TÁC GIẢ SÁCH THẾ GIỚI PHẲNG - THOMAS FRIEDMAN:

Hiểu được thế giới phẳng, bạn sẽ biết phải làm gì

“Toàn cầu hóa có mặt trái. Khi bạn không là kẻ mạnh hoặc không sẵn sàng là kẻ mạnh, bạn sẽ bị nuốt chửng không thương tiếc hoặc chỉ còn lại những vụn bánh nhỏ bé trong miếng bánh lợi ích thương mại toàn cầu” - Thomas Friedman nói.

Cơ hội lớn cho người có tầm nhìn

Vào thời điểm ra mắt cuốn sách năm 2005, Thomas Friedman đã thực sự đem lại một cú sốc cho nước Mỹ và độc giả trên toàn thế giới khi lần đầu tiên đưa ra khái niệm “Thế giới phẳng”. Ngay lập tức một hình dung mới được trải ra và người ta liên tục đặt câu hỏi “thế giới thực sự phẳng đến mức nào”?

“Tất nhiên thế giới là không phẳng nhưng nó cũng không còn tròn nữa. Đây là cách đơn giản để mô tả việc con người tham gia hoạt động, cạnh tranh, kết nối và phối hợp nhau với sức mạnh bình đẳng lớn hơn bao giờ hết” - Thomas nói.

Thomas nói ông cảm thấy những người tập trung vào phê phán cụm từ “thế giới phẳng” dường như đã cố lờ đi sự kết nối mang tính toàn cầu kể từ khi Internet bắt đầu xuất hiện và phổ biến với một tốc độ chưa từng có. Ông cho rằng: Giờ đây chỉ cần ngồi trong ngôi nhà của mình tại Hà Nội, bạn có thể mua sắm ở New York hay Tokyo, bạn có thể trò chuyện với bất cứ ai đang online trong cùng một hệ thống Yahoo hay Facebook. Bạn hoàn toàn có thể tự trang bị cho mình kiến thức để ngang ngửa trình độ với một lập trình viên ở những quốc gia công nghệ hàng đầu như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore hay Nhật. Câu chuyện Flappy Bird và chàng trai trẻ Nguyễn Hà Đông chính là một ví dụ tuyệt vời cho cái gọi là “thế giới phẳng” và cơ hội mà nó có thể mang lại cho những người có tầm nhìn.

 
Thomas Friedman cho rằng câu chuyện Flappy Bird của tác giả Nguyễn Hà Đông chính là điển hình tuyệt vời của “thế giới phẳng”.

Khả năng học tập, so sánh và cạnh tranh trực tiếp ngày nay trên khắp bề mặt địa cầu đang trở nên mở hơn bao giờ hết với thế hệ trẻ và những người nắm trong tay công nghệ hay cách thức để thành công. Nếu bạn hiểu được quy luật của thế giới phẳng, bạn sẽ nhanh chóng biết mình phải làm gì. Nếu bạn sợ hãi thế giới phẳng và quay lưng sự cạnh tranh mang tính toàn cầu của nó, một ngày Mc Donald sẽ đến trước cửa nhà bạn và nuốt chửng gian hàng nhỏ bé của bạn bằng danh tiếng và kinh nghiệm của gã khổng lồ.

Những mối nguy song hành

Mặc dù Thomas Friedman lạc quan với “Thế giới phẳng” nhưng ông không khỏi lo sợ trong ngày đầu tiên đưa con gái của mình tới trường đại học. “Cảm giác rằng tôi đang đưa con gái tôi vào một thế giới có nhiều nguy hiểm hơn rất nhiều so với thế giới mà nó từng được sinh ra”.

Ông thấy “Thế giới phẳng đi theo hai chiều: Một có thể rất tích cực, một có thể rất tiêu cực. Nó sẽ xảy ra theo hướng nào là phụ thuộc vào chính chúng ta”. Đó là điều đương nhiên và tất yếu. Khi một phát minh của loài người lan tỏa, nó sẽ tạo ra cả cơ hội và những mối nguy.

Thomas đã chỉ ra ba yếu tố vĩ mô cần cải thiện ở cấp độ quốc gia đó là: 1. Nhà nước pháp quyền: Nhà nước pháp quyền có vai trò trung tâm để khuyến khích sáng tạo. Nếu như không có nhà nước pháp quyền thì không thể có sáng tạo. 2. Xây dựng được cơ sở hạ tầng tốt: Bao gồm đường sá, sân bay, đặc biệt là Internet băng thông rộng. 3. Giáo dục: Điều này là quan trọng nhất. Phải cải cách giáo dục làm sao trang bị cho con em những kỹ năng cần thiết để hợp tác, tương tác, khai thác những điểm mạnh của thế giới phẳng.

Thomas Friedman còn nhận định: “Hiện tại, Việt Nam đang là một quốc gia chủ yếu là sản xuất gia công và lắp ráp, để vươn tới tầm trên như các quốc gia phát triển, nó phải trở thành một quốc gia thiết kế và sáng tạo. Bởi lợi nhuận và cảm hứng của thế giới sẽ đi về phía những sáng tạo đầu nguồn”.

HỒ HƯƠNG GIANG

 

Tầm dự báo: Việt Nam sắp hùng mạnh về công nghệ

Những gì Thomas Friedman đã dự báo cách đây chín năm từ nước Mỹ thì tại Việt Nam năm 2014, chúng ta có thể nhận thấy rõ hơn bao giờ hết. Là một quốc gia đi sau về công nghệ thông tin nhưng thế giới phẳng đã trao cho Việt Nam cơ hội nắm bắt thứ công cụ kỳ diệu này bắt đầu từ việc trở thành những nhà gia công phần mềm - một Ấn Độ thời kỳ đầu, trước khi trở thành một quốc gia công nghệ thông tin hùng mạnh. Tốc độ làm phẳng thế giới của toàn cầu hóa thông qua các công cụ truyền đạt và xử lý thông tin đã khiến công nghệ chạm được vào Việt Nam sớm hơn hàng chục lần so với thời kỳ cách mạng công nghiệp và máy móc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm