Hàng ngàn hecta mía bỗng dưng "tự cháy"

Mới đây, Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh có công văn gửi chính quyền tỉnh Tây Ninh và các sở, ngành đề nghị hỗ trợ điều tra để ngăn ngừa “nạn” mía trên đồng bỗng nhiên bị cháy.

Dù đã có công văn và các cơ quan chức năng cũng tích cực điều tra nhưng trên các cánh đồng, mía vẫn “bỗng dưng” cháy hàng loạt mà không rõ thủ phạm.

Đốt mía để ép nhà máy!

Hiện trên các con đường ở vùng nguyên liệu mía Tây Ninh, người đi đường thấy nhan nhản những đống mía cháy, chờ nhà máy đến chở đi tiêu thụ. Tình trạng mía cháy xảy ra liên tục nhiều năm nay khi mía vào vụ thu hoạch. Theo thống kê, niên vụ 2011-2012, có gần 7.000 ha mía bị cháy. Năm 2012-2013, hơn 3.700 ha còn từ đầu vụ đến nay có đến hơn 2.500 ha mía bị “bà hỏa” viếng.

Ông Nguyễn Minh Đức (Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thuộc Sở NN&PTNT) cho biết: Mía cháy có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nông dân tự đốt mía để ép nhà máy thu hoạch sớm. Bởi các công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, luôn phải ưu tiên thu hoạch mía cháy trước, bởi nếu để lâu, mía cháy chỉ còn giá trị như… củi khô.

Các cơ quan chức năng đã điều tra nhưng không tìm ra ai là người đốt mía dù phía nhà máy đường và nông dân đều biết rất rõ: Người dân tự đốt để buộc nhà máy đến thu hoạch.

Sau khi mía cháy, nhà máy cho công nhân xuống thu hoạch và người dân sẽ bị trừ 200.000 đồng/tấn. Ảnh: HM

 
Một góc ruộng mía quá lứa đang lụi dần mà vẫn chưa được thu hoạch. Ảnh: HM

Vì thu hoạch trễ

Để làm rõ nguyên nhân mía cháy, chúng tôi đã gặp nhiều nông dân có mía bị cháy tìm hiểu cớ sự.

Anh NN ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành chỉ vào đám mía trổ cờ trắng xóa nói: Mía khô héo hơn tháng nay mà nhà máy vẫn chưa đến thu hoạch. Mía chết, trổ cờ sẽ mất chữ đường (chữ đường là lượng đường thương phẩm có thể lấy ra từ cây mía, chữ đường càng cao giá bán càng cao), nhà máy thu hoạch trễ làm khổ nông dân.

Nhắc vụ mía cháy của ruộng bên cạnh lan qua ruộng mía nhà anh, anh tỉnh rụi: “Ruộng bên đó họ tự đốt. Tui biết rất rõ. Mía họ cháy lan qua mía nhà tui, sau đó nhà máy xuống thu hoạch liền. Mía nhà tui đã bị cháy hai lần rồi!”.

Anh Nguyễn Văn Danh (ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, Châu Thành) có 8 ha mía và có ký hợp đồng bán sản phẩm cho Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh cho biết: “Nếu thu hoạch lúc mía trong 12 tháng tuổi, mía đạt chữ đường rất cao. Nhưng nhà máy thu hoạch trễ, cho lịch chặt mía từ giữa tháng 11-2013 mà tới giờ vẫn chưa xong. Họ cho công nhân xuống chặt vài xe rồi về. Mía đã hơn 14 tháng nên bị khô nhiều, thiệt hại từ 10 đến 20 tấn/ha, chữ đường cũng hạ…”.

Anh cũng cho biết nhiều lần ruộng mía ở gần cũng đã “tự cháy” và “may sao” lan sang ruộng mía nhà anh.

Theo người dân, nếu mía cháy, bà con chỉ bán với giá 600.000 đồng/ tấn, trong khi công ty mua ít nhất là 820.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, người dân không thể đợi vì chẳng biết khi nào nhà máy đến mua. Vì thế mía mới “tự dưng” cháy và họ chịu thiệt để kịp mùa vụ, quay vòng đất…

Thu mua mía chưa công khai

Như vậy đã rõ, nhà máy thu hoạch quá chậm kéo theo hệ quả là một vụ mía dài tới 15, 16 tháng khiến nông dân bị thiệt hại. “Có tình trạng nông dân tự đốt mía để vừa gây áp lực với nhà máy, vừa để chuyển sang trồng cây nông sản khác. Bên cạnh đó, nông dân thuê đất theo năm nhưng đến kỳ phải trả đất, mía vẫn chưa thu hoạch sẽ gặp khó”. Đoàn kiểm tra của tỉnh nhìn nhận.

Hiện có ba công ty quy hoạch vùng nguyên liệu mía ở Tây Ninh thì Công ty Bourbon Tây Ninh (Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công) và Nhà máy đường Biên Hòa-Tây Ninh vẫn chưa thu hoạch xong.

Trong một công văn, tỉnh Tây Ninh nêu rõ: “Đề nghị các công ty, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thực hiện công khai chính sách thu mua nguyên liệu, thông báo lịch đốn chặt mía cụ thể đến từng người trồng mía nhằm đảm bảo sự hợp tác, lợi ích giữa nhà máy và người trồng mía cũng như hạn chế tình trạng người dân tự đốt mía”.

Mía thu hoạch trễ, sản lượng và chữ đường giảm. Bên cạnh đó, việc quay vòng đất cho vụ sau bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên nông dân phải để mía “tự cháy”, dù giá mía cháy thấp hơn giá mía thu hoạch bình thường.

Một hệ quả lớn hơn là với chuyện bán mía khó khăn, người dân sẽ chuyển sang trồng mì hoặc nông sản khác. Thực tế là ba năm qua, diện tích vùng nguyên liệu mía liên tiếp giảm dù tỉnh đã có quy hoạch vùng nguyên liệu mía, dù các công ty không ngừng tăng tiền đầu tư ban đầu cho nông dân.

NGUYỄN HOÀNG

 

Nông dân đòi bỏ mía trồng mì

Anh Nguyễn Thành Long (xã Mỏ Công, huyện Tân Biên) dùng từ “bất mãn” khi nói về việc mỏi mòn chờ nhà máy thu hoạch:  “3 ha mía của tôi, họ xuống thu hoạch một nửa trong nửa tháng. Nửa diện tích còn lại họ để đó cho khô héo, tàn cờ nên tôi đang tính bỏ mía trồng mì”.

Còn anh Nguyễn Văn Danh ở xã Đồng Khởi (Châu Thành) cũng đang định hủy hợp đồng với nhà máy để chuyển sang trồng mì. “Mỗi năm làm một vụ còn có ăn chứ năm rưỡi mới xong một vụ mía, có mà ăn đất” - anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm