Hợp sức giúp người bán dâm đổi đời

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có nhiều nhóm tự lực được lập ra để giúp đỡ người bán dâm được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, hỗ trợ hoàn lương, chuyển đổi nghề. Thành viên của các nhóm tự lực là những người đã từng sa chân vào nghề này và dứt ra được để đứng vững trong cuộc sống, giờ muốn hỗ trợ lại những chị em đồng cảnh.

Cất nhà lá cho chị em tạm lánh

Ba năm nay, căn nhà lá của chị Xuân Nương ở xã Quy Đức, huyện Bình Chánh đã trở thành địa chỉ tạm lánh của khoảng 40 chị em bị bạo lực gia đình.

Một trong những trường hợp đó là chị H., ngụ quận 12. Người nhà chỉ biết chị đi phụ quán cà phê nhưng khi nghe hàng xóm thấy H. đứng ở “điểm để đón khách” về kể lại thì gia đình mới té ngửa ra nghề thật của H. và đánh đập, đuổi ra khỏi nhà. H. đã tìm đến chị Đỗ Thị Huệ, trưởng nhóm tự lực Cỏ Dại, cầu cứu. Chị Huệ đã kết nối với chị Xuân Nương, chủ căn nhà lá và cũng là thành viên nhóm tự lực Niềm tin keo bạc để đưa H. về tạm lánh một thời gian.

Chị Nương cho biết ý tưởng cất nhà lá cho chị em ở xuất phát từ việc chị đi phát bao cao su cho gái mại dâm (để họ phòng ngừa lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục khi hành nghề) và nghe nhiều vụ việc chị em bị bạo hành nhưng không có lối thoát vì không tìm được việc mới. Chị Nương xin gạo của chùa và bạn bè để giúp các chị có cái ăn qua lúc ngặt nghèo. Các nhóm tự lực tuy chia địa bàn ra để dễ hoạt động và tránh chồng chéo nhưng thực tế lại kết nối và hỗ trợ nhau nhiệt tình.

Chị Huệ kể: “Nhiều chị em làm việc ở các cơ sở dịch vụ nhạy cảm thường phải chơi ma túy đá để có sức phục vụ nhiều khách. Nhiệm vụ của nhóm là tiếp cận để tuyên truyền về tác hại của ma túy cũng như phát bao cao su, chia sẻ kinh nghiệm xử trí cho chị em khi bị khách bạo hành, không chịu dùng bao cao su…”.


Một buổi truyền thông cho người mại dâm của CLB Chúng tôi là phụ nữ (CLB Sen xanh). Ảnh: G.NGHI

Chị em tự tin tìm đến tư vấn

Còn đối với chị Đỗ Thụy An My, Trưởng nhóm tự lực Hoa Cát Tường, thành lập từ năm 2012, công việc hỗ trợ chị em tuy vất vả nhưng đầy ý nghĩa luôn cuốn chị theo. Mới giữa năm nay, chị đã trực tiếp đi làm giấy khai sinh cho một em bé bảy tuổi (con của một người bán dâm) để đưa em vào trường học như mong mỏi của mẹ bé. Trước đó, do túng thiếu, chị đã ẵm con trốn khỏi BV Từ Dũ sau khi sinh nên không xin được giấy chứng sinh. Bé được dự án “Những đứa trẻ vô hình” của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng hỗ trợ. Thông qua đó, bé đã được các tình nguyện viên đến dạy chữ cấp tốc để kịp vào lớp 1 vì không kịp học lớp mẫu giáo. Không ít lần đi tuyên truyền kiến thức cho chị em, cũng chính chị là người đứng ra dàn xếp những vụ cãi vã giữa chị em với khách tại cơ sở, qua đó phân tích bài học thực tế cho các chị em.

Chị An My chia sẻ: “So với những năm trước đây, tình trạng kỳ thị người bán dâm đã giảm đi nhiều. Nhờ những mô hình tiếp cận thân thiện, chị em đã cởi mở hơn và tự tìm đến nhờ mình tư vấn. Khác với lúc trước, chị em ở rải rác thường rất khó tiếp cận. Chị em thường không dám lộ diện, thừa nhận mình làm nghề, càng không thổ lộ mình mắc bệnh phụ khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục để đến nỗi ngày càng trầm trọng. Mình không bao giờ hỏi chị em đã bỏ nghề hay chưa nhưng họ cần, nhóm sẽ hỗ trợ, bảo lãnh cho chị em vay vốn, hoặc giúp chị em xin việc…Vì mình hiểu khi có công việc ổn định thì chị em mới dũng cảm từ bỏ được con đường cũ”.

Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, cho biết hội có mức hỗ trợ vay vốn chuyển việc cho các chị em bán dâm tối đa 10 triệu đồng với điều kiện phải có địa phương bảo lãnh nhưng đa phần họ không cư trú ổn định và e ngại khi nhờ tới chính quyền. Trong thời gian tới, hội sẽ có giải pháp cụ thể để tạo điều kiện cho người bán dâm tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cộng đồng để cuộc sống vững hơn.

Bỏ nghề, đi phát bao cao su

Từ năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Ủy ban Phòng, chống AIDS TP.HCM thí điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ bán dâm muốn chuyển việc.

Chị DTN từng được đưa vào trường “phục hồi nhân phẩm” sáu tháng. Trở về địa phương, chị được giới thiệu vào mô hình này và được chọn học nghề làm hoa voan miễn phí. Kết thúc khóa học, chị được hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng để mua nguyên vật liệu để tự làm và bán sản phẩm (ảnh). Ngoài ra, chị còn “thâm canh” mua thêm mỹ phẩm để bán và trả hết nợ vay. Cuộc sống chị đến nay đã ổn định. Hiện nay chị là một trong những giáo dục viên đồng đẳng của Trung tâm Ánh Dương (Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM), ngoài làm nghề kinh doanh hoa voan, chị còn tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí cho các nữ tiếp viên nhà hàng, mại dâm đường phố… giáo dục viên đồng đẳng.

Hợp sức giúp người bán dâm đổi đời ảnh 2
 

Khi gặp sự cố, những chị em hành nghề mại dâm gọi điện thoại đến chị DTN luôn có cảm giác được an ủi, chia sẻ bất kể lúc đó đã qua 12 giờ đêm…

Tại Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ (CLB Sen xanh) do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM phối hợp với tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam và nhóm Bình Minh Đêm thành lập cuối năm 2014 cũng có 70 người bán dâm sinh hoạt thường xuyên. Đến đây, các chị em được tư vấn pháp luật miễn phí, gửi đi xét nghiệm bệnh, hỗ trợ chuyển việc… Một số chị nhờ học được khóa làm tóc do Công ty L’Oreal tài trợ nên đã mở được tiệm và ra làm thợ phụ

__________________________________

70% số người bán dâm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ở các tỉnh, TP khác đến. Tỉ lệ người đua đòi chỉ 15%-20%. Số còn lại bị ép buộc không còn con đường nào khác nên phải tạm thời sinh sống bằng cách này. Chi cục đang tham mưu Sở LĐ-TB&XH và UBND TP biện pháp tăng cường tiếp cận với người hoạt động mại dâm để tư vấn, giới thiệu học nghề, tạo việc làm, cho vay vốn, chăm sóc sức khỏe và các chương trình an sinh xã hội khác để từ từ cảm hóa, giúp họ tìm việc làm mới dù thu nhập có thấp hơn.

Ông LÊ VĂN QUÝ, Chi cục phó Chi cục Phòng,
chống tệ nạn xã hội TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm