Hai con gấu ngựa “làm rối” cơ quan nhà nước!

“Nhắc tới hai con gấu ngựa là chúng tôi nhức đầu. Mình không lường được tình huống này bởi trước nay chưa từng có, không ngờ nó phát sinh rắc rối như vậy” - ông Nguyễn Văn Út, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, TP.HCM, than.

Mất trăm triệu đồng cơm nước cho… gấu

Ông Nguyễn Xuân Ngữ ngụ quận Gò Vấp có mảnh đất diện tích hơn 3.600 m2 tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 làm nhà ở, trồng cây, nuôi cá và có cái chuồng nuôi hai con gấu ngựa. Đất này thuộc dự án Khu công nghệ cao nên ông bị giải tỏa. Do không tự nguyện bàn giao mặt bằng nên tháng 5-2009, cơ quan chức năng đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất.

Tuy nhiên, ông Ngữ không chịu di dời các tài sản gắn liền trên đất. Do đó, buộc lòng quận phải cưỡng chế di dời số tài sản trên, trong đó có hai con gấu ngựa của ông Ngữ. Chúng được gửi vào Thảo Cầm Viên chăm sóc tạm thời. Nhưng từ lúc gửi gấu ngựa đến nay, chi phí nuôi dưỡng gấu mà Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng đã phải trả lên đến cả trăm triệu đồng, gần bằng mua hai con gấu mới.

Hai con gấu ngựa “làm rối” cơ quan nhà nước! ảnh 1

“Hội đồng thẩm định của Sở Tài chính cho biết về nguyên tắc, chi phí cưỡng chế do người bị cưỡng chế phải chịu. Do đó, chủ gấu phải trả tiền nuôi gấu. Tuy nhiên, QĐ 69/2008 do UBND TP ban hành thì cho phép trích 2% trên tổng kinh phí của dự án để ban bồi thường làm chi phí đảm bảo thực hiện bồi thường hộ trợ tái định cư. Trong các khoản chi, có nội dung chi cho công tác cưỡng chế thu hồi đất nếu không thu hồi được của người bị cưỡng chế. Bởi vậy giờ số tiền này chúng tôi chưa biết xử lý sao! ” - ông Út băn khoăn.

Ai nuôi gấu đây?

Đã vậy, gác qua chuyện chi phí nói trên thì việc xử lý tiếp theo đối với hai con vật này còn mệt hơn. Sau một thời gian nuôi dưỡng, Thảo Cầm Viên nhiều lần đòi trả hai con gấu ngựa cho quận 9 do chuồng trại không đủ, e việc phòng dịch cho hai con gấu khó đảm bảo. “Chúng tôi đâu ngờ sự thể kéo dài như vậy. Lúc đầu quận 9 đề nghị hỗ trợ thì chúng tôi cũng sẵn lòng vì chỉ nghĩ nuôi giúp vài tháng. Hợp đồng giữa Thảo Cầm Viên và quận 9 đã hết hạn từ quý I-2010 mà tới giờ Thảo Cầm Viên còn phải… ôm sô” - giám đốc Thảo Cầm Viên, ông Nguyễn Bá Dũng, “rên” không kém ông Út. Ông Dũng cho biết đây cũng là lần đầu tiên nơi này lâm vào tình huống nuôi thú hộ rồi “dính chấu” như vậy.

“Họp lần nào chúng tôi cũng đề nghị quận 9 giải quyết hai con gấu ngựa bởi Thảo Cầm Viên nuôi không nổi trong thời gian quá dài như vậy. Chúng tôi cũng nói rõ nếu gấu có chết thì Thảo Cầm Viên sẽ không chịu trách nhiệm”. Theo ông Dũng, trách nhiệm nhận nuôi dưỡng hai con gấu ngựa trên chính xác phải thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là Chi cục Kiểm lâm.

Thật ra trước đó UBND quận 9 đã cầu cứu Sở NN&PTNT. Tuy nhiên, Sở thẳng thừng từ chối, cho rằng Chi cục Kiểm lâm không thể tiếp nhận hai con gấu ngựa để cứu hộ và trả về rừng. Bởi hai con gấu ngựa của ông Ngữ đã được Chi cục Kiểm lâm gắn chip điện tử để quản lý. Ông Ngữ chưa có đơn tự nguyện giao nộp hai con gấu ngựa cho nhà nước nên vẫn là tài sản của ông. Do đó, quận 9 trả hai con gấu ngựa lại cho ông Ngữ là hợp lý.

Trả lại cho chủ: Không xong!

UBND quận 9 bèn mời ông Ngữ đến, vận động ông nhận lại hai con gấu ngựa nhưng một lần nữa kết quả lại bất thành. Ông Ngữ không từ bỏ hai con gấu ngựa nhưng cũng không nhận lại mà yêu cầu “bắt gấu ở đâu, trả về chỗ đó, xây lại chuồng trại như cũ”. Ngoài ra, ông Ngữ còn yêu cầu quận phải cam kết gấu khỏe mạnh như lúc bắt đi, không bị bệnh trong vòng 100 ngày kể từ ngày giao cho ông. Nếu trong thời hạn đó mà gấu chết thì địa phương phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Yêu cầu của ông Ngữ bị quận 9 bác bỏ bởi việc trả lại hai con gấu về chỗ cũ là “không có cơ sở do đất nằm trong khu dự án, đã bồi thường giải tỏa, quy trình cưỡng chế thực hiện theo đúng quy định” - phó chủ tịch UBND quận 9, ông Nguyễn Văn Thành, đã báo cáo trong văn bản gửi UBND TP vào giữa tháng 9.

Xoay vòng vòng vẫn chưa chốt được hai con gấu ngựa này đi đâu về đâu. Vậy nên TP giao lại cho Sở Tư pháp nghiên cứu và đề xuất hướng giải quyết!

Luật chưa lường hết

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho hay chuyện giải quyết hai con gấu ngựa tưởng dễ mà không dễ. “Đây là tình huống Bộ luật Dân sự chưa dự liệu do thực tế phát sinh, gặp rất nhiều trong quá trình cưỡng chế thu hồi đất”. Bà cho biết Bộ luật Dân sự có quy định cách xử lý đối với “tài sản vô chủ” (Điều 239) và tài sản mà chủ sở hữu tuyên bố từ bỏ (Điều 249). Còn với trường hợp tài sản biết rõ ai là chủ nhưng chủ sở hữu không từ bỏ mà cũng không tiếp nhận tài sản, đặc biệt là tài sản có đăng ký quyền sở hữu như vụ hai con gấu ngựa thì luật chưa lường tới. Bà Hương cũng cho biết luật chưa hướng dẫn thủ tục xác định thế nào là hành vi chứng tỏ sự từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản.

“Trước nay tài sản tạm giữ thường là bàn ghế, giường tủ nên cũng ít rắc rối nhưng đến vụ hai con gấu ngựa thì mới thấy khó xử. Lỡ sau này tới cá sấu, cọp… thì cũng chưa biết sao. Lỡ chúng bị chết thì càng rối, ai chịu trách nhiệm bồi thường đây?” - bà Hương lo ngại.

Theo báo cáo của Sở Tài chính ngày 21-5, khi thực hiện dự án, UBND các quận, huyện tiến hành cưỡng chế thu hồi đất và tạm giữ các tài sản trên đất với số lượng rất lớn. Hầu như người có tài sản không nhận lại, có trường hợp phải tạm giữ trên 15 năm. Do đó, phát sinh chi phí chốt giữ, phí thuê kho bãi để tạm giữ trong khi nguồn kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư không đủ để chi trả.

Ngày 9-11, Sở Tư pháp TP.HCM đã có văn bản gửi các quận, huyện hướng dẫn cách giải quyết tài sản tạm giữ trong quá trình cưỡng chế thu hồi đất. Theo đó, với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, cơ quan đang tạm giữ tài sản thông báo công khai để tìm chủ sở hữu. Sau một năm nếu không ai đến nhận thì sẽ thành tài sản vô chủ, cơ quan này được giữ luôn như quy định trong Bộ luật Dân sự. Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, do luật chưa hướng dẫn nên Sở Tư pháp đề nghị quận, huyện thống kê cụ thể số lượng, chủng loại, tình trạng để Sở báo cáo TP và xin ý kiến bộ, ngành.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm