Hậu trường "công nghệ" làm giải thưởng

>>> Đã có quyết định thu hồi giải thưởng của Vedan

>>> Ban tổ chức xin thu hồi “giải thưởng” của Vedan

>>> Giải Sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng: Vì sao có tên Vedan?

Mới đây, ba sản phẩm (bột ngọt, bột nêm, tinh bột) của Công ty Vedan nhận giải thưởng “Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009”. Do công ty này gây ô nhiễm môi trường, nay lại được giải thưởng “Vì sức khỏe cộng đồng” nên dư luận lên tiếng phản đối. Ban tổ chức giải thưởng đứng ra phân bua rằng không hề xét cho Vedan đạt giải mà do “sơ sót” trong việc làm giấy tuyên dương nên Vedan mới có giấy tuyên dương này.

Sự việc này khiến dư luận đặt vấn đề về thực chất của các giải thưởng dành cho doanh nghiệp hiện nay ra sao?

Tiền cao thì giải cao

Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ tại TP.HCM và Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng TP.HCM (NATUSI) cùng phối hợp tổ chức giải thưởng “Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009”. Chính ông Bùi Văn Quyền, Trưởng Văn phòng này là Trưởng ban tổ chức chương trình và ông đã ký thư mời doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, khi sự việc “vỡ” ra thì Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ tại TP.HCM cho biết mọi khâu tổ chức đều do NATUSI đảm nhận và NATUSI phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Cách làm giải thưởng của NATUSI cũng hết sức “công nghệ”. Hợp đồng mẫu của đơn vị này ghi rõ doanh nghiệp tham gia giải thưởng phải “hỗ trợ kinh phí cho chương trình nhằm phục vụ công tác tổ chức, xét tặng, truyền thông và lễ tuyên dương giải thưởng”. Nếu doanh nghiệp tham gia giải Doanh nghiệp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng xuất sắc năm 2009 thì “hỗ trợ” 25 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp tham gia xét chọn sản phẩm “Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009” thì “hỗ trợ” năm triệu đồng/sản phẩm. Nếu doanh nghiệp không được giải thì sẽ được trả lại tiền “hỗ trợ”.

Không hỗ trợ, không xem xét

Dựa trên số doanh nghiệp tham gia, NATUSI chấm “sơ khảo”. Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc NATUSI, cho biết việc sơ khảo này chỉ xem xét hồ sơ có “hợp lệ” hay không mà thôi. Nếu hợp lệ thì được đề xuất xét tặng giải thưởng”. Điều này chứng tỏ cứ doanh nghiệp tham gia, “hỗ trợ” đầy đủ, thì được giải! Đồng thời, nếu doanh nghiệp không đăng ký tham gia, không hỗ trợ cho chương trình thì dù doanh nghiệp có tốt, có giỏi, có mạnh, có đạt các tiêu chí của chương trình đi chăng nữa thì cũng không có giải.

Ban tổ chức “săn” người dự giải

Gần đây, trong một lần làm việc với Ban Pháp chế HĐND TP.HCM, các doanh nghiệp đều lên tiếng kiến nghị chấn chỉnh tình trạng loạn giải thưởng, danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân.

Ông Phạm Thanh Truyền, Giám đốc Công ty Thiết kế xây dựng Cát Mộc, kể lại rằng trong thời gian cận kề ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, ông liên tục nhận được điện thoại từ các chương trình bình chọn, xét tặng giải thưởng. Biết rõ “công nghệ” tham gia giải thưởng và đóng tiền “hỗ trợ” nên ông hết sức thận trọng. Lần này, lời chào mời rất ngọt ngào rằng công ty tham gia chương trình không cần nộp phí, không cần hỗ trợ thông tin gì cả, thậm chí công ty còn được đăng bài giới thiệu miễn phí trên báo chí nữa.

Ông Truyền đã đồng ý tiếp xúc. Sau khi tiếp xúc với nhân viên thực hiện chương trình, cung cấp thông tin theo yêu cầu đầy đủ rồi thì những nhân viên này mới đặt vấn đề bài viết giới thiệu công ty sẽ miễn phí nhưng phải đăng kèm hình trụ sở công ty, hình nhân viên công ty, hình hoạt động của công ty và giá của mỗi hình là mười triệu đồng. Nếu không có hình thì “cũng không sao đâu” nhưng bài giới thiệu về công ty ông sẽ nằm “lọt thỏm” so với bài giới thiệu công ty khác!

Ông Truyền cũng cho biết, đến ngày họp mặt của Hội Doanh nghiệp quận 10, ông có hỏi thăm các doanh nghiệp khác về “công nghệ mới” này thì mới biết hầu hết đều gặp tình trạng tương tự.

Hậu trường "công nghệ" làm giải thưởng ảnh 1

Hậu trường "công nghệ" làm giải thưởng ảnh 2

Hậu trường "công nghệ" làm giải thưởng ảnh 3

Cần những “sàn đấu” lành mạnh

Lâu nay doanh nghiệp vẫn than phiền về việc có quá nhiều giải thưởng, danh hiệu, cúp vàng... đến nỗi không nhớ hết và cũng không biết rõ thực chất các giải thưởng này được “xét chọn” thế nào hay chỉ rập khuôn “công nghệ” làm giải như trên.

Có ý kiến cho rằng nên để thị trường giải thưởng, danh hiệu tự điều chỉnh. Những giải thưởng lâu năm, có uy tín sẽ trụ lại được và doanh nghiệp cũng biết cái nào thực, cái nào “công nghệ”.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp cho biết nếu để tự điều chỉnh thì khó lắm. Bởi lẽ doanh nghiệp là người biết rõ giải nào đàng hoàng, giải nào “công nghệ” nhưng người tiêu dùng làm sao biết được hậu trường làm giải thưởng như thế nào! Doanh nghiệp lại cần người tiêu dùng nên đôi khi doanh nghiệp biết rõ giải thưởng không có thực chất nhưng cũng phải tham gia vì nhiều lý do.

Doanh nghiệp này ví dụ về giải thưởng “Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009”: “Nếu giấy tuyên dương không phải do quan chức của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm ký tên, đóng dấu của Cục thì có lẽ chẳng doanh nghiệp thực phẩm, nước uống nào tham gia đâu!”.

Theo doanh nghiệp này, nhà nước cần can thiệp, chấn chỉnh tình trạng loạn giải thưởng, loạn danh hiệu. Trước mắt là kiểm soát cán bộ, không để những người này dùng chức vụ của mình tham gia vào các chương trình xét thưởng, trao danh hiệu. Các đơn vị hiện đang có chương trình bình chọn, xét thưởng, trao danh hiệu... thì vẫn cứ làm nhưng nhà nước nên đứng ra tổ chức các giải thưởng lớn một cách nghiêm túc, mang tính rộng khắp, xem như tạo “sân thi đấu” lành mạnh, có tính cạnh tranh cao cho doanh nghiệp tham gia.

Ông Hoàng Thủy Tiến, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP bị đình chỉ:

Sáu vị còn lại ban tổ chức cũng phải quy trách nhiệm

Tôi không biết vì sao giấy chứng nhận của Vedan chỉ có tôi ký!

Trong cuộc nói chuyện với phóng viên Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Thủy Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nói rằng sai phạm của ông là đúng. Tuy nhiên, quy trình xét duyệt giải thưởng đang có nhiều lỗ hổng.

. Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm đến người trực tiếp ký xác nhận một doanh nghiệp từng có nhiều sai phạm về môi trường nhưng vẫn đạt giải thưởng có sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Ông sẽ nói sao?

Hậu trường "công nghệ" làm giải thưởng ảnh 4+ Thì mình đã thấy sai rồi nên chấp nhận quyết định thôi. “Bút sa gà chết” mà. Tuy nhiên, tôi chỉ là một trong bảy thành viên nằm trong ban tổ chức của giải thưởng này. Vì vậy, nếu quy kết trách nhiệm thì không thể chỉ xét có mỗi mình tôi được.

Tôi cũng xin nói thêm rằng việc chọn doanh nghiệp nào đạt giải là do ông chủ tịch hội đồng quyết định sau khi đã thống nhất ý kiến của các thành viên khác quyết định. Còn khi tôi nhận được danh sách 50 trong tổng số doanh nghiệp đạt giải thì không có Vedan. Nó nằm ở vị trí 51 (chúng tôi đã nỗ lực tìm bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng TP.HCM, để xác minh chi tiết này nhưng rất tiếc không gặp được – PV). Còn việc tại sao Vedan vẫn có mặt trong danh sách “Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khởe cộng đồng năm 2009” tôi cũng không biết rõ nữa.

. Có nghĩa việc ký trước vào phôi trắng của giấy chứng nhận khi chưa có tên doanh nghiệp là có thật, thưa ông?

+ Đây là cách làm phổ biến hiện nay của nhiều nơi nên tôi nghĩ là chuyện bình thường như giấy mời họp, mời hội nghị...

. Tại sao Bộ Y tế lại tham gia vào giải thưởng do Bộ KH&CN tổ chức, thưa ông?

+ Các doanh nghiệp tham gia lần này chủ yếu liên quan đến thực phẩm (chiếm 2/3 tổng số doanh nghiệp đạt giải) nên ban tổ chức đã quyết định mời Bộ Y tế cùng tham gia để có ý kiến về chuyên môn. Đó là việc làm bình thường.

. Với tư cách là phó chủ tịch hội đồng, đáng lẽ người ký phải do chủ tịch ký. Tại sao trong giấy chứng nhận ba sản phẩm đạt giải của Vedan lại chỉ có mỗi chữ ký của ông thôi?

+ Theo sự phân công của chủ tịch, những doanh nghiệp đạt giải có liên quan đến thực phẩm sẽ phải có chữ ký của đại diện Bộ Y tế và ông chủ tịch hội đồng xét thưởng (TS Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng - Trưởng đại diện Bộ KH&CN tại phía Nam - PV). Còn câu hỏi tại sao giấy chứng nhận của Vedan chỉ có một chữ ký của tôi thì bản thân tôi cũng không biết. Tất cả do ban tổ chức họ làm. Tôi cũng tưởng rằng khi ban tổ chức lên danh sách 50 doanh nghiệp đạt giải là tôi chỉ ký 50 bản phôi giấy chứng nhận giải thưởng thôi. Chứ nếu ký tươi, ký khi có tên doanh nghiệp đạt giải thì chắc chắn tôi sẽ không đồng ý.

Tôi cũng xin nói thêm rằng hành động tôi làm cũng là việc làm phổ biến, người ký chỉ nhìn theo danh sách gửi kèm theo. Sau đó, người đứng ra tổ chức sẽ viết tên người được mời vào sau. Việc này bị nhầm giữa danh sách đề cử và danh sách trao tặng sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009.

. Xin cảm ơn ông.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Độc giả NGUYEN HUU TRUC (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận,  e-mail: huutruc...@gmail.com):

Nếu không phải Vedan mà là công ty nào khác không tai tiếng thì chắc giải thưởng sẽ trót lọt vì không ai để ý. Như vậy hóa ra đóng góp kinh phí để mua giải thưởng à?

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm