Hỗ trợ tiền cho người nghiện đi cắt cơn?

Những ngày qua, đoàn đại biểu HĐND TP.HCM do bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó ban Văn hóa-Xã hội, dẫn đầu đã có một số buổi giám sát về tình hình thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng tại một số quận, huyện.

Sẽ hỗ trợ người tự nguyện cai nghiện

Trao đổi tại các buổi giám sát, đại diện các quận 4, 6, 8… đều nêu khó khăn trong việc đưa người nghiện cai nghiện tại cộng đồng. Theo đó, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã không đủ tiền để cắt cơn, giải độc trong vòng 15 ngày tại các cơ sở trước khi đưa người nghiện về lại gia đình để theo dõi hỗ trợ. Theo quy định hiện hành thì chỉ những người thuộc hộ nghèo, diện chính sách, dưới 18 tuổi… mới được hỗ trợ. Nhiều quận cũng đã tính đến phương án vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhưng không hiệu quả. “Hầu hết nhà nào có con em nghiện đều có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống chủ yếu bằng các nghề thủ công, lao động phổ thông nên không đủ kinh phí để đưa con em đi cai nghiện, cắt cơn tại các cơ sở…” - đại diện quận 8 cho biết.

Ông Trần Anh Tịnh, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận 6, đồng tình: “Chi phí cắt cơn, giải độc cho người cai nghiện ma túy tự nguyện và bắt buộc tại cộng đồng là hơn 2 triệu đồng trong vòng 15 ngày nhưng hiện 14 phường của quận 6 dù đã ban hành quyết định nhưng không đưa người nghiện đi cắt cơn, giải độc được. Nguyên do là người nghiện và gia đình rất khó khăn, các phường thì không có nguồn chi”.

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM, cho biết các sở, ngành đã họp lại và thống nhất đề xuất UBND TP mức hỗ trợ cho những người đăng ký đi cai nghiện là 1 triệu đồng/người, bao gồm 600.000 đồng tiền ăn và 400.000 đồng tiền thuốc men trong vòng 15 ngày lưu trú tại các cơ sở để cắt cơn, giải độc. Trong tuần này, Sở Tài chính sẽ trình để UBND TP phê duyệt, dự kiến tháng 6 sẽ áp dụng.

Cán bộ phường 18, quận 4 thăm hỏi, động viên người tự nguyện vào Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy cắt cơn, giải độc. Ảnh: HL

Dân nói sao bắt người bán ma túy rồi thả ra

Từ ngày 17-9-2014, TAND Tối cao ban hành Công văn số 234 yêu cầu các tòa án phải trưng cầu giám định hàm lượng ma túy trong các chất thu giữ nghi là ma túy để làm căn cứ kết tội các bị cáo. Đây cũng là trở ngại lớn trong công tác đấu tranh, chặt đứt nguồn cung ma túy. Trước đó, việc lập hồ sơ, điều tra và truy tố chỉ căn cứ vào trọng lượng ma túy mà các đối tượng đã buôn bán, vận chuyển và tàng trữ.

Tại buổi làm việc với đoàn đại biểu HĐND TP.HCM sáng 28-5, ông Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết: “Hiện nay muốn khởi tố đối tượng buôn bán ma túy thì phải gửi mẫu ra Hà Nội để giám định hàm lượng ma túy. Hiện chúng tôi mới bị trả lại 300 hồ sơ. Chúng tôi rất đau đầu khi xử lý các vụ buôn bán ma túy nhỏ, lẻ này. Không những gây bất lợi trong công tác đấu tranh mà còn khiến người dân mất lòng tin vào cơ quan chức năng như tại sao người này buôn bán ma túy mà công an không bắt, bắt rồi thả ra”. Ông Quang thông tin ngày 27-5, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chính thức ký công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương để kiến nghị tháo gỡ vấn đề này.

Báo cáo của Công an TP.HCM nêu: “Qua thống kê chưa đầy đủ, TP hiện có 1.473 người nghiện, người quản lý sau cai nghiện bỏ địa phương đi đâu không rõ, các quận/huyện đã lập hồ sơ nhưng chưa quản lý được con người thực tế. Số người tái nghiện, người cai nghiện từ hai lần trở lên chiếm tỉ lệ 29,19% trong tổng số người nghiện ma túy”.

Tại buổi làm việc với HĐND TP.HCM sáng 28-5, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhìn nhận người sau cai nghiện bị hạn chế về việc làm do nhiều lý do như sức khỏe không đáp ứng được nhu cầu, doanh nghiệp kỳ thị… Từ đó ông đề xuất nên hỗ trợ cho đối tượng này vay vốn để tự tạo công ăn việc làm ở nhà như sửa xe, cắt tóc… để họ quyết tâm đoạn tuyệt ma túy. Tuy nhiên, cũng có đại biểu lo ngại không khả thi do khó thu hồi vốn vay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm