Hỗ trợ nhiều mặt để giảm nghèo bền vững

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong hai thập niên qua Việt Nam đã giảm tỉ lệ nghèo từ 58,1% (năm 1993) xuống dưới 10%. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo tính bền vững giảm nghèo. Một bộ phận dân cư cận nghèo chỉ cần gặp cú sốc bất kể là thiên tai, kinh tế hay bệnh tật đều có thể khiến họ quay trở lại nghèo đói. Do kết quả của quá trình đô thị hóa nhanh, các dạng nghèo đô thị mới xuất hiện trong các nhóm di cư và lao động trong khu vực phi chính thức…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết để thực hiện cam kết xóa bỏ tình trạng nghèo dưới mọi hình thức, Chính phủ đã chủ động đổi mới cách tiếp cận, các giải pháp hỗ trợ nhằm tiến tới thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó có việc đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu: Cùng các giải pháp hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin… “Đây là phương pháp tiếp cận mới được cộng đồng quốc tế khuyến nghị các nước trên thế giới áp dụng để giải quyết tận gốc đói nghèo và Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á đi tiên phong áp dụng, triển khai thực hiện phương pháp này trong thời gian tới” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thông tin. 

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm