7 bé ở TP.HCM đã ra đời nhờ mang thai hộ

Từ khi Nghị định 10/2015 quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực (từ ngày 15-3-2015), cả nước đã có hơn 100 hồ sơ đủ điều kiện cho phép mang thai hộ.

Riêng Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM) tiếp nhận 56 trường hợp được chỉ định mang thai hộ. “Hiện 42 trường hợp đã và đang thực hiện mang thai hộ, 14 trường hợp còn lại đang chờ đợi” - BS Bùi Trúc Giang, Phó Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, nói.

Ca song sinh ra đời đầu tiên

BS Giang cho biết hai bé trai chào đời đầu tiên tại BV Từ Dũ từ phương pháp mang thai hộ là cặp song sinh, nặng 1.900 g và 2.100 g. Người nhờ mang thai hộ là một phụ nữ 29 tuổi không có tử cung. Còn người mang thai hộ là chị họ, 35 tuổi.

“Tháng 5-2015, BV Từ Dũ đã trữ sáu phôi từ trứng của người phụ nữ và tinh trùng của chồng chị. Đến tháng 8-2015, BV tiến hành chuyển ba phôi vào tử cung người chị họ (người mang thai hộ)” - BS Giang nói.

Bốn tuần sau, mọi người chăm chú nhìn vào màn hình máy nội soi và vỡ òa niềm vui khi thấy hai mầm sống đã hình thành. Không ít bác sĩ, điều dưỡng nghẹn lời vì quá sung sướng. “Khi nhận được tin vui này, người phụ nữ nhờ mang thai hộ ôm chầm chúng tôi rồi khóc nấc vì niềm vui vô bờ ập đến” - BS Giang nói.

Ngày 16-3, tiếng khóc oe oe của hai đứa bé đã đẩy lùi tất cả mệt mỏi, âu lo của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, kể cả người mang thai hộ. “Đây là ca song sinh mang thai hộ đầu tiên trong cả nước” - BS Giang chia sẻ.

Nhân viên khoa Hiếm muộn BV  Từ Dũ (TP.HCM) kiểm tra phôi trước khi chuyển vào tử cung người mang thai hộ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Sau đó, lần lượt thêm năm trẻ ra đời từ người mang thai hộ. Tất cả bé đều bụ bẫm, khỏe mạnh, nặng trên 3.000 g. Dự kiến đến tháng 2-2017, nhiều bé lần lượt cất tiếng khóc chào đời cũng từ quy định đầy tính nhân văn này.

Ở khu vực miền Trung, đứa bé đầu tiên ra đời từ phương pháp mang thai hộ tại BV Đa khoa Trung ương Huế vào ngày 28-7. Đây là bé gái nặng 3.500 g, con của cặp vợ chồng cưới cách đây tám năm. Do bị u xơ tử cung, gây biến chứng nặng buộc phải cắt tử cung nên người vợ không thể mang thai.

Trong khi đó, đứa bé mang thai hộ ra đời đầu tiên tại khu vực phía Bắc, cũng là đầu tiên ở Việt Nam là con của cặp vợ chồng cưới nhau cách đây 16 năm. Đây cũng là bé gái, nặng 3.600 g, sinh tại BV Phụ sản Trung ương.

Nỗi buồn của người vợ 45 tuổi

Chị Trần Thị Đoan Trang, điều dưỡng phó khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, buồn buồn nói: “Nhiều vợ chồng hạnh phúc khi được làm cha, làm mẹ nhờ phương pháp mang thai hộ. Tuy nhiên, cũng có vợ chồng thiếu may mắn khi ước mơ làm cha, làm mẹ không thành”. Chị Trang kể: “Có cặp vợ chồng Việt kiều đã lớn tuổi: anh 47, chị 45. Hai người cưới nhau đã lâu nhưng không có con vì người vợ không có tử cung. Năm 2002, hai vợ chồng thụ tinh trong ống nghiệm và trữ lạnh ba phôi tại BV Từ Dũ. Khi chúng tôi hỏi lý do trữ lạnh phôi cách đây quá lâu, người vợ cho biết đề phòng chuyện không hay xảy ra cho vợ hoặc chồng. Người vợ còn cho biết hai vợ chồng mong mỏi Việt Nam sớm cho phép thực hiện mang thai hộ để họ có cơ hội làm mẹ, làm cha”.

Khi Việt Nam chính thức cho phép thực hiện mang thai hộ, vợ chồng Việt kiều nói trên rất đỗi vui mừng. Người mang thai hộ là chị họ của người vợ. Tháng 6-2015, BV tiến hành chuyển phôi đầu tiên vào tử cung người mang thai hộ, tuy nhiên không thành công do nội mạc của người mang thai hộ có vấn đề. BV chuyển tiếp phôi lần hai nhưng cũng thất bại.

BS Nguyễn Xuân Hợi, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản thuộc BV Phụ sản Trung ương, cho biết rất nhiều phụ nữ thiếu may mắn nên không thể sinh con. Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của 51 trường hợp nhờ mang thai hộ tại BV Phụ sản Trung ương cho thấy 18 trường hợp (hơn 35%) không có tử cung. Bên cạnh đó, 16 trường hợp (trên 31%) thất bại nhiều lần khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Chính vì không thể tự mang thai nên phải nhờ người mang thai hộ.

___________________________

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Nhưng trong số đó rất ít trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Chi phí một lần thực hiện mang thai hộ khoảng 60-70 triệu đồng trong trường hợp ca khó; ca bình thường thì chi phí 40-45 triệu đồng. Hiện có ba nơi được phép thực hiện kỹ thuật này là BV Phụ sản Trung ương, BV Đa khoa Trung ương Huế và BV Từ Dũ TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.