Từ vụ Hà Giang nhìn lại kỳ thi ‘2 trong 1’

Ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh và những người liên quan (nếu có) chắc chắn sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhưng liệu Bộ GD&ĐT có thể thở phào mà nói rằng đó là một con sâu, chỉ cần bịt được lỗ hổng này lại, chẳng hạn khâu chấm thi năm tới không giao cho Sở GD&ĐT của tỉnh đảm nhiệm nữa mà giao cho tỉnh khác là hệ thống vẫn chạy tốt, tức là phương thức thi “2 trong 1” và trả việc thi, chấm thi về cho các địa phương vẫn tiếp tục được triển khai trong năm tới?

Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: HOÀNG GIANG

Vấn đề là ở chỗ không ai đảm bảo được rằng hệ thống ấy lại phát sinh ra những rắc rối khác, bởi việc thi cử liên quan đến hàng triệu con người, liên quan đến 64 tỉnh, thành và hàng chục khâu kỹ thuật khác nhau. Chả lẽ cứ năm nào cũng phải đổ công sức ra đối phó với những sự cố!

Chưa biết ông Lương có tư túi gì trong vụ này không nhưng việc giúp con cháu, anh em hoàn toàn có thể xảy ra khi điều đó nằm trong tầm tay và trên địa bàn của mình. Quá nhiều mối quan hệ xã hội chồng chéo, quá nhiều công đoạn hành chính, kỹ thuật phức tạp… diễn ra trên một địa bàn quá rộng thì những sai sót, rủi ro là điều không thể tránh khỏi. Một khi sai sót xảy ra thì học sinh là người lãnh đủ. Vài ngày tới đây, sau khi chấm lại bài thi của 5.000 thí sinh, sẽ có rất nhiều nước mắt và nỗi đau.

Chưa kể kỳ thi “2 trong 1” vừa triển khai đã bộc lộ ngay những sai sót “chết người” là kết quả các môn thi trắc nghiệm không phản ánh được đúng trình độ của học sinh, bởi có quá nhiều thí sinh đánh đại vào bài theo kiểu cầu may.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ giáo dục đã lên tiếng không nên có kỳ thi đại học, đồng thời kỳ thi tốt nghiệp THPT nên nhẹ nhàng. Tốt nghiệp xong THPT, học sinh chọn trường để ứng tuyển, trường đại học căn cứ kết quả học tập của ba năm học để xét tuyển chứ không dựa trên duy nhất một kỳ thi may rủi. Một số trường có yêu cầu học sinh nộp một bài luận qua online để tự trình bày nguyện vọng của mình.

Những ai tường minh chuyện xét tuyển của nhiều trường đại học trên thế giới - nhất là Bắc Mỹ, châu Âu - đều biết rất nhiều tiêu chí xét tuyển của họ không hề xuất hiện ở Việt Nam. Chẳng hạn như tiêu chí về thành tích thể thao, các giải thưởng sáng tạo, các chứng chỉ tham gia các hoạt động thiện nguyện, hoạt động cộng đồng ở những nơi khó khăn… Chính với cách xét tuyển này họ đã tạo ra một đội ngũ sinh viên rất có bản sắc, năng động và làm xuất hiện những con người xuất chúng. Họ có được những nhóm, đội, cá nhân xuất sắc là nhờ có cách tuyển sinh như thế. (Còn ở Việt Nam ta có đốt đuốc cũng không tìm thấy những đội bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, những dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng của các trường đại học…).

Cánh cửa đại học và nói rộng ra là cả THPT phải là nơi rộng mở cho bất kỳ ai muốn học. Cánh cửa đại học rộng mở với các bạn trẻ ở các tỉnh địa đầu của Tổ quốc nhưng không phải bằng cách như ông Lương đã làm.

Những ai một lần đến Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng sẽ cảm nhận được sự bình dị, trung thực, cần cù và dũng cảm của người dân đang sống ở vùng phên dậu của Tổ quốc. Vậy xin đừng làm hỏng thế hệ trẻ cho dù với bất cứ lý do nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm