫn viên du lịch gần như không có học viên vì học sinh có khuynh hướng học ngành này ở các trường CĐ, ĐH. Ông Đào Văn Thông, Trưởng phòng Đào tạo Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, dẫn chứng: “Trường CĐ nghề Lilama 1 (Ninh Bình) đã tổ chức tuyển sinh nhiều đợt trong năm, về cả địa phương tuyển trực tiếp người học… nhưng năm 2010 tuyển chỉ được 65% so với năm 2009”.

Với các trường nghề mới thành lập và ngay cả các trường chưa có thế mạnh về ngành nghề, tình hình còn thê thảm hơn. Năm 2010, Trường Trung cấp nghề Ngọc Phước (TP.HCM) đăng tuyển sinh trên báo ba lần, gửi 8.000 thư mời tới thông báo chỉ tiêu học nghề, ngành nghề, thế mạnh của trường… nhưng chỉ có 32 học sinh đăng ký. Trường Trung cấp nghề Mai Linh (TP.HCM) đã tuyển sinh nhiều tháng, trường đã tung ra chương trình giảm học phí đến 50%... nhưng rất ít người theo học.

Tuyển khó, dạy càng khó

Không chỉ khó trong tuyển sinh, các trường lại gặp khó khi tổ chức đào tạo. Một số nghề rất dễ kiếm việc làm, mức lương cao nhưng không tuyển được người học vì công việc cho là nặng nhọc như tiện, hàn, xây dựng, điện, nuôi trồng thủy sản… Trong khi một số nghề học xong khó kiếm việc làm nhưng người học đăng ký nhiều như kế toán, tin học… Vì vậy có tình trạng dù đã tuyển đủ chỉ tiêu đầu vào nhưng tỉ lệ học sinh nghề bỏ học khá cao. Chẳng hạn Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng (TP.HCM) có khoảng 30%-40% học sinh bỏ học.

Năm 2011: 1,86 triệu chỉ tiêu học nghề

Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết hiện cả nước có 123 trường CĐ nghề, 300 trường trung cấp nghề và 810 trung tâm dạy nghề. Năm 2011, các trường nghề tuyển 1,86 triệu chỉ tiêu (tăng 6,4% so với năm 2010). Theo đó, CĐ nghề, trung cấp nghề tuyển 420.000 chỉ tiêu, trong đó thí điểm tổ chức đào tạo nghề chất lượng cao cho 500 sinh viên CĐ nghề theo chương trình tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Các trường CĐ nghề tổ chức thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Tiêu chí xét tuyển của trường CĐ nghề là theo điểm thi ĐH, điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ THPT. Các trường trung cấp nghề 100% xét tuyển dựa theo học bạ THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THCS và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề và CĐ nghề, học viên được dự thi tuyển sinh liên thông lên CĐ, ĐH cùng ngành nghề đào tạo. Thời gian đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên CĐ và từ CĐ nghề lên ĐH là 1,5-2 năm; đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên ĐH là 3-4 năm.

Nhiều giải pháp thu hút học viên

Trường luôn thu học phí thấp hơn khung quy định của Nhà nước và trong suốt khóa học cam kết không thu thêm bất kỳ khoản phụ phí nào ngoài các khoản thu được ghi trên giấy báo nhập học.

Ông CHU DUY HÒA, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Thương mại và Công nghiệp (Hà Nội)

Trường đã đầu tư mua sắm nhiều máy móc cho học viên thực hành. Hằng năm, một số giáo viên được cử sang Singapore, Thái Lan để học tập, mời chuyên gia của Nhật sang trao đổi kinh nghiệm. Trường cũng được Bộ LĐ-TB&XH đầu tư 4 tỉ đồng xây dựng chương trình dạy nghề tiên tiến cho hai nghề cắt gọt kim loại và lắp cáp mạng thông tin. trường được Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp nghề với kinh phí 1,6 triệu USD cho hai nghề cơ điện tử và điện lạnh.

Ông NGUYỄN NGỌC HẠNH, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (TP.HCM)

Trường đang triển khai dự án vay vốn ODA của chính phủ Đức và Pháp đầu tư cho sáu nghề chất lượng cao là điện công nghiệp, điện tử viễn thông, công nghệ hàn, cắt gọt kim loại, cơ điện tử, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp. Trường cũng được Trường City of Sunderland (Anh) ký hợp đồng và chuyển giao chương trình đào tạo các ngành kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện công nghiệp.

Ông LƯU VĂN LỰC, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ nghề Lilama 2 (Đồng Nai)

Trường đã liên kết và có mối quan hệ làm việc với nhiều xí nghiệp, nhà máy, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận đưa sinh viên đi thực tập và tạo việc làm bán thời gian để sinh viên có thêm thu nhập. Đồng thời, tổ chức các ngày hội tuyển dụng tại trường. Đã có 80% sinh viên được doanh nghiệp tiếp nhận với mức lương từ 3 triệu đồng trở lên.

Bà NGUYỄN THỊ HẰNG, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm