Hơn 7 triệu ha đất lâm trường nộp thuế không bằng một nhà máy

Tại phiên họp sáng nay 22-9 của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu: “Số liệu báo cáo thật đáng lo ngại. Tổng diện tích nông lâm trường lên tới mấy triệu ha mà nộp tất cả loại thuế cho nhà nước 10 năm qua chỉ có 1800 tỉ đồng. Tương đương mỗi năm nhà nước thu được 180 tỉ, không bằng một nhà máy”.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển tại cuộc họp

Trình bày báo cáo giám sát việc quản lý sử dụng đất đai nông lâm trường 10 năm qua (2004-2014), Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh: “Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các nông lâm trường chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực”. Theo ông Phước, hiện các nông, lâm trường giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn với 7.9 triệu ha, trong đó có hơn 2,4 triệu ha rừng sản xuất; gần 640.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 230.000 ha đất chưa sử dụng. Tuy nhiên việc sử dụng đất đai của nông lâm rất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn phổ biến.

Chỉ rõ nguyên nhân của của hiện trạng trên Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng 10 năm trở lại đây, và xa hơn từ năm 1987, khi có Luật đất đai, sự chuyển đổi quản lý của nông lâm trường liên quan đất đai không bắt kịp, bộc lộ yếu kém. “Hơn 20 năm mà việc xác định cắm mốc giới, rồi diện tích của phần lớn các nông lâm trường chưa được xác định thì không thể quản lý tốt được”, ông Hiển nói.
Tổng kết các ý kiến thảo luận tại UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị báo cáo giám sát nêu sâu hơn nữa những tồn tại trong việc ban hành, tổ chức thực hiện chính sách về quản lý sử dụng đất đai nông lâm trường để từ đó để ra giải pháp… “Thực tế còn tối hơn báo cáo giám sát. Chúng ta chưa nói hết mảng tốt và mảng tối”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm