Vị đắng ngoại ngữ vùng xa…

Và cũng là năm đầu tiên Bộ quy định điểm liệt cho các môn thi. Trong năm môn thi tốt nghiệp phải đạt 25 điểm và không có môn nào đạt dưới hai điểm mới được công nhận tốt nghiệp. Dù biết thi tốt nghiệp có môn ngoại ngữ nhưng thực tế tại địa phương tôi học (một huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp), giáo viên dạy ngoại ngữ rất yếu, học sinh lớp dưới mất căn bản nhưng giáo viên lớp trên không có biện pháp giúp lấy lại kiến thức căn bản. Bởi vậy, thế hệ chúng tôi mang tiếng học Anh văn hệ bảy năm nhưng khi thi tốt nghiệp, không ít học sinh nông thôn như chúng tôi chưa biết cách chia động từ cho đúng thì nên cứ thắc thỏm lo rớt tốt nghiệp vì điểm liệt môn ngoại ngữ. Cũng cần nói lên sự thật đau lòng, giáo viên coi thi hiểu được nhược điểm của học sinh, các thầy cô cũng thắc thỏm lo hụt chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp vì điểm liệt môn tiếng Anh. Vì vậy, giám thị hội đồng thi khá dễ dãi để chúng tôi trao đổi bài với nhau. Và kết quả thi tốt nghiệp môn tiếng Anh của tôi vừa đủ hai điểm. Thời điểm đó, tôi ước gì Bộ GD&ĐT cho tôi được thi môn thay thế.

Gần 10 năm đi làm, vắt sức kiếm sống tôi càng thấy thêm sự thiệt thòi, thua sút khi vốn liếng tiếng Anh kém hơn đồng nghiệp. Tôi cay đắng nhận ra ngoại ngữ là phương tiện cần thiết. Mục tiêu của việc học ngoại ngữ là để đáp ứng được yêu cầu của công việc, cuộc sống. Học sinh học tốt ngoại ngữ, vận dụng được ngoại ngữ dễ thành đạt hơn. Vấn đề mấu chốt là việc dạy và học ngoại ngữ ở vùng sâu, vùng xa như thế nào chứ không phải là học để đi thi… đối phó như trường hợp tôi vừa nêu trên. Tiếc thay, sau 12 năm câu chuyện cũ của tôi vẫn lặp lại với những học sinh vùng sâu. Bỏ hay thi ngoại ngữ không phải là câu hỏi mà chỉ là đáp số buồn.

ĐẶNG NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm