Giúp công nhân thoát nạn vay nóng

Thời gian gần đây, ở các nhà máy, KCN,  KCX trên địa bàn TP.HCM lại rộ lên tình trạng công nhân vay nóng với lãi suất cao. Nhiều trường hợp công nhân còn bị đe dọa, đánh đập khi không thể trả tiền lãi kịp thời.

Vay 1 triệu đồng, 10 năm chưa trả xong

Tình trạng trên xảy ra phổ biến ở Nhà máy Samyang (huyện Củ Chi) hay các KCN, KCX ở Linh Trung (quận Thủ Đức), KCX Tân Thuận (quận 7) và nhiều nơi khác...

Chị NTN (công nhân ở Nhà máy Samyang) kể chị đang ở cùng chồng và hai con nhỏ. Cả hai vợ chồng chị chỉ mới tìm được công việc ở đây nên mức lương cũng chỉ được 3 triệu đồng/tháng/người.

“Đợt đó cha tôi bị ốm nặng phải nhập viện gấp, túng quá nên hai vợ chồng tôi vay tiền để trang trải. Vì cần vay gấp nên tôi vay nóng 5 triệu đồng với mức lãi suất là 250.000/ngày. Lãi cứ phát sinh hoài nên đã hơn hai năm nay vợ chồng tôi vẫn chưa trả hết được” - chị N. nói.

Chị N. cho biết ngày nào vợ chồng chị chưa kịp trả tiền lãi thì bên chủ nợ cho người tới quậy phá, chửi mắng và hăm dọa sẽ đánh cả nhà. “Thời gian này chúng tôi chỉ toàn sống trong sợ hãi. Hôm nay chưa có trả là ngày sau họ lại đến quậy phá” - chị N. nói.

Rất nhiều công nhân ở nhà máy này cũng rơi vào tình trạng tương tự. “Có chủ nợ còn thuê xã hội đen vô xiết nợ, hăm dọa công nhân và dằn mặt rằng mỗi tháng tới kỳ lương là đưa hết cho họ, không đưa là coi chừng nhà cửa, phòng trọ tan nát hết” - một công nhân cho hay.

Cũng rơi vào hoàn cảnh như chị N., chị PTTT (ngụ quận 9, công nhân ở KCX Linh Trung) cũng phải sống trong sợ hãi khi ngày nào cũng có người đến nhà gõ cửa vì chưa kịp trả tiền vay nóng đóng học phí cho con.

Qua trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Giám đốc Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (viết tắt là Quỹ CEP), cho biết quá trình đi tiếp xúc thực tế cho thấy rất nhiều hộ gia đình phải chạy vạy khắp nơi và chấp nhận vay nóng.

“Có hộ gia đình người dân chỉ vay 1-2 triệu đồng nhưng đã 10 năm rồi vẫn chưa trả xong vì lãi chồng lãi. Có gia đình phải tính đến phương án bán con làm con nuôi để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình vì nhà quá nghèo...” - ông Đạt kể.

Nhân viên của CEP đang tư vấn, hỗ trợ trao tiền vay vốn cho công nhân ở các KCN, KCX trên địa bàn TP. Ảnh: CEP cung cấp

Công nhân ít biết thông tin

Ở TP.HCM có Quỹ CEP (thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM, do UBND TP ra quyết định thành lập) là nơi hỗ trợ vốn vay để giúp đỡ công nhân tự tạo việc làm với lãi suất thấp nhưng đa phần công nhân lại không nắm rõ thông tin về quỹ này. Dù CEP có nhiều hoạt động thiết thực như cấp học bổng, xây lại nhà, tư vấn tại nhà cho công nhân, hướng dẫn làm sổ tiết kiệm... nhưng hiệu quả vẫn thực sự chưa cao.

“Hiện nay ở hầu hết các KCN, KCX,  chúng tôi đều kết hợp với công đoàn để triển khai nhưng tỉ lệ tiếp cận chưa cao, chỉ 10%-20% công nhân tiếp nhận thông tin. Tỉ lệ tiếp cận chưa đạt mức mong muốn nên chúng tôi đang cố gắng để đẩy mạnh thông tin hơn nữa” - ông Đạt thông tin.

Theo ông Đạt, khó khăn nhất là do thời gian tiếp cận quá eo hẹp, chỉ có thể tranh thủ thời điểm giao ca, giờ ăn trưa để thông tin cho công nhân. Thêm vào đó, tâm lý của công nhân khi có chuyện gấp là muốn có tiền ngay, ngại thủ tục giấy tờ nên thường vay nóng cho nhanh.

“Cuộc sống của người lao động nghèo luôn ở ngưỡng gặp khó khăn. Khi gia đình có chuyện thì họ cần mượn nóng để lo liệu ngay. Bên ngoài có rất nhiều nguồn vay bất cứ giờ nào cũng có dù sáng, trưa, chiều, tối hay cả đêm khuya mà chỉ cần đưa CMND là đã có tiền trong tay” - ông Đạt nói.

Ông Đạt cho biết ngay cả khi nhân viên của quỹ có nắm được thông tin là gia đình đó vay nóng, nhân viên hỏi rõ để tìm cách tháo gỡ nhưng họ vẫn không chịu nói ra vì đã lỡ cam kết với bên chủ nợ rồi.

Hiện nay CEP không thực hiện mức phạt nào với trường hợp cho công nhân vay mà trễ hạn trả. Có gia đình vay trong vòng một năm nhưng kéo dài đến ba năm vẫn trả chưa xong thì CEP không áp dụng mức phạt mà thay vào đó là đến nhà động viên, thăm hỏi về sức khỏe, vận động người dân đi làm.

Cách hỗ trợ công nhân của Quỹ CEP

Cung cấp khoản cho vay trả hằng tháng cho công nhân có thu nhập thấp, lãi suất bình quân 0,6%-0,65%/tháng với mức vay tối đa là 30 triệu đồng. Cung cấp khoản cho vay trả hằng tuần hoặc hằng tháng cho người lao động nghèo trên địa bàn dân cư, lãi suất bình quân 0,84%/tháng với mức vay tối đa là 30 triệu đồng.

Với công nhân có thu nhập thấp cần một khoản vay để học tập nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề, lãi suất bình quân 0,5%/tháng với mức vay tối đa là 20 triệu đồng, hoàn trả hằng tháng.

Với công nhân lao động thu nhập thấp cần một khoản vay để sửa chữa nhà ở, lãi suất bình quân 0,6%/tháng, mức vay tối đa là 30 triệu đồng, hoàn trả hằng tháng.

Với công nhân có nhu cầu tiền mặt khẩn cấp (chi trả các khoản chi phí phát sinh đột xuất do nhà có người bệnh, tai nạn...) thì lãi suất bình quân là 0,5%/tháng, mức vay tối đa 15 triệu đồng, hoàn trả hằng tuần hoặc hằng tháng.

Các công nhân có nhu cầu vay vốn đăng ký với công đoàn nơi làm việc để được vay.

________________________________

27.000  tỉ đồng đã được Quỹ CEP cho 2,9 triệu lượt hộ công nhân lao động nghèo vay trong 25 năm qua.

Trích báo cáo tổng kết 25 năm
hoạt động của CEP (1991-2016)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm