Góc nhìn mới về văn hóa vùng đất mới

Gia Định là đất mới, người Việt mới khai phá 300 năm. Tính từ lúc lập Văn Thánh Miếu ở Trấn Biên (1715) tới khi thực dân Pháp khai tử trường thi Hương ở Gia Định và áp đặt chữ quốc ngữ cùng với văn hóa Tây phương (1875), chữ Hán và Nho học chỉ có vai trò trong học thuật và hành chính 160 năm. Vậy liệu Gia Định có Nho giáo hay không và liệu Nho giáo ở Gia Định có gì để viết?

Giáo sư Ca Văn Thỉnh có lần cay đắng kể: “Một học giả có tiếng tăm nhơn đi du lịch Nam Kỳ có lời phẩm bình, đại để nói Hán học chẳng có còn chi ở Lục châu, nếu không có đôi (câu) đối để ở Văn miếu tại Vĩnh Long của ông Cao Xuân Dục”. Quyển Nho giáo ở Gia Định* đã lý giải được điều đó một cách tường minh. Nho giáo ở Gia Định xuất phát từ “con người Việt Nam ở Nam Bộ thời Đàng Trong đã mang trong hành trang Nam tiến của mình một loại Nho giáo được dân tộc hóa qua ba thế kỷ... Cũng phải kể tới bộ phận được du nhập theo chân những di thần nhà Minh Trung Hoa tìm tới tị nạn chính trị”. Từ đó, Nho giáo ở Nam Bộ có bản sắc riêng, có giá trị riêng và song hành với sự phát triển của địa phương và dân tộc.

Góc nhìn mới về văn hóa vùng đất mới ảnh 1

Bìa sách Nho Giáo ở Gia Định.

Điều thú vị nhất, mới lạ nhất trong quyển sách chính là phương pháp tiếp cận và phân tích mà tác giả xác định trong lời nói đầu. “Chúng tôi phải chọn cách tiếp cận xã hội học mà trước hết là phân tích Nho giáo thành hai hệ thống: hệ thống học thuật-lý luận (Nho học) và hệ thống chuẩn mực xã hội, để trên cơ sở đó quan sát nó trong tiến trình lịch sử-văn hóa Việt Nam ở địa phương”. Với phương pháp tiếp cận đó, Nho giáo được xem như mạch chủ đạo để đối chiếu, phân tích với ảnh hưởng của Phật giáo, văn hóa Đông Nam Á, văn hóa Tây phương, văn hóa các dân tộc bản địa trong cuộc sống hỗn dung của cộng đồng các dân tộc ở Gia Định và Đàng Trong nói chung. Từ phương pháp tiếp cận đó, tác giả đã phát hiện và lý giải nhiều hiện tượng văn hóa thú vị của vùng đất phía Nam như: “Tìm hiểu truyền thuyết về các “ông đạo” ở miền Tây Nam Bộ mà đặc biệt là các nhân vật có liên quan với giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương từ nửa sau thế kỷ XIX đến 1945, có thể tìm thấy vô số ví dụ về bùa ngãi phù phép nhưng nhìn chung loại “ma thuật” này thường có nguồn gốc Đông Nam Á chứ ít có liên hệ với pháp thuật của các đạo sĩ Trung Hoa… Chẳng hạn dưới thời Pháp thuộc, khi các mâu thuẫn kinh tế-xã hội thuộc địa đã định hình vẫn còn có sự xuất hiện các tôn giáo như đạo Cao Đài năm 1926, rồi Phật giáo Hòa Hảo năm 1939, trong đó Cao Đài mang dáng dấp một hội đoàn có khuynh hướng chính trị ôn hòa của tầng lớp trên nhưng lùi lại vị trí một tôn giáo để thu hút hội viên, còn Phật giáo Hòa Hảo giống như một phong trào vận động tư tưởng trong quần chúng tầng lớp dưới nhưng được nâng lên thành một tôn giáo để tránh bị đàn áp”.

Cũng với lăng kính tiếp cận xã hội học và xem Nho giáo vừa là hệ thống học thuật vừa là hệ thống ứng xử, tác giả đã phân tích lý, giải những hiện tượng, sự kiện chính trị, xã hội rất đặc thù của Gia Định trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Thí dụ, trong phong trào Đông Du, Duy Tân vào đầu thế kỷ 19, trong lúc Bắc Kỳ và Trung Kỳ chủ trương bài Nho, học theo văn hóa Tây phương thì phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ lại lấy Nho học như là “phương tiện nhận thức quan trọng bên cạnh ý nghĩa là một hệ thống kinh nghiệm truyền thống, vẫn được nhiều tầng lớp xã hội vận dụng như một hệ thống chuẩn mực hành động cũng như phương pháp tư duy. Tình hình này thể hiện rõ ràng trong nhận thức và hoạt động của nhiều trí thức yêu nước và tiến bộ trước 1920, từ Trương Gia Mô viết Gia Định tam tiên liệt truyện tới Đỗ Tường Ninh (nhạc gia của Giáo sư Trần Văn Giàu) ủng hộ cuộc vận động Đông du, từ Nguyễn An Khương (thân phụ Nguyễn An Ninh) mở khách sạn Chiêu Nam Lầu tới Trần Chánh Chiếu lập Minh Tân công nghệ xã. Năm 1907, tác giả La Ma hòa thượng trong bài "Cha ghẻ con ghẻ" trên Lục Tỉnh Tân Văn lên án thực dân Pháp từ lập trường dân tộc và theo lập luận Nho gia: “Làm thiệt hại cho người ta mà lại làm giàu cho mình, làm điều bất nhơn bất nghĩa, vô lễ thất tín”.

Nho giáo ở Gia Định là công trình nghiên cứu có giá trị, là góc nhìn mới về lịch sử phát triển văn hóa, xã hội của Đàng Trong với những dữ liệu rất phong phú, rất đặc thù.

Những tài liệu mà tác giả đọc và trích dẫn đã chứng minh cho một thái độ khoa học, nghiêm túc và bền bỉ, sự phân tích và đánh giá của tác giả cũng nói lên tinh thần độc lập và sáng tạo của một nhà khoa học có trình độ và bản lĩnh.

Tôi nghĩ rằng trong sự tìm tòi, phát hiện và đánh giá của mình, tác giả không thể không có những ý kiến chưa hẳn được mọi người nhất trí. Điều đó là bình thường, bởi chính những ý kiến còn khác nhau đuợc nêu lên để trao đổi và làm sáng tỏ sẽ là điều kiện cần thiết để phát triển khoa học. Điều đáng nói ở đây là công trình nghiên cứu này của tác giả Cao Tự Thanh và tính nghiêm túc của nó đã lần đầu tiên nêu lên một cách toàn diện những vấn đề Nho giáo ở Gia Định.”

Giáo sư VŨ KHIÊU

ANH THƯ

*Tác giả: Cao Tự Thanh, Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, Công ty Sài Gòn Media tái bản có bổ sung. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm